M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị

M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hội thảo M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị do Báo Đầu tư phối hợp với NovaGroup tổ chức sáng 15/10 theo hình thức trực tuyến ở 2 đầu cầu Hà Nội và TP.HCM.

Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã mang lại những thách thức chưa từng có, tác động đáng kể đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tuy vậy, trong khó khăn vẫn có những doanh nghiệp có chung tầm nhìn, hòa hợp về triết lý kinh doanh “đứng cùng nhau tạo lập chuỗi giá trị” để dần nối liền những đứt gãy khách quan.

Trong kỷ nguyên Covid, các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam không chỉ đi đầu trên mặt trận chống dịch, mà còn là những doanh nghiệp năng động, quyết liệt nhất trong các hoạt động tái cơ cấu, mở rộng hệ sinh thái và tạo lập chuỗi giá trị thông qua các hoạt động mua bán - sáp nhập.

Để có thêm những góc nhìn thực tế về hoạt động M&A thân thiện và nhận diện các cơ hội nâng cao chuỗi giá trị trong một hệ sinh thái “win-win”, Báo Đầu tư và NovaGroup phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị”.

Sự kiện sẽ có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp, những người có nhiều năm gắn bó với thị trường M&A Việt Nam bằng hình thức trực tuyến tại hai đầu cầu Hà Nội, TP.HCM và được phát trực tiếp trên fanpage của Báo Đầu tư và NovaGroup.

Các diễn giả tham gia hội thảo

Tọa đàm sẽ tập trung thảo luận vào các nội dung chính như diễn biến thị trường, tiềm năng, triển vọng hoạt động M&A tại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch; các câu chuyện, bài học kinh nghiệm từ các doanh nghiệp, chuyên gia, những người trực tiếp tạo nên các thương vụ M&A.

Ông Lê Trọng Minh (giữa), Tổng Biên tập Báo Đầu tư chụp ảnh cùng các diễn giả tham gia Hội thảo tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Dũng Minh

Ông Lê Trọng Minh (giữa), Tổng Biên tập Báo Đầu tư chụp ảnh cùng các diễn giả tham gia Hội thảo tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Dũng Minh

Ông Nguyễn Văn Hồng (thứ 3 từ phải sang), Phó tổng biên tập Báo Đầu tư tặng hoa các diễn giả tham gia Hội thảo tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Ông Nguyễn Văn Hồng (thứ 3 từ phải sang), Phó tổng biên tập Báo Đầu tư tặng hoa các diễn giả tham gia Hội thảo tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Nội dung tường thuật

09:36 15/10

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết, đại dịch COVID-19 tác động lên thời đại, lên xã hội, lên con người, nhất là những hoạt động sản xuất - kinh doanh vốn lấy sự hội tụ, tập trung làm nền tảng phát triển. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy sự vươn lên của nhiều doanh nghiệp cho thấy bản lĩnh vững vàng của lãnh đạo doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp vươn lên trong khó khăn, phong ba bão tố.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh

Trong hai năm khó khăn vừa qua, các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam không chỉ đi đầu trên mặt trận chống dịch, mà còn là những doanh nghiệp năng động, quyết liệt nhất trong các hoạt động tái cơ cấu, mở rộng hệ sinh thái và tạo lập chuỗi giá trị thông qua các hoạt động mua bán- sáp nhập.

Có thể lấy câu chuyện của NovaGroup làm một trong những điển hình trong cuộc tọa đàm ngày hôm nay. Dường như NovaGroup chưa bao giờ chững lại trong tiến trình thực hiện chiến lược phát triển của mình. Mỗi thương vụ M&A là một sách lược, một chiến thuật, một bước đi có tính toán, có nhìn xa trông rộng.

Trong những bước tiến dài của mình, các doanh nghiệp đối tác, nếu có cơ duyên trở thành một phần của NovaGroup thì chắc chắn có cơ hội tiếp tục cộng hưởng để lớn mạnh, để phát triển. Với NovaGroup, M&A chính là cách để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp, để các doanh nghiệp đồng thời phát huy thế mạnh, hợp lực để cùng nhau phát triển bền vững.

09:48 15/10

Trước khi bước vào phiên thảo luận thứ nhất, các diễn giả, khách mời và độc giả xem video ngắn giới thiệu về tổng quan thị trường M&A Việt Nam.

Video: Thành Nguyễn

09:52 15/10

Trong phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề: “Biến nguy thành cơ - Lối mở cho doanh nghiệp Việt”, ông Lê Trọng Minh đã đặt câu hỏi đối ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư đặt câu hỏi cho các diễn giả. Ảnh: Dũng Minh

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư đặt câu hỏi cho các diễn giả. Ảnh: Dũng Minh

Ông Lê Trọng Minh: Trong điều kiện hiện nay, khi nền kinh tế thế giới nói chung đang chao đảo bởi đại dịch Covid, tiềm lực kinh tế của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tìm kiếm cơ hội để mua bán - sáp nhập là lựa chọn sống còn, ông đánh giá sao về điều này? Có phải cho đến tận giờ phút này, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn rất mơ hồ với khái niệm M&A và dù muốn bước vào cuộc chơi, họ cũng không biết phải bắt đầu từ đâu và bắt đầu theo cách nào? Sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt không chỉ là đơn thuần là mạnh về tiềm lực kinh tế, mà còn là biết cách kiểm soát và làm chủ cuộc chơi, biết tận dụng cơ hội, biết chọn bạn để đồng hành. Ông có nghĩ vậy hay không, thưa ông Nguyễn Công Ái?

Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam: Nói về thị trường M&A, trong góc nhìn của nhà tư vấn, trong năm 2020 chúng tôi tương đối nhàn bởi số thương vụ M&A có giảm đi đáng kể do ảnh hưởng của bệnh dịch. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, các nước đã bắt đầu kiểm soát được đại dich và đã chuẩn bị nguồn lực, nguồn tiền cho chuẩn bị cho các hoạt động M&A.

Ông Nguyễn Công Ái trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: Lê Toàn

Ông Nguyễn Công Ái trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: Lê Toàn

Từ cuối năm 2020, giá trị thượng vụ đã ghi nhận tăng đáng kể. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động M&A toàn cầu tăng trưởng kỷ lục nhờ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Mỹ.

Tại Việt Nam, Chúng tôi đã thực hiện thành công các thương vụ M&A qua hình thức trực tuyến. Năm 2021 dù thị trường khó khăn, nhưng vẫn có những thương vụ lớn như thời điểm tháng 9/2021, Tập đoàn Thaco đã hoàn tất việc chuyển nhượng hoạt động kinh doanh siêu thị Emart tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng kể từ đầu năm 2022, khi đại dịch được kiểm soát, khi chúng ta tiêm vắc xin đầy đủ, chúng tôi tin tưởng hoạt động M&A sẽ sôi động trở lại và có thể đạt tốc đổ tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm 2021.

09:57 15/10

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Tôi thấy nổi lên 3 đặc điểm về M&A rất đáng chú ý trong giai đoạn dịch bệnh Covid bùng phát và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam.

Thứ nhất là tác động Covid lên M&A là rõ nét, con số thực tế cho thấy là M&A gắn liền khối ngoại, nên tác động lên khối ngoại sẽ có tác động lên M&A Việt Nam.

Cụ thể, M&A toàn cầu có sự sụt giảm trong 6 tháng 2020 với tổng giao dịch 917 tỷ USD, nhưng sự tăng trưởng lại rất nhanh trong nửa cuối năm khi được kiểm soát, giá trị 2.200 tỷ USD. Trong năm 2021, giá trị M&A toàn cầu là 2.600 tỷ USD.

Tác động tương tự ở Việt Nam, M&A năm 2019 đạt giá trị 7,2 tỷ USD, nhiều tập đoàn kinh tế trong nước xuất hiện, nhưng khối ngoại vẫn ảnh hưởng lớn. Cả năm 2020, tổng giá trị các thương vụ M&A chỉ 3,5 tỷ USD.

Không chỉ ở con số, còn liên quan tới ngành nghề, hoạt động kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh Covid cả tích cực và tiêu cực. Ngành nghề tập trung nhiều trong M&A là bất động sản, tài chính ngân hàng, công nghệ, logistic, dược phẩm, công nghệ… Nổi bật nhất là ngành bất động sản tập trung hơn 40%, dịch vụ bị tác động mạnh bởi Covid, nhưng M&A lại diễn ra mạnh mẽ 18%, hay thực phẩm đồ uống, dược phẩm, vật liệu xây dựng…

Ông Phan Đức Hiếu, trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh

Ông Phan Đức Hiếu, trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh

Đặc điểm nổi bật là sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp nội, có thời gian chúng ta từng lo nước ngoài thôn tính donah nghiệp Việt, có nên có chính sách hạn chế không - từng có suy nghĩ như vậy, thì nay không còn nghi ngại. Năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam là bên mua chiếm 18%, năm 2019 - 2020 là 30% cho thấy trỗi dậy mạnh mẽ, các chủ thể tham gia vào M&A từ 2019 - quý I/2021 thì 49% là doanh nghiệp Việt Nam.

Các địa bản xảy ra M&A thì 70% ở Việt Nam, 30% ở lãnh thổ bên ngoài. Điều này cho thấy sự vươn lên của doanh nghiệp Việt và điều này là rất quan trọng.

Thứ ba là sự hợp tác liên kết hình thành chuỗi, thay vì M&A mang tính thôn tính - bị tác động bởi Covid cũng rất rõ. Giai đoạn 2019 - 2021 chỉ 11% giao dịch M&A là sáp nhập - tức triệt tiêu 1 bên. Còn lại 80% mua lại (mua cổ phần chiếm tỷ lệ đa số) để kiểm soát, và 9% là liên doanh.

Dịch bệnh Covid đã thay đổi cơ cấu kinh doanh và hình thành chuỗi cung ứng.

Các thương vụ M&A theo chiều ngang (doanh nghiệp kinh doanh cùng 1 thị trường) chiếm 45% giao dịch vừa qua, cho thấy cơ cấu lại các hoạt động kinh doanh, quan trọng hơn có 19% các giao dịch theo chiều dọc (hình thành chuỗi) cho thấy, chuyển dịch chuỗi, và chỉ 30% là giao dịch hỗn hợp.

Đó là tổng quan 3 đặc điểm rõ nét trong 3 năm qua.

10:13 15/10

Ông Lê Trong Minh: Thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến làn sóng M&A diễn ra mạnh mẽ với quy mô lớn. Đáng chú ý, xu hướng M&A đang có sự thay đổi đáng kể, theo đó, M&A thù địch dường như đang giảm đi và tăng M&A thân thiện, đây có thể đánh giá là xu hướng tích cực. Ông Trần Đình Thiên góc nhìn như thế nào?

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Tôi nghĩ đến thời điểm này, bàn về vấn đề liên quan đến triển vọng, hay số phận của doanh nghiệp Việt, làm sao để doanh nghiệp Việt mạnh lên là một vấn đề lớn.

Ông Trần Đình Thiên. Ảnh: Dũng Minh

Ông Trần Đình Thiên. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều năm nay, tôi tập trung nghiên cứu doanh nghiệp làm thế nào để mạnh lên thực sự. Như anh Ái (ông Nguyễn Công Ái - PV) nói về 3 giai đoạn, nhưng có lẽ đó là nhóm doanh nghiệp tư nhân, trong khi doanh nghiệp chủ thể cũng là một đối tượng lớn, nhưng sau 30 - 40 năm vẫn yếu, có lẽ do cấu trúc yếu. Thế nên, M&A giúp các doanh nghiệp tái cấu trúc.

Bàn về cơ hội M&A, đây là thời điểm hợp lý, “dọn dẹp” lại các doanh nghiệp sau khi bị “cơn bão” quét qua. Đây là cơ hội tuyệt với cho doanh nghiệp. Nếu nói đến cơ hội, lại có hai vấn đề: Thứ nhất tái cấu trúc doanh nghiệp Việt thì cần thay đổi, điều kiện, tháo gỡ cơ chế chính sách, bởi đây không chỉ là cơ hội cho doanh nghiệp, thay đổi chân dung cho doanh nghiệp Việt Nam, mà rộng hơn là cơ hội cho đất nước.

Thứ hai là nỗ lực từ phía doanh nghiệp, là cách thức thực hiện M&A sao cho hiệu quả nhất. Từ việc phân tích xu hướng, có thể nhận diện cơ hội mới mà các doanh nghiệp trong nước tham gia vào thay đổi doanh nghiệp, không chỉ trông chờ vào các đối tác quốc tế. Chúng ta cần bàn luận như thế nào để đẩy mạnh quá trình M&A để kéo doanh nghiệp yếu đứng dậy, kéo nền kinh tế đứng lên sau đại dịch. Đồng thời, tạo thêm áp lực cho Chính phủ trong việc đưa ra các cải cách, cải tiến…thúc đẩy chính sách để đẩy mạnh M&A.

10:43 15/10

Hội thảo kết thúc phiên thảo luận thứ nhất, bước vào phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề Nghiên cứu điển hình NovaGroup: M&A - Hợp tác cùng phát triển. Phiên 2 do ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cao cấp Savills Việt Nam điều phối.

Ông Sử Ngọc Khương, ngoài cùng bên trái sẽ điều phối phiên thảo luận thứ hai. Ảnh: Lê Toàn

Ông Sử Ngọc Khương, ngoài cùng bên trái sẽ điều phối phiên thảo luận thứ hai. Ảnh: Lê Toàn

10:43 15/10

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư: Ông Thiên gợi các vấn đề đúng với chủ đề hội thảo. Các vấn đề được nêu ra là các vấn đề cơ bản, tính yếu trong khả năng liên kết đã được nhiều nhà phân tích, cộng đồng doanh nghiệp nói đến. Trước đây chỉ chú ý câu chuyện hợp tác, như doanh nghiệp phụ trợ cho doanh nghiệp lớn hơn, hợp tác cùng làm đơn hàng lớn hơn…

Tuy nhiên, ta đang thấy hướng đi khác là liên kết thông qua hợp tác, bắt tay nhưng có sở hữu lẫn nhau, thay vì đứng trên vai người khổng lồ, “dựa” vào người khổng lồ. Cuộc chơi cũng nên xóa đi những tay chơi yếu kém nhưng cũng không mong doanh nghiệp có triển vọng phát triển mà lại không có cơ hội phát triển – thì liên kết doanh nghiệp để có sức mạnh hơn.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, điều phối phiên thảo luận 1 đặt câu hỏi cho các diễn giả. Ảnh: Dũng Minh

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, điều phối phiên thảo luận 1 đặt câu hỏi cho các diễn giả. Ảnh: Dũng Minh

Trong dịch bệnh, doanh nghiệp rất khó khăn, trên nhiều diễn đàn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nêu câu hỏi làm sao để doanh nghiệp nhanh chóng gượng dậy sau đại dịch, vượt qua khó khăn, nhưng ít có đề xuất là sao không liên kết với đối tác mạnh, sao lại coi việc mua lại là thù địch, “mất đi đứa con cưng”. Đó là khái niệm mà trước đây anh Hiếu có nêu: “À lại bị thâu tóm rồi”, doanh nghiệp nội bị ngoại M&A rồi. Vậy cách tư duy mới có nên trở thành một khuynh hướng, đã phổ biến hay chưa.

Xin hỏi ông Công Ái có bình luận gì về điều này.

Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam: Tôi tâm đắc với ý kiến của anh Thiên: Bây giờ đang là cơ hội vàng.

Ví dụ, một ngành khó khăn lớn trong đại dịch là F&B, chẳng hạn, doanh nghiệp phục vụ dịch vụ, nhà hàng, nhưng khi nghiên cứu thị trường này có khả năng 30% các nhà hàng độc lập biến mất sau đại dịch sau thời gian dài chịu không nổi chi phí mặt bằng, trừ phi người kinh doanh tại nhà của họ.

Nhưng có một loại doanh nghiệp khác có thể phát mạnh, đó chính là các chuỗi cà phê, nhà hàng… với khách hàng quay lại sau đại dịch thì đây la cơ hội lớn.

Ông Nguyễn Công Ái (ngoài cùng bên phải) và các diễn giả tham gia thảo luận ở đầu cầu TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Ông Nguyễn Công Ái (ngoài cùng bên phải) và các diễn giả tham gia thảo luận ở đầu cầu TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Trong nguy có cơ, chúng tôi thấy trong đại dịch mỗi người có cơ hội ngồi lại, suy nghĩ, về cuộc sống, làm sao để cải thiện. Doanh nghiệp cũng vậy, họ thấy rõ ràng ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh là cực quan trọng. Như các chuỗi không như nhà hàng bán tại chỗ, thì phải có dịch vụ bán mang về, như chuỗi Haidilao - bán gói lẩu ăn tại nhà, rất sáng tạo, doanh nghiệp luôn có giải pháp.

Trong giai đoạn mới là chuyển đổi số, là bắt buộc, nhưng phải nhanh. Đây là các xu hướng không thể bỏ qua, là cơ hội cho doanh nghiệp chớp được cơ hội và có chiến lược phù hợp.

M&A gần đây có tính định hướng rất cao. Trước đây, có những doanh nghiệp rất nhiều tiền, họ tham gia mỗi lĩnh vực một hút. Vingroup có thời gian định thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, hàng không…., nhưng hiện họ đang có định hướng chiến lược rất rõ ràng và cương quyết.

Hay Masan, Novaland đã mở rộng là NovaGroup, Nova Services Group, Nova Consumer Group… Có thể nói, định hướng chiến lược rõ ràng giúp định hướng M&A rõ ràng và cơ hội thành công cao hơn.

10:50 15/10

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư: Làm sao bắt tay với tập đoàn lớn. Các yếu tố nào hỗ trợ cho quá trình như vậy? Giáo sư Thiên có nêu vấn đề các hành lang thể chế, pháp lý, làm sao để giúp cho tiến trình này suôn sẻ. Có may mắn ông Phan Đức Hiếu là chuyên gia lâu năm gắn bó với diễn đàn M&A Việt Nam, xin mời ông bình luận về môi trường pháp lý cho M&A và xu hướng M&A sắp tới.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Giờ nói đến tương lai một chút. Các chuyên gia dự đoán các con số tăng trưởng dù khó khăn, nhưng vẫn dự đoán tăng trưởng 4,5 tỷ USD. Rồi năm sau có thể quay lại con số trên 7 tỷ USD.

Điều quan trọng là cái gì thúc đẩy (về mặt thể chế), xu hướng M&A mới có thay đổi hình dạng không?

Thứ nhất, thể chế tác động lớn đến xu hướng, hình hài của M&A trong bối cảnh mới ở điểm. Cải cách thể chế là trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã nói và cải cách thì chỉ mang đến 2 thứ: một là dễ dàng hơn, hai là đơn giản hơn. Như vậy, các rào cản, khó khăn về pháp lý được giảm bớt, các hoạt động kinh doanh nói chung, tái cấu trúc và M&A trở nên dễ dàng hơn.

Điểm thứ hai là chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế thì Chính Phủ đang xây dựng theo Nghị quyết Quốc hội ở kỳ họp thứ nhất, thì hình hài nền kinh tế sắp tới đòi hỏi một khu vực doanh nghiệp năng động hơn, dễ thích ứng hơn, và đặt câu hỏi là tái cấu trúc cả khu vực doanh nghiệp, sự phân bổ nguồn lực sẽ hợp lý hơn, chủ thể doanh nghiệp tự cải thiện để khỏe hơn, để có cơ hội tiếp cận nguồn lực đó.

Như vậy, nhấn mạnh nhiều tới xây dựng khu vực doanh nghiệp năng động, tăng tính liên kết.

Thứ nữa là doanh nghiệp trong bối cảnh Covid không thể gượng dậy trên con đường cũ, mà mạnh mẽ đứng dậy trên con đường mới, tức phải tự cấu trúc lại, như anh Nguyễn Công Ái có nói, nhiều doanh nghiệp quay về kinh doanh cốt lõi thay vì trước đây thiếu đi chiến lược dài hạn… M&A là công cụ, là cách thức có nhiều lợi ích mà doanh nghiệp sẽ sử dụng.

Ông Phan Đức Hiếu (ngoài cùng bên trái) trao đổi tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Dũng Minh

Ông Phan Đức Hiếu (ngoài cùng bên trái) trao đổi tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Dũng Minh

Chúng ta có thể hình dung, tái cấu trúc có 3 cách, thúc đẩy giải thể doanh nghiệp nhanh, mở cửa nhanh cho nhiều doanh nghiệp mới gia nhập thị trường nhưng cách này có vẻ sẽ có tác động mang nhiều yếu tố bất lợi.

Còn cách khác là khuyến khích M&A. Có 2 yếu tố M&A là hợp tác cùng phát triển, có tính bền vững hơn nhiều sự liên kết giữa 2 doanh nghiệp 1 nhà sản xuất, 1 nhà cung cấp. Sự liên kết của M&A theo hình thức hợp tác còn có sự đóng góp hỗ trợ về nguồn lực, chi phối về nguồn vốn sẽ chặt chẽ và bền vững hơn nhiều. Các cách thức như vậy là cần, bên cạnh việc thúc đẩy, đưa ra các chủ trương, chính sách để tăng tính liên kết của doanh nghiệp, hình thành chuỗi mới, phát huy điểm mạnh của doanh nghiệp.

Vậy thể chế sắp tới sẽ định hình, thúc đẩy M&A và định hình M&A theo hướng là cơ cấu lại doanh nghiệp, tăng cường hợp tác.

10:57 15/10

Trước khi bước vào phiên 2, các diễn giả, khách mời và độc giả theo dõi video ngắn giới thiệu về hệ sinh thái của NovaGroup.

Video: Thành Nguyễn

11:00 15/10

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam: Qua trao đổi ở phiên 1, chúng ta đã nghe được một thuật ngữ khá mới, thể hiện quyết tâm và ý chí của doanh nghiệp này, đó là "1+1=3++", đây là sự công sinh.

Ông Sử Ngọc Khương, điều phối phiên thảo luận thứ 2 đặt câu hỏi cho các diễn giả. Ảnh: Lê Toàn

Ông Sử Ngọc Khương, điều phối phiên thảo luận thứ 2 đặt câu hỏi cho các diễn giả. Ảnh: Lê Toàn

Với tư cách là đại diện của Quỹ đầu tư lớn trên thị trường Việt Nam, đã đồng hành cùng rất nhiều doanh nghiệp, trải qua nhiều giai đoạn tăng trưởng và hỗ trợ doanh nghiệp đối mặt với những khó khăn chung và riêng, ông Vũ Hữu Điền thấy sao về điều này?

Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Đầu tư, Công ty Dragon Capital Vietnam (DCVFM): Khi chúng tôi lựa chọn doanh nghiệp, chúng tôi cần có chung tầm nhìn doanh nghiệp. Chúng tôi đánh giá cao tầm quản trị doanh nghiệp, nếu chủ doanh nghiệp có một khả năng quản trị tốt là doanh nghiệp mục tiêu để chúng tôi đầu tư vào doanh nghiệp cũng như có thể đi được đường dài với nhau.

Ông Sử Ngọc Khương: Trên thực tế, có những khó khăn nào đối với doanh nghiệp Việt Nam để các quỹ ngoại đầu tư?

Ông Vũ Hữu Điền: Theo tôi, khi chúng tôi đầu tư nên tính rất lâu dài, phải có thị trường để chuyển nhượng khoản đầu tư, mà việc niêm yết trên thị trường chứng khoán là một điều quan trọng. Đơn cử như tại NVL (Novaland), quá trình tiền IPO cho đến IPO và sau này là quá trình niêm yết, tăng vốn, chúng tôi đều đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Đầu tư, Công ty Dragon Capital Vietnam (DCVFM) trao đổi trong phiên 2 tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Đầu tư, Công ty Dragon Capital Vietnam (DCVFM) trao đổi trong phiên 2 tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Sau 6 năm niêm yết, giá trị cổ phiếu đã tăng mạnh hơn so với mức tăng của chỉ số thị trường chứng khoán. Tất nhiên, doanh nghiệp khó khăn hay không, chủ doanh nghiệp đều có 2 lựa chọn tự phát triển hoặc mua lại, hợp tác phát triển, nhưng theo tôi, muốn đi nhanh và bền vững thì M&A là một hướng đi đúng hướng.

11:03 15/10

Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup: Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), họ có những khó khăn về quy mô, khách hàng, sản phẩm chưa hoàn thiện, đội ngũ con người, hệ thống… Giai đoạn Covid vừa qua, các doanh nghiệp SME đặt ra nhiều vấn đề, thậm chí có doanh nghiệp cũng muốn thay đổi chiến lược, từ bỏ mảng kinh doanh hiện hữu. Hướng đi cộng sinh với các doanh nghiệp lớn hơn được đặt ra.

Ông Nguyễn Thái Phiên (thứ 2 bên phải qua) trao đổi trong phiên thảo luận thứ 2 tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Ông Nguyễn Thái Phiên (thứ 2 bên phải qua) trao đổi trong phiên thảo luận thứ 2 tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Thực ra, các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam sau thời gian tích lũy tư bản, thì trách nhiệm xã hội của họ cũng lớn hơn rất nhiều, không phải là câu chuyện từ thiện, mà là tạo ra cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn, đủ sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp lớn không thể tự làm tất cả các ngành, họ chỉ có thể bơm vốn, đưa nhân sự vào để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, nhưng sự cộng sinh từ doanh nghiệp lớn hơn thì bản thân cộng đồng SME có cơ hội phát triển lớn hơn.

Như các chuyên gia nãy vừa nói, đội tuyển bóng đá Việt Nam vào được vòng 3 Worldcup, nhưng nền tảng của bóng đá Việt Nam là bóng đá phong trào - là hàng trăm hàng ngàn doanh nghiệp SME, là nền tảng của nền kinh tế. Nếu các nhà làm chính sách không đặt trọng tâm vào doanh nghiệp SME thì nền kinh tế sẽ yếu, vì không thể chỉ dựa vào vài doanh nghiệp lớn.

Ngược lại, các doanh nghiệp SME muốn phát triển bền vững hơn, tồn tại dài hạn hơn, thì phải cộng sinh với doanh nghiệp lớn. Câu chuyện đặt lên hệ quy chiếu là có hai chiều như vậy.

11:14 15/10

Ông Sử Ngọc Khương: Tham gia đầu tư vào doanh nghiệp và với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài, ông Điền có thể đánh giá khó khăn, thách thức mà Acquirer (người đi mua) và Acquiree (bên bị mua) gặp phải là gì? Dragon Capital hỗ trợ như thế nào?

Ông Vũ Hữ Điền: Chúng tôi tiềm kiếm các đối tác những có nhiều đối tác khác nhau. Việc mua cổ phần lớn, chúng tôi cũng có thể mua cổ phần, tích luỹ nhiều năm rồi bán lại cho các đối tác khác hoặc bán cho chính doanh nghiệp.

Trong quá trình M&A, rõ ràng chúng ta thấy, có thương vụ thành công và có những cuộc M&A thất bại khi không cùng chiến lược và buộc phaỉ chia tay. Thành công ở đây cần hiểu rộng lớn hơn một chút là thành công từ người mua, người bán và có ảnh hưởng đến bên ngoài hay không. Việc thành công phải đến từ sự thành thật, minh bạch để hai bên đánh giá được, để hình dung nắm bắt doanh nghiệp, bên cạnh việc phù hợp về mặt văn hoá, điều hành cũng là một vấn đề lớn.

Đội ngũ lãnh đạo cũng là một vấn đề quan trọng trong M&A. Theo kinh nghiệp của chúng tôi, cần có quá trình chuyển giao nên thành công của một thương vụ M&A cần tập hợp nhiều yếu tố.

Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch RSM Việt Nam: Tôi cho rằng, hai phần ba thương vụ M&A thành công và chỉ một phần ba thương vụ thất bại. Lý do M&A phần lớn thành công là do người đi thực hiện M&A đã đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp. Ở các thương vụ thất bại, chủ yếu đến từ việc không minh bạch từ đầu, dẫn đến thất bại.

Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch RSM Việt Nam trả lời trong phiên thảo luận 2 tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch RSM Việt Nam trả lời trong phiên thảo luận 2 tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Phần nhiều hoạt động M&A dính đến vấn đề vận hành, văn hóa, chiến lược… thì khó hơn. Thường M&A đều muốn thực hiện nhanh, khi M&A thì tập trung nhiều về chất lượng tài sản, tài chính, hài hòa văn hóa hậu M&A, con người… và nhiều doanh nghiệp Việt có đặc điểm chưa minh bạch sổ sách.

Cần có kế hoạch tổng thể chi tiết, cần thay đổi quan trọng nào, cách thức đưa điều kiện để thuyết phục đối tác. Trong đó, vấn đề con người là khó giải quyết nhất, sao cho họ cảm nhận được sự đồng thuận, các rủi ro có thể xảy ra cần nêu trước và thảo luận, đưa giải pháp thì sẽ giúp hậu M&A trôi chảy hơn.

11:31 15/10

Ông Sử Ngọc Khương: Chúng ta vừa bàn đến việc xem “dâu” và “cưới” và bây giờ chúng ta xem đến câu chuyện “hậu hôn nhân”. Làm thế nào để tăng chuỗi giá trị. Tôi muốn đặt câu hỏi với anh Phiên, khi NVL đã thực hiện M&A, anh đánh giá như thế nào về quá trình hậu “hôn nhân” như thế?

Ông Nguyễn Thái Phiên: Thực tế đây là sự ví von rất hay, nhưng doanh nghiệp khác chút là có hệ thống, doanh nghiệp có thể tính toán được trong tương lai doanh nghiệp sẽ đi đến đâu. Khác với “đôi lứa yêu nhau”, doanh nghiệp sẽ sự cân nhắc, tính toán rất kỹ nên sự đổ vỡ ít hơn. Thực ra, mỗi cuộc M&A thì bên mua và bên bán đều kiếm tìm sự cộng hưởng.

Ông Nguyễn Thái Phiên trả lời trong phiên 2. Ảnh: Lê Toàn

Ông Nguyễn Thái Phiên trả lời trong phiên 2. Ảnh: Lê Toàn

Đối với NVL, để tiến tới với các đối tác tiềm năng, NovaGroup đề cao tính “thực chiến” trong từng giao dịch. Điều đó có nghĩa, trước khi bước chân vào một “cuộc hôn nhân dài hạn”, chúng tôi xác định rõ những điểm có thể đem lại cho “bạn đồng hành”: doanh thu/lợi nhuận, khả năng quản trị hệ thống, tài chính, khả năng tiếp cận nguồn vốn…, khả năng đem lại giá trị một cách thực chất cho “bạn đồng hành”.

Việc xác định rõ những “kỳ vọng” ở nhau một cách rõ ràng sẽ tạo điều kiện cho việc hợp tác và phát triển “đứa con chung” được thuận lợi và dễ đi đến đồng thuận hơn.

11:34 15/10

Ông Sử Ngọc Khương: Trong tương lai, tới 2030, có thể nhìn hệ sinh thái của NovaGroup sẽ như thế nào, là tập đoàn đa ngành nghề, có Novaland Group (Novaland – PV), Nova Services Group, Nova Consumer Group - trục quy chiếu nằm ở đâu?

Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup: Đa ngành dễ dẫn đến việc phân tán lực lượng và thiếu sự tập trung. Câu chuyện đa ngành đến tùy thời điểm, phụ thuộc nội tại doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp đang nhỏ, nguồn lực hữu hạn thì đa ngành nhiều khi chưa tốt.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp lớn trên thị trưừng nhận ra rằng, không thể đơn lẻ một ngành được. Sự dịch chuyển của nền kinh tế Việt Nam cũng như dịch chuyển kinh tế trên thế giới, tức dịch chuyển sâu hơn vào chuỗi giá trị cộng đồng hơn là thương mại, dịch vụ, sản xuất, công nghiệp, công nghệ - mới tạo bền vững, tạo lực đẩy cho nền kinh tế và cho doanh nghiệp.

Thị trường đang biết ít hơn về Nova Consumer Group - được xây dựng từ nền tảng của Anova thành lập từ 1992 hoạt động trong ngành ổn định là sản xuất thuốc thú y, vắc xin và thức ăn chăn nuôi.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển thì Người sáng lập (Founder) của doanh nghiệp quyết định sẽ quyết định sẽ dấn thân thêm vào FMCG. Cuối năm nay, dự kiến IPO và niêm yết Consumer Group. Founder của chúng tôi nói, các khoang của chúng tôi rất rõ, mỗi đơn vị thành viên có nhiệm vụ, vai trò riêng, khi có cơ hội bán chéo mới bán chéo, còn quản trị con người, tài chính, hệ thống là tách biệt.

Hệ sinh thái thứ 3 là Nova Services Group cũng bắt đầu từ 1 ý tưởng nhỏ, là khi có các đại đô thị, thì cần dịch vụ sâu sắc, chuyên biệt hơn cho khách hàng đến, có thể ở 5-7 ngày thay vì ở một tối, sáng đi chiều về. Sau đó, xác định không có cách nào khác, phải đi như vậy, phải có quy mô, phải chăm chút để thành DN độc lập thực sự, cạnh tranh sòng phẳng, tương tác tương hỗ với các DN thành viên trong hệ sinh thái một cách bình đẳng, và coi như một khách hàng.

Tại sao công nghệ quan trọng? Sau 35 năm phát triển doanh nghiệp lớn thì trở thành cơ thể ỳ nếu không thay đổi. Các doanh nghiệp lớn đều đang làm như vậy, áp dụng công nghệ để “giảm mỡ thừa”, để xoay chuyển tình thế ở các khúc cua trong tương lai sẽ gọn gàng, nhanh nhẹn hơn. Chúng tôi xác định, văc-xin quan trọng của Nova chính là công nghệ để linh hoạt hơn.

11:54 15/10

Ông Sử Ngọc Khương: Nhiều tập doàn lớn vẫn mở rộng M&A để tạo giá trị gia tăng, vấn đề hậu M&A cũng rất được quan tâm, thời gian qua doanh nghiệp Việt Nam thực hiện M&A mạnh mẽ hơn, cho thấy sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam và cũng có liên quan đến vấn đề văn hóa Việt Nam.

Tôi có câu hỏi ngắn tới các chuyên gia về việc M&A trong thời gian tới ở nhiều lĩnh vực thì đâu là phân khúc, ngành nghề nào thu hút M&A.

Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam: Cá nhân tôi cho rằng, dù giai đoạn qua, doanh nghiệp Việt Nam nói đến trỗi dậy nhưng vẫn chỉ đóng góp 30% trong số lượng người mua, vậy 70% vẫn là nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường này. Trong tương lai, tôi vẫn chờ đợi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đóng vai trò chính trên thị trường M&A năm 2022, gần đây tôi thấy có sự quan tâm lớn của họ tới doanh nghiệp Việt có tiềm năng phát triển tốt. Có 4 nhóm nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan rất quan tâm tới thị trường M&A Việt Nam.

Về ngành nghề, tôi cho rằng, vẫn là bất động sản được quan tâm, còn có thị trường tài chính, ngân hàng, có thêm về giáo dục.

Ông Sử Ngọc Khương: Mở rộng M&A và phát triển hệ sinh thái, Novagroup đã có chuẩn bị gì?

Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup: Thị trường M&A Việt Nam là các tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn - chính là các con sếu đầu đàn dẫn dắt cuộc chơi và được hỗ trợ bởi hàng triệu doanh nghiệp SME.

Sự phát triển tổng thể của doanh nghiệp, đặt trong bối cảnh chung của kinh tế vĩ mô thì khó khăn từ covid chỉ là “khúc cua”. Bản chất các doanh nghiệp Việt Nam rất tinh nhanh, xoay chuyển tình thế trong thời gian ngắn, với tư tưởng cộng sinh, cộng hưởng, với trách nhiệm xã ngày càng lớn, tôi tin sẽ cùng vun đắp để tạo cộng đồng doanh nghiệp mạnh hơn.

Các diễn giả tại đầu cầu TP.HCM trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: Lê Toàn

Các diễn giả tại đầu cầu TP.HCM trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: Lê Toàn

Về Nova, đã chuẩn bị thứ nhất là mô hình và cơ cấu quản trị một cách minh bạch, rõ ràng, vì đây là tính sống còn của việc làm đa ngành, khi có quá nhiều thứ không rõ ràng, chồng chéo về mặt quản trị thì sự đa ngành nhiều khi là con dao hai lưỡi.

Thứ hai là cơ cấu về tài chính, sự rạch ròi minh bạch giữa các balance sheet, được độc lập, tách biệt khỏi nhau.

Thứ ba là đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, vì để từng Group giảm bớt mỡ thừa, để 3 chủ thể chụm lại với nhau dựa trên nền tảng công nghệ tốt thì khả năng bật dậy, đi xa, đi dài sẽ tốt hơn.

Ông Sử Ngọc Khương: Tôi cũng thích sự minh bạch, rõ ràng, khi nhà đầu tư tham gia thì tính minh bạch quyết định rất lớn trong thương vụ M&A. Với góc độ tư vấn quản trị doanh nghiệp, thì ông Lâm có góc nhìn gì về xu hướng M&A sắp tới?

Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam: Tôi đồng tình là 4 nhà đầu tư lớn kể trên chắc vẫn là “key” trên thị trường M&A Việt Nam, các ngành dự báo thu hút M&A, ngoài các ngành nêu trên, tôi cho rằng còn có viễn thông, dược, năng lượng xanh, giáo dục y tế.

Mới đây, có báo cáo cũng cho thấy sự lạc quan và đánh giá trên thế giới có 3 quốc gia có chỉ số thu hút M&A cao là Mỹ, Trun Quốc và Viêt Nam.

Chắc chắn, về quan điểm quản trị, tôi đồng ý là minh bạch, không chỉ trong tài chính, mà còn cả thông tin, sử dụng tư vấn chuyên nghiệp và truyền thông giao tiếp với nhau hướng đến sự chuyên nghiệp - là những thứ mà các bên đều phải chuẩn bị để tăng tốc M&A.

Ông Sử Ngọc Khương: Với Dragon Capital, ông Điền có chia sẻ gì về thấy câu chuyện M&A 5 năm tới?

Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Tư vấn đầu tư, DCVFM: Đại dịch Covid đã thúc đẩy 2 xu hướng lớn là chuyển đổi số, số hóa và tập trung kinh tế. Có người sẽ có khó khăn, có người xem đây là cơ hội. Với Dragon trong 18 tháng từ khi đại dịch bùng phát, đã làm được nhiều deal M&A hơn các năm trước đó, chúng tôi là hơn 10 deal với vai trò là bên bán cổ phần hơn 10% cho các đối tác. Vì sao?

Trước đây, cho rằng bán deal lớn, công ty tốt, phải bán phần lớn, phải bán với giá premium 50% (cao hơn giá thị trường 50% - PV), thì nay đại dịch thì chúng tôi thấy rằng, bán ở mức premium 25 - 30% cũng được, thì người ta muốn mua ngay. Lý do vì tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam rất cao, họ thấy đại dịch là cơ hội lớn để mua, dĩ nhiên họ đã có quan sát nhiều năm rồi, cho nên deal diễn ra nhanh và thậm chí có những giao dịch mà Dragon Capital chốt online luôn.

Tôi thấy xu hướng này vẫn tiếp tục trong vài năm tới, tư tưởng của mọi người đã thay đổi, M&A không chỉ giữa doanh nghiệp Việt với nhau, nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt, mà còn có cả xu hướng doanh nghiệp Việt mua lại doanh nghiệp nước ngoài, cho thấy sự lớn mạnh của DN Việt.

Các đối tượng cho M&A tôi cũng đồng ý, các ngành ảnh hưởng nặng bởi Covid thì có thể thu hút M&A như y tế, giao dục, du lịch , thậm chí bất động sản.

Ông Sử Ngọc Khương: Điều tích cực M&A trong đại dịch là đang tiếp sức nguồn lực cho nhau để tạo ra chuỗi giá trị chứ không phải thôn tính. Nhiều doanh nghiệp Việt trỗi lên nhiều và gia tăng sức mạnh trên thị tường M&A. NovaGroup là câu chuyện riêng và câu chuyện chung là doanh nghiệp Việt Nam cần gia tăng sức mạnh bằng nhiều nguồn lực, tạo ra giá trị, tạo ra sản phẩm tốt hơn.

11:58 15/10

Kết luận cuộc toạ đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo đầu tư cho biết, trong phiên thảo luận thứ hai, chúng ta không chỉ nghe về trường hợp M&A điển hình tại NovaGroup, mà các diễn giả đã cung cấp cho chúng ta một bức tranh rất thú vị về bức tranh chung của thị trường M&A, đặc biệt là những câu chuyện “hậu hôn nhân”. Chúng ta cũng đã xác định đây là nội dung hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức thường niên và còn rất nhiều vấn đề lớn khác phía trước mà chúng ta sẽ cùng tham gia thảo luận tại diễn đàn M&A Việt Nam.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu bế mạc Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu bế mạc Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh

Cuộc hội thảo hôm nay, chúng ta tập trung vào chủ đề “M&A trong đại dịch - lớn mạnh chuỗi giá trị”, chúng tôi hy vọng các khán giả, nhà đầu tư khi tham gia toạ đàm này có thể rút được nhiều kinh nghiệm hữu ích cho mình. Còn đối với các cộng động doanh nghiệp, mong rằng M&A cũng là một phương thức để chúng ta có thể nhanh chóng đứng lên vượt qua khủng hoảng và thậm chí có thể xây dựng được hệ sinh thái, tiếp bước “người khổng lồ”.

Cũng mong các thông tin trong hội thảo chúng ta có thể đến các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan lập pháp. Tại cuộc hội thảo hôm nay, có sự tham gia của đại diện Uỷ ban kinh tế Quốc hội, những thông tin như thế này cũng sẽ là “đầu vào” hữu ích trong quá trình hoạch định chính sách tiếp theo.

Thay mặt ban tổ chức, tôi xin cảm ơn các diễn giả đã cung cấp cho các bạn đọc báo đầu tư cũng như các khán giả một bức tranh tổng thể, mới mẻ về M&A trong mùa dịch. Chúng ta sẽ hẹn gặp nhau tại diễn đàn M&A 2021.

Tin bài liên quan