MAFPF1: Nhà đầu tư không đồng ý chuyển đổi thành quỹ mở

MAFPF1: Nhà đầu tư không đồng ý chuyển đổi thành quỹ mở

(ĐTCK) Cho rằng việc chuyển đổi thành quỹ mở tốn nhiều chi phí, trong khi từ năm 2007 đến nay, Quỹ không chia cổ tức, các nhà đầu tư không đồng ý chuyển đổi thành quỹ mở, mà sẽ đóng Quỹ đúng thời hạn là tháng 9/2014.

Đại hội nhà đầu tư của Quỹ Đầu tư tăng trưởng Manulife (MAFPF1) diễn ra vào ngày 28/3 với sự tham gia của các nhà đầu tư đại diện cho 59,73% tổng số lượng chứng chỉ quỹ đang lưu hành. Đại diện quỹ MAFPF1 cho biết, có hơn 20% nhà đầu tư không lưu ký, nên không có cách nào liên lạc để gửi thư mời.

Tại Đại hội, Ban đại diện Quỹ đã trình phương án chuyển đổi MAFPF1 thành quỹ mở. Theo tài liệu, cơ cấu đầu tư của Quỹ sau chuyển đổi là: 80% - 100% NAV vào cổ phiếu niêm yết, 0% - 10% NAV vào cổ phiếu chưa niêm yết, 0% - 20% NAV vào quỹ tiền mặt và những công cụ nợ. T lễ chuyển đổi là 1:1, chi phí để chuyển đổi khoảng 440 triệu đồng.

Tuy nhiên, thảo luận tại Đại hội, nhiều ý kiến của nhà đầu tư không đồng ý việc chuyển thành quỹ mở, bởi từ năm 2007 đến nay, nhà đầu tư chưa nhận được phần cổ tức nào, trong chi phí chuyển đổi lại tốn kém, khoảng 440 triệu đồng. Mặt khác, Quỹ sẽ hết hạn hoạt động vào tháng 9/2014, vì vậy, các nhà đầu tư cho rằng, không nên chuyển đổi, mà nên bảo toàn vốn cao nhất để chia cho nhà đầu tư.

MAFPF1: Nhà đầu tư không đồng ý chuyển đổi thành quỹ mở ảnh 1

Với việc không được nhà đầu tư đồng ý chuyển đổi thành quỹ mở, MAFPF1 sẽ đóng quỹ vào tháng 9/2014

Liên quan đến việc đóng quỹ vào tháng 9/2014, bà Nguyễn Vũ Ngọc Trinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Việt Nam cho biết, danh mục đầu tư của MAFPF1 được đánh giá là tốt, đồng thời, MAFPF1 sẽ có khoảng từ 3 - 6 tháng trước thời điểm đóng Quỹ để tất toán các khoản đầu tư, nên không nhất thiết “xả hàng”, gây áp lực giảm giá các mã cổ phiếu trong danh mục, mà có thể giao dịch thỏa thuận để thanh toán danh mục tốt nhất cho nhà đầu tư.

Kết quả đại hội, ngoài tờ trình chuyển đổi thành quỹ mở, các tờ trình khác của Ban đại diện Quỹ đều được thông qua. Theo đó, ông Nguyễn Thế Nhiên, Tổng giám đốc CTCK Toàn Cầu (Vinaglobal), Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Sài Gòn (SaiGonCapital) trúng cử vào Ban đại diện và giữ vị trí Chủ tịch. Trước đó, ngày 15/3, ông Thái Hoàng Long, Chủ tịch Ban đại diện quỹ đã xin từ nhiệm vì lý do không thể kiêm nhiệm nhiều việc cùng một lúc. Hiện ông Long đang là thành viên điều hành của một công ty chứng khoán.

Kế hoạch năm 2013, Quỹ sẽ đầu tư nhiều vào các cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao thuộc ngành hàng tiêu dùng, tiện ích, dược phẩm và những cổ phiếu giá trị với tỷ lệ chi trả cổ tức ít nhất 10%/năm.

Về cơ cấu danh mục, MAFPF1 sẽ tăng tỷ trọng đầu tư vào ngành hàng tiêu dùng, ngành dầu khí (GAS), giảm tỷ trọng vào ngành bất động sản và ngân hàng, đồng thời cũng giảm tỷ trọng ngành bảo hiểm (BVH) do Quỹ đánh giá giá của cổ phiếu này đã tăng cao hơn so với tiềm năng tăng trưởng của công ty. Tính đến cuối năm 2012, cổ phiếu có tỷ trọng cao nhất trong danh mục của MAFPF1 là VNM, VIC, MSN, DHG, BVH.

Trong năm 2012, giá trị tài sản ròng của Quỹ là 148,09 tỷ đồng (tương đương 6.917 đồng/đơn vị quỹ), tăng 25,2% so với năm 2011, lợi nhuận thuần đạt 29,8 tỷ đồng, nhưng còn lỗ lũy kế 66 tỷ đồng, nên quỹ sẽ không chia cổ tức. Tính đến thời điểm 21/12/2012, MAFPF1 có khoảng 9% là tiền mặt.