Thông qua công ty chứng khoán, hoạt động ngân hàng đầu tư của ngân hàng được đẩy mạnh hơn

Thông qua công ty chứng khoán, hoạt động ngân hàng đầu tư của ngân hàng được đẩy mạnh hơn

Mảng ngân hàng đầu tư được kỳ vọng lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng lên kế hoạch mua lại công ty chứng khoán trong năm nay với mục tiêu mở rộng hoạt động ngân hàng đầu tư đang là xu thế tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hệ thống ngân hàng.

“Chạy đua” mua công ty chứng khoán

Thông tin từ các đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHCĐ) ngân hàng năm 2025 cho thấy, trong điều kiện thị trường thuận lợi, nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực chứng khoán sẽ được triển khai trong năm nay.

Đơn cử, Hội đồng quản trị Sacombank đã trình phương án mua công ty chứng khoán tại ĐHCĐ thường niên vừa qua. Sacombank cho biết, hoạt động ngân hàng đầu tư đang là xu thế tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hệ thống ngân hàng toàn cầu và Việt Nam. Ở trong nước, nhiều ngân hàng đã và đang triển khai hoạt động này hiệu quả thông qua việc sở hữu các công ty chứng khoán. Với mong muốn gia tăng nguồn thu dịch vụ và năng lực cạnh tranh, Hội đồng quản trị Sacombank đã trình chủ trương góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán để trở thành công ty con của Ngân hàng với tỷ lệ sở hữu trên 50%, tổng giá trị đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho biết, Ngân hàng sẽ tìm chọn các công ty chứng khoán đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản như báo cáo tài chính rõ ràng, minh bạch, đánh giá được rõ ràng chất lượng tài sản; đầy đủ các nghiệp vụ cung ứng cho nhà đầu tư; quy mô vốn phù hợp; hệ thống vận hành ổn định, có khả năng kết nối với các đối tác; ưu tiên công ty chứng khoán đang niêm yết.

Trên thực tế, Sacombank đã sở hữu công ty chứng khoán (Công ty cổ phần Chứng khoán SBS) từ trước năm 2011, sau đó thoái dần vốn để cơ cấu lại các khoản đầu tư không hiệu quả. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của Sacombank tại SBS vẫn còn gần 14%. Trước thông tin trên, cổ phiếu SBS đã có 2 phiên tăng kịch trần. Tuy nhiên, chia sẻ tại ĐHCĐ vừa qua, lãnh đạo Sacombank khẳng định sẽ lựa chọn một công ty chứng khoán mới, chứ không mua lại vốn của SBS.

ĐHCĐ SeABank cũng đã thông qua kế hoạch mua công ty chứng khoán, mục tiêu hướng đến là mua 100% cổ phần của Công ty Chứng khoán ASEAN. Được biết, kế hoạch này đã được thông qua trước đó, thời gian dự kiến thực hiện là năm 2024, nhưng chưa triển khai do thị trường chứng khoán chưa thuận lợi. Năm 2025, kế hoạch này tiếp tục được trình và thông qua.

Tương tự, các cổ đông MSB đã thông qua việc góp vốn, mua cổ phần của công ty chứng khoán/công ty quản lý quỹ để công ty đó trở thành công ty con của ngân hàng này. Thời gian thực hiện trong năm 2025, phù hợp với tình hình thực tế và sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Những kế hoạch trên cho thấy, triển vọng của thị trường chứng khoán đang kích thích các thương vụ M&A diễn ra sôi động hơn. Việc các ngân hàng tìm cách sở hữu công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đã diễn ra trong vài năm gần đây, bộc lộ chiến lược mở rộng quy mô hoạt động, hoàn thiện hệ sinh thái tài chính của mình.

Sau các thương vụ M&A, ngân hàng đã có trong tay cổ phần chi phối tại những công ty chứng khoán mục tiêu, thông qua đó thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư. Mục tiêu nhắm đến của các ngân hàng là các công ty chứng khoán vốn nhỏ, thị phần thấp và dễ thâu tóm. Thị trường từng chứng kiến những công ty chứng khoán nhỏ sau khi về tay ngân hàng đã đón nhận dòng tiền mới và nhanh chóng ghi dấu ấn như Globalmind Capital thành Kafi, ASC thành VPBankS… Hiện tại, nhiều công ty chứng khoán đã có “bệ đỡ” từ ngân hàng như TCBS, SHS, MBS, TPS, ACBS, VCBS, LPBS…

Đơn cử, với VPBank, trước năm 2016, ngân hàng này là công ty mẹ của Công ty Chứng khoán VPS (vào cuối năm 2015 đã thoái 89% vốn tại VPS). Nhưng do thay đổi định hướng kinh doanh, đến năm 2022, VPBank mua lại Công ty Chứng khoán ASC, đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) và rót tiền để tăng vốn điều lệ cho công ty chứng khoán mới lên 15.000 tỷ đồng. Hiện tại, VPS và VPBankS là 2 công ty chứng khoán độc lập.

Đầu năm 2024, TPBank đã hoàn thành mua lại Công ty Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) với tỷ lệ nắm giữ cổ phần 99,9%. Ngoài ra, TPBank đang sở hữu 9,01% vốn tại Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), giá trị góp vốn thực là 270,3 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn và trong 2 năm qua, ACB đã đầu tư mạnh cho ACBS với lộ trình tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán LPBank (LPBS) có cổ đông lớn là LPBank với tỷ lệ sở hữu 5,5% vốn. Techcombank đang sở hữu hơn 94% vốn điều lệ của Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS)…

Đẩy mạnh hoạt động ngân hàng đầu tư

Với những kế hoạch hiện tại, ngân hàng sẽ tiếp tục là bên dẫn dắt dòng vốn M&A trong lĩnh vực chứng khoán năm nay và năm tới. Với tiềm lực vốn lớn, việc sở hữu công ty chứng khoán đã và đang là bước đi chiến lược của nhiều ngân hàng.

SeABank cho biết, việc mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán sẽ tạo cơ hội mở rộng hoạt động, đa dạng các nhóm sản phẩm, dịch vụ, bán chéo sản phẩm và đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối cho các nhóm đối tượng khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân, từ đó đa dạng hóa doanh thu và tối ưu hóa vốn góp của cổ đông.

Tổng giám đốc MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, MSB thực hiện kế hoạch M&A công ty chứng khoán/công ty quản lý quỹ nhằm hoàn thiện hệ sinh thái cho các hoạt động về thu phí và phát triển khách hàng cá nhân. Theo đánh giá của Ban lãnh đạo MSB, thị trường chứng khoán và các dịch vụ thuộc mảng ngân hàng đầu tư là thị trường tiềm năng, giữ vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế và được dự báo thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm vào Việt Nam. Việc lấn sân sang lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng đầu tư là một trong những trọng tâm phát triển trong tương lai, giúp MSB dễ dàng tiếp cận và cung cấp dịch vụ đầu tư chứng khoán và mở rộng sang lĩnh vực quản lý tài sản cao cấp (Wealth Management), phục vụ khách hàng tiềm năng muốn đầu tư chuyên nghiệp hơn; cung cấp các sản phẩm như quỹ mở, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu... giúp đa dạng hóa lựa chọn của nhà đầu tư.

Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB Trịnh Văn Tuấn cũng cho hay, thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn khi tỷ lệ dân số tham gia chưa cao và cơ hội nâng hạng thị trường lên mới nổi là rất lớn. Đây cũng là lĩnh vực các ngân hàng nói chung và OCB nói riêng khá tâm huyết, giúp hoàn thiện mảnh ghép trong hệ sinh thái của mình, đa dạng hóa dịch vụ - sản phẩm, đồng thời gia tăng khoản thu nhập ngoài lãi cho Ngân hàng.

Theo ông Tuấn, OCB cần phát triển mảng ngân hàng đầu tư để phục vụ khách hàng tốt hơn, nhất là nhóm khách hàng priority. Do vậy, OCB đã có định hướng sở hữu công ty chứng khoán. Tuy nhiên, do điều kiện thị trường chưa thuận lợi nên ở giai đoạn này, OCB đã triển khai việc hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty Chứng khoán VIS (nay đổi tên thành Chứng khoán OCBS). Về dài hạn, OCB có thể tiến tới sở hữu OCBS khi điều kiện cho phép và kỳ vọng hoạt động này sẽ đem đến nhiều lợi ích cho OCB và các cổ đông.

Chia sẻ về vai trò này, bà Nguyễn Thị Triều, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng đầu tư và Quản trị nguồn vốn OCBS cho hay, ngân hàng đầu tư là trụ cột chiến lược trong mô hình phát triển của OCBS trong bối cảnh thị trường vốn đang dịch chuyển, nhu cầu tái cấu trúc tài chính và huy động vốn của doanh nghiệp ngày càng gia tăng.

“OCBS đang đẩy mạnh phát triển các giải pháp tài chính cấu trúc, từ tư vấn M&A, IPO… đến phát hành trái phiếu và các công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả. Đây là thời điểm thích hợp để chúng tôi định vị rõ vai trò là đối tác tư vấn chiến lược của các doanh nghiệp trong và ngoài nước”, bà Triều nói.

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB chia sẻ, trong những năm trước, ACB có ý định bán một phần vốn tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng nay ACB muốn tự mình phát triển ACBS nhằm đẩy mạnh mảng ngân hàng đầu tư như là giải pháp gia tăng nguồn thu, đóng góp vào lợi nhuận chung của ACB.

Tin bài liên quan