M&A trong góc nhìn từ thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Năm 2013, cũng tại Diễn đàn M&A, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), ông Johan Nyvene bật mí, Công ty vừa hoàn thành một tư vấn bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài cho một công ty dược. Tuy nhiên, năm nay, ông Johan cho biết, HSC không thực hiện một thương vụ nào.
M&A trong góc nhìn từ thị trường chứng khoán

Ngoài những lý do chủ quan là có một vài thương vụ mà HSC không tiếp cận được, một vài thương vụ ráp nối không thành, thì ảnh hưởng lớn từ môi trường chung là hoạt động M&A trong năm vừa qua có xu hướng trầm lắng. 

Theo thống kê của KPMG, giá trị và số lượng các giao dịch M&A thành công bắt đầu suy giảm vào năm 2013 và năm 2014 cũng sẽ là một năm ảm đạm. Dự kiến, xu hướng sẽ tăng trở lại vào năm 2015 khi các bên bán có những kỳ vọng thực tế hơn và minh bạch hơn. Tuy nhiên, kỳ vọng về “Làn sóng thứ 2” - cũng là chủ đề của Diễn đàn M&A năm 2014 diễn ra tại TP. HCM chiều qua, hiện mới là kỳ vọng với với các chủ thể tham gia hoạt động M&A có mặt tại diễn đàn này.

Làn sóng thứ 2 M&A sẽ có, nhưng vào thời điểm nào? “Tôi cho rằng, trong vòng 12 tháng tới sẽ chưa xảy ra”, ông Johan nhận định. Nói theo cách khác nhau, nhưng đa số đại biểu tham dự Diễn đàn đều cho rằng, “Làn sóng thứ 2” chưa đến trong ngắn hạn hoặc phải có thêm rất nhiều điều kiện để có sóng, chứ không phải chỉ là gợn sóng.

Trước hết, nhìn vào TTCK, các chuyên gia cho rằng, thị trường có thể gọi là bão hòa khi mà nhà đầu tư nước ngoài không thể tăng tỷ lệ sở hữu ở những cổ phiếu mà họ muốn sở hữu - những DN đầu ngành, bởi đã hết room hoặc tỷ lệ sở hữu của Nhà nước quá lớn. Chỉ số P/E của khoảng 30 cổ phiếu hàng đầu dao động từ 20 đến 25 lần, không còn thấp, giá cổ phiếu không còn rẻ để đầu tư. Kỳ vọng lớn nhất được trông đợi vào các đợt IPO, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng vẫn còn hai rào cản lớn là cải cách hành chính và xử lý tài chính trong cổ phần hóa trước khi các thương vụ M&A thành hiện thực.

Một vấn đề tồn tại khá lâu khác, nhưng chưa có thay đổi đó là áp lực làm sạch báo cáo tài chính của cả ngân hàng với tư cách là chủ nợ và doanh nghiệp với tư cách con nợ. Thực tế, trên thị trường vẫn tồn tại không ít tài sản bất động sản là tài sản sản xấu, tồn đọng nhiều năm, chưa được xử lý. Khi cả doanh nghiệp và ngân hàng không bị áp lực xử lý nợ lớn thì cũng không có áp lực bán dự án theo giá thị trường. Vì thế, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến M&A không sôi động là sự thiếu minh bạch của thị trường nợ, khiến kỳ vọng của bên bán còn cao, trong khi bên mua muốn có những đánh giá thực và trả theo giá thị trường.

M&A có sóng, có sôi động hay không, không chỉ là vấn đề của riêng thị trường M&A, mà sâu xa hơn nó liên quan trực tiếp đến tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Theo đó, doanh nghiệp có huy động được vốn, tài sản có được sắp xếp lại, nợ xấu có được rã đông... hay không, đều là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động M&A. 

Tin bài liên quan