Nga hiện có quỹ dự trữ ngoại hối trị giá 460 tỷ USD

Nga hiện có quỹ dự trữ ngoại hối trị giá 460 tỷ USD

Mặc kệ Putin trấn an, đồng Rúp Nga vẫn ngoan cố giảm

(ĐTCK) Bất chấp sự xoa dịu tâm lý thị trường của Tổng thống Nga Putin cuối tuần qua, đồng Rúp vẫn tiếp tục giảm xuống các mức thấp kỷ lục mới.

Đồng Rúp Nga đã xuyên thủng ngưỡng 40 RBS/USD, thấp nhất từ trước đến nay. Cụ thể, tại điểm thấp nhất trong ngày đầu tuần này, đồng tiền của Nga đã được giao dịch ở mức 40,0520 RBS/USD.

Đợt giảm giá mới này đến khi các nhà đầu tư vẫn không hết lo sợ rằng, Moscow có thể sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn dòng tiền chảy khỏi nước này khi gói trừng phạt Nga được áp dụng.

Giá dầu thấp hơn cũng góp phần làm tối thêm cho triển vọng của đồng Rúp, do nguồn thu từ năng lượng đóng vài trò quan trọng trong cán cân thanh toán của Nga.

Đồng USD, đã liên tục tăng trên những thị trường tiền tệ rộng hơn, và có thể tiếp tục tăng sau báo cáo việc làm tốt hơn kỳ vọng của Mỹ hôm thứ Sáu tuần trước, cũng bổ sung thêm áp lực đối với đồng tiền Nga.

Mặc dù hồi lại 0,2% trong ngày, đồng Rúp vẫn mất giá 16,5% trong vòng 3 tháng qua, và mức 40 RBS/USD trở thành một cột mốc đáng lo ngại cho các công ty Nga có vay nợ nước ngoài.

Đó cũng là mức giảm theo quý lớn nhất của đồng Rúp kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế Nga hồi những năm cuối thập kỷ 1990.

Mức thấp kỷ lục mới đã thách thức những nỗ lực của Tổng thống Nga nhằm xoa dịu tâm lý lo lắng của nhà đầu tư về những rủi ro ở nước này. Ông Putin đã cam kết trong tuần qua - sau khi có những bài báo nói, Ngân hàng Trung ương Nga đang bàn cách can thiệp vào thị trường vốn - rằng sẽ “không có bất kỳ sự kiểm soát vốn nào”. Ông Putin cũng cho biết, sẽ không có đợt rà soát trên diện rộng nào đối với chương trình tư nhân hóa trong quá khứ của nước này.

“Theo Tổng thống Nga, mặc dù tình hình kinh tế nước này vẫn đang xấu đi, Nga có thể đương đầu với những thời khắc khó khăn bằng nguồn ngoại tệ dự trữ trị giá 460 tỷ USD của mình”, các nhà phân tích ở Deutsche Bank nói.

“Quỹ dự trữ ngoại hối nói trên sẽ được sử dụng như một tấm đệm cho hoạt động thanh toán trong tương lai, thay thế cho tín dụng nước ngoài và có thể trở thành vốn đầu tư cho các doanh nghiệp bị cắt nguồn tài trợ từ phương Tây”.

John Hardy, Giám đốc chiến lược hối đoái của Saxo Bank, nói: “Từ đây, rất khó để xác định được điều gì có thể giải tỏa được áp lực lên đồng Rúp, ngoài một gói giải pháp toàn diện và một lối ra cho vấn đề tài chính, thương mại và căng thẳng với Ukraine”.

“Nhưng chừng đó cũng chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là đồng USD tự nó phải ngừng tăng giá, điều chỉ có thể xảy ra nếu Fed thấy rằng, việc đồng bạc xanh mạnh quá sẽ là mối đe dọa đối với nền kinh tế Mỹ”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích thị trường mới nổi ở Morgan Stanley đã khuyên các khách hàng của mình không nên đặt cược thêm vào đồng USD cho lo ngại về sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR).

“Chúng tôi duy trì triển vọng tiêu cực về trung hạn đối với đồng Rúp, nhưng tin rằng, CBR sẽ bán ra USD khi đồng tiền này yếu hơn”.

Tin bài liên quan