M&A trong kỷ nguyên Covid-19: Cơ hội tốt nhất cho cả bên bán và bên mua

0:00 / 0:00
0:00

“Khẩu vị” của nhà đầu tư thay đổi đáng kể do tác động của Covid-19, song đây là cơ hội tốt cho các bên khi tham gia thị trường M&A, tái cấu trúc và thay đổi mô hình kinh doanh.

Ông Robert Trần, Giám đốc điều hành Phụ trách thị trường Bắc Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Tư vấn chiến lược RBNC.

Ông Robert Trần, Giám đốc điều hành Phụ trách thị trường Bắc Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Tư vấn chiến lược RBNC.

Đó là nhận định của ông Robert Trần, Giám đốc điều hành Phụ trách thị trường Bắc Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Tư vấn chiến lược RBNC.

Dựa trên dữ liệu thực tế và quan sát của cá nhân, theo ông, dòng chảy M&A có sớm phục hồi và kỳ vọng đạt được kết quả như giai đoạn trước khi Covid-19 xuất hiện?

M&A là một trong những công cụ để tham gia thị trường nhanh nhất. Giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp trên toàn cầu đều đang phải điều chỉnh mô hình kinh doanh, cơ cấu lại tổ chức, xem xét hiệu suất làm việc… Tương tự, các kế hoạch M&A cũng sẽ được họ tính toán rất kỹ.

Đại dịch Covid-19 khác với khủng hoảng kinh tế những năm 2008 - 2009, nên một số ngành như tài chính - ngân hàng chưa bị ảnh hưởng, thậm chí, nhiều ngành còn đang phát triển tốt, như dược phẩm, chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp, nông nghiệp, chăn nuôi, bán lẻ, logistics…

Mặc dù Việt Nam chưa tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, song một số ngành kinh tế vẫn chịu tác động ở những mức độ khác nhau, nên một số thương vụ M&A đang được các nhà đầu tư cân nhắc.

“Khẩu vị” của nhà đầu tư ngoại trong bối cảnh “bình thường mới” có gì thay đổi không, thưa ông?

Nhiều nhà đầu tư đã tìm đến RBNC để được tư vấn và chúng tôi nhận thấy, họ đã thay đổi “khẩu vị” khá rõ. Giai đoạn này, các nhà đầu tư có xu hướng tập trung vào những start-up công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, tài chính hoặc giải trí, game… Tất cả đều có điểm chung là quan tâm đến quản trị rủi ro cũng như định hướng phát triển trong “thời kỳ VUCA” (V - volatility: biến động, U - uncertainty: không chắc chắn, C - complexity: độ phức tạp, A - ambiguity: sự mơ hồ).

Đây là khái niệm ra đời trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 - 2009. Khi đó, người ta chỉ áp dụng VUCA vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Nhưng từ tháng 3/2020, khi Covid-19 bùng phát mạnh, rất nhiều doanh nghiệp trong các ngành đều bắt đầu áp dụng VUCA. Hiện tại, chúng tôi đang tư vấn và đào tạo về VUCA cho một số công ty hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, bao hiểm, dược phẩm và tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam.

Cụ thể hơn, đi kèm với những thách thức, Covid-19 sẽ mang đến cơ hội gì cho các chủ thể của thị trường M&A?

Đứng ở góc độ người mua có tiền mặt, thì đây là thời điểm mua được giá tốt nhất, có nhiều lựa chọn nhất, là cơ hội để có thể thâu tóm nhiều công ty.

Ở góc độ người bán, trước khi quyết định bán, giai đoạn này chính là cơ hội để tái cơ cấu, sắp xếp lại các ngành kinh doanh cho hiệu quả, cắt giảm nhân sự hoặc những phần kinh doanh chưa hiệu quả. Chẳng hạn, RBNC đang tư vấn cho một công ty ở Hà Nội và sau đó, họ thực hiện cắt giảm tới 50% nhân sự, nhưng vẫn giữ được doanh số. Điều đó có nghĩa là, trước đây, công ty kinh doanh chưa hiệu quả.

Như vậy, thời điểm này, vai trò của các nhà tư vấn pháp lý và tài chính trong lĩnh vực M&A sẽ càng quan trọng hơn, thưa ông?

Thật ra, vai trò của các nhà tư vấn không có gì thay đổi, chỉ là “khẩu vị” của nhà đầu tư đang được điều chỉnh. Vì thế, hoạt động tư vấn pháp lý và tài chính cũng phải có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Trước đây, các bên thường phải gặp gỡ trực tiếp để tương tác, thảo luận…, nhưng đại dịch đã làm thay đổi nhiều điều. Rất nhiều trường hợp làm việc ở nhà vẫn đạt hiệu quả, nên các doanh nghiệp bắt đầu phải suy nghĩ, đánh giá lại mô hình kinh doanh của mình.

Nến nhìn một cách tích cực, thì Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng tầm, nhanh chóng bắt kịp những doanh nghiệp trên toàn cầu.

Như ông đề cập ở trên, công nghệ, dược phẩm, y tế, bán lẻ, logistics… đang là những lĩnh vực có nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh hiện nay. Ông đánh giá ra sao về tiềm năng M&A trong các lĩnh vực này?

Những ngành này đang phát triển rất tốt, vì vậy sẽ không ai đi bán một mảng kinh doanh đang tốt trừ khi họ được trả giá rất cao.

Kể từ tháng 3/2020 đến nay, cá nhân tôi cũng rót vốn vào các quỹ chuyên đầu tư cho start-up ở Silicon Valley. Các quỹ này đang đầu tư vào khoảng 100 start-up, trong đó có 89 công ty chuyên về công nghệ, app, platform phục vụ lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và giải trí tại nhà.

Đặc biệt, làn sóng các công ty chăm sóc sức khỏe dựa trên công nghệ đang phát triển mạnh trên thế giới và sẽ tác động, tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành này ở Việt Nam nâng tầm. Nhưng để có thể nắm bắt và tận dụng được cơ hội, doanh nghiệp rất cần những chính sách tốt và sự tham gia của Nhà nước.

Tin bài liên quan