M&A quý I/2017: sôi động hai khối nội, ngoại

M&A quý I/2017: sôi động hai khối nội, ngoại

(ĐTCK) Năm 2016, thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) lập kỷ lục mới về giá trị các thương vụ. Năm nay, hoạt động M&A được dự báo tiếp tục sôi động. Thực tế, hàng loạt thương vụ M&A đã và đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai, trong đó có nhiều doanh nghiệp niêm yết.

Động thái từ khối ngoại

M&A (Merge & Accquisition) là một thuật ngữ bao hàm nhiều hoạt động kinh tế khác nhau như hợp nhất, sáp nhập; mua cổ phiếu để chi phối doanh nghiệp; mua lại tài sản. Các hoạt động M&A phổ biến tại hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, giá trị các thương vụ M&A trong 3 năm gần đây liên tiếp tăng (xem đồ thị), trong đó có nhiều thương vụ quy mô lớn.

Năm 2017, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động. Chỉ tính riêng nhóm doanh nghiệp niêm yết, từ đầu năm đến nay liên tục ghi nhận những thông tin về khả năng diễn ra các thương vụ M&A lớn.

M&A quý I/2017: sôi động hai khối nội, ngoại ảnh 1

Chẳng hạn, cuối tháng 2/2017, thông tin công ty quốc doanh chuyên về khai thác mỏ NMDC của Ấn Độ liên hệ với Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (MSR) về việc mua lượng lớn cổ phần tại mỏ Núi Pháo đã khiến cổ phiếu MSR “dậy sóng”. Động thái trên của NMDC nói riêng, các nhà đầu tư nước ngoài nói chung được cho là không quá bất ngờ bởi theo ước tính, Núi Pháo là mỏ có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới, với trữ lượng quặng tiềm năng khoảng 66 triệu tấn, chiếm gần 30% tổng trữ lượng toàn cầu.

Tại MSR, Công ty cổ phần Tầm nhìn Ma San (Masan Horizon) đang là cổ đông chi phối, với tỷ lệ sở hữu 95,5% cổ phiếu có quyền biểu quyết sau đợt chào mua công khai tháng 12/2016. Thị trường dự đoán, kết quả của thương vụ nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần mỏ Núi Pháo sẽ phụ thuộc vào quyết định của Masan Horizon.

Trong số 10 công ty lớn mà Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đẩy mạnh thoái vốn theo Công văn số 1787/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) là cái tên đáng chú ý, được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Hiện SCIC nắm giữ gần 40% vốn tại VNM, tương đương hơn 80.000 tỷ đồng giá trị vốn hóa và Tổng công ty sẽ tiếp tục thực hiện các đợt thoái vốn trong năm 2017.

Hoạt động M&A của các nhà đầu tư nội có phần lặng lẽ, nhưng liên tục diễn ra và nằm trong kế hoạch phát triển của nhiều doanh nghiệp do M&A được đánh giá là có lợi về nhiều mặt

Trong đợt bán đấu giá 9% cổ phần VNM của SCIC cuối năm 2016, nhóm nhà đầu tư F&N (Thái Lan) mua 5,4%, nâng tỷ lệ sở hữu tại VNM lên 16,35%. Sau đó, nhóm này liên tục mua thêm cổ phiếu và tăng sở hữu lên 17,7% vào đầu tháng 3/2017. Dự báo, F&N sẽ tiếp tục là cái tên quen thuộc trong những lần bán đấu giá cổ phần VNM tiếp theo của SCIC, nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại doanh nghiệp có thị phần dẫn đầu ngành sữa Việt Nam hiện nay.

Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) cũng là 1 trong 10 công ty thuộc danh sách ưu tiên thoái vốn của SCIC (hiện đang nắm 29,5% cổ phần, tương đương hơn 3,000 tỷ đồng giá trị vốn hóa). Thị trường đang có nhiều dự đoán, BMP có thể nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông sắp tới, để mở đường cho việc thoái vốn của SCIC.

Tại BMP, The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd - một công ty của Thái Lan chuyên về sản xuất ống nhựa PVC đang là cổ đông nước ngoài lớn nhất, với tỷ lệ sở hữu 20%. Nhà đầu tư ngoại này cũng đang giữ 22,7% cổ phần của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) - một doanh nghiệp nhựa khác mà SCIC sở hữu 37,1%, thuộc danh sách ưu tiên thoái vốn. Do vậy, thương vụ thoái vốn của SCIC tại BMP hay NTP được nhận định sẽ hấp dẫn khối ngoại, đặc biệt là Nawaplastic bởi mua được lượng cổ phần do SCIC bán ra đồng nghĩa với việc nhà đầu tư này có thể chi phối 2 doanh nghiệp nhựa đầu ngành của Việt Nam.

Còn rất nhiều dự báo về khả năng diễn ra các thương vụ M&A lớn trong năm nay mà bên mua là nhà đầu tư nước ngoài, khi hàng loạt doanh nghiệp như MobiFone, PV Oil, Satra, Becamex IDC sẽ bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), hay Nhà nước đẩy mạnh thoái vốn, bán vốn tại các tổng công ty, tập đoàn lớn như Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines). Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp trên đều nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Việc Việt Nam gỡ bỏ nhiều rào cản gia nhập thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trên nhiều lĩnh vực khiến thị trường M&A Việt Nam đã và đang đón nhận làn sóng đầu tư từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ… Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn hình thức M&A để tiến vào thị trường Việt Nam.

Các thương vụ M&A lớn trong thời gian qua cho thấy, các công ty nước ngoài thường nhắm đến các doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam, có thương hiệu, thị phần lớn, hay sở hữu lợi thế nguồn tài nguyên thiên nhiên và họ chấp nhận mua cổ phần với mức giá cao hơn giá thị trường.

Sự tham gia mua cổ phần của khối ngoại được đánh giá là giúp tăng hiệu quả thoái vốn nhà nước, doanh nghiệp có nguồn vốn mới, năng lực quản trị mới, nâng cao tính cạnh tranh, tính minh bạch… Tuy nhiên, có ý kiến quan ngại rằng, với xu hướng tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp đầu ngành, một số ngành, lĩnh vực của Việt Nam có thể bị chi phối bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Họ thực hiện hoạt động M&A nhằm mục đích “thâu tóm thù địch”, hay nhằm sở hữu, khai thác nguồn tài nguyên để chuyển ra nước ngoài.

Khối nội cũng sôi động

Hoạt động M&A của các nhà đầu tư nội có phần lặng lẽ, nhưng liên tục diễn ra và nằm trong kế hoạch phát triển của nhiều doanh nghiệp do M&A được đánh giá là có lợi về nhiều mặt: giúp cải thiện tình hình tài chính; hoàn thiện chuỗi giá trị; mở rộng thị phần; thâm nhập vào lĩnh vực mới mà không mất thời gian tìm hiểu, khảo sát; tận dụng được lợi thế của hệ thống, nhân sự có sẵn, tạo ra giá trị “cộng hưởng”…

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2 (2016 - 2020) mà Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện chưa được công bố chi tiết. Tuy nhiên, hoạt động sáp nhập của các ngân hàng như Habubank - SHB; PVcomBank - WesternBank; MHB - BIDV; Southern Bank - Sacombank cho thấy hiệu quả tái cấu trúc, gia tăng vốn điều lệ, xử lý nợ xấu, mở rộng mạng lưới hoạt động… Theo đó, chủ trương tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2 được nhận định sẽ tiếp tục sử dụng công cụ M&A. Mặt khác, M&A được đánh giá là nhu cầu tự thân của không ít ngân hàng.

Thương vụ M&A ngân hàng đầu tiên trong năm 2017 được dự báo là PGBank sáp nhập vào VietinBank. Kế hoạch này đã được ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank đề cập tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2016 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017 của VietinBank đầu năm 2017.

M&A quý I/2017: sôi động hai khối nội, ngoại ảnh 2

Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, ADB có kế hoạch mua lại ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam theo hình thức M&A. Hiện nay, trên thị trường có không ít ngân hàng quy mô nhỏ, vốn pháp định khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng, trong đó có một số ngân hàng yếu kém. Do đó, hoạt động M&A giữa các ngân hàng dự báo tiếp tục diễn ra trong thời gian tới để tạo nên những ngân hàng lớn mạnh hơn.

Trong lĩnh vực bất động sản, từ đầu năm 2017 đến nay liên tục có thông tin chuyển nhượng, thâu tóm dự án bất động sản, nhất là các dự án bị chậm tiến độ, kém hiệu quả. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (VPH) đã bán 7 block thuộc Dự án Khu dân cư phức hợp Lacasa (quận 7, TP.HCM) cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (An Gia Investment) và Quỹ đầu tư Creed Group đầu tháng 3 vừa qua, hay Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland) đã và đang tiến hành M&A các dự án ngưng triển khai như Icon56, Galaxy 9, The Tresor, Lexington, RiverGate Residence…

Trong mảng bản lẻ, tiêu dùng, với sức hấp dẫn của thị trường tiêu thụ 93 triệu dân, hoạt động M&A dự báo sẽ tiếp tục sôi động. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 31/3/2017, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) cho biết, trong năm 2017, MWG có thể thực hiện M&A các doanh nghiệp bán lẻ khác qua việc mua lại cổ phần hoặc mua đứt doanh nghiệp.

Hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2017, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, khu vực công nghiệp, hàng tiêu dùng, ngân hàng và dịch vụ tài chính sẽ diễn ra nhiều thương vụ 

Trong mảng dược phẩm, y tế, nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP), Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (DCL) hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngày 25/2/2017, Đại hội đồng cổ đông của DCL đã thông qua việc để Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T (FIT) tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty lên tối đa 80%, thông qua việc chào mua cổ phần của cổ đông hiện hữu, mà không phải chào mua công khai. Ngay sau đó, từ ngày 27/2 đến ngày 10/3, FIT đã mua vào 3 triệu cổ phiếu DCL, nâng tỷ lệ sở hữu lên 69,95% và đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu. Như vậy, trong vòng 2 năm qua, từ không sở hữu cổ phiếu DCL nào, FIT đã tiến tới nắm cổ phần chi phối tại công ty này.

Với các doanh nghiệp niêm yết, việc trở thành đối tượng M&A có thể tạo “sóng” tăng giá cổ phiếu, đem lại lợi nhuận cho cổ đông như VPH hay DCL. Tuy nhiên, cổ đông nhỏ lẻ có thể là những người chịu thiệt, rơi vào vòng xoáy của “cuộc chiến” thâu tóm - chống thâu tóm giữa các “đại gia”, điển hình như mâu thuẫn của nhóm cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Giáo dục (EFI) thời gian qua, hay tại Công ty cổ phần Bibica (BBC) trong giai đoạn 2 nhóm cổ đông lớn chưa tìm được sự đồng thuận.

Về xu hướng M&A 2017, nhiều báo cáo và chuyên gia phân tích nhận định, hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, khu vực công nghiệp, hàng tiêu dùng, ngân hàng và dịch vụ tài chính sẽ diễn ra nhiều thương vụ do có nhiều doanh nghiệp sở hữu những tài sản giá trị và là đối tượng phù hợp cho các công ty cùng ngành mua lại hoặc liên kết, nhằm tăng giá trị cộng hưởng. Lĩnh vực dược phẩm, y tế cùng các doanh nghiệp đầu ngành, các doanh nghiệp mà Nhà nước thoái vốn sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài. Hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản sẽ tiếp tục sôi động.

Tin bài liên quan