M&A ngân hàng kỳ vọng đón thương vụ mới

0:00 / 0:00
0:00

Sau thương vụ kỷ lục giữa KEB Hana Bank và BIDV, đang có thêm những kế hoạch tăng vốn bằng các phương án phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Ngân hàng OCB đã tìm được “rể ngoại” là Aozora Bank (Nhật Bản). Ảnh: Đ.T

Ngân hàng OCB đã tìm được “rể ngoại” là Aozora Bank (Nhật Bản). Ảnh: Đ.T

Kỳ vọng làn sóng M&A mới

Gần một năm trước, thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) ngành tài chính - ngân hàng thiết lập kỷ lục mới khi xuất hiện một thương vụ đầu tư chiến lược với giá trị gần 20.300 tỷ đồng, tương đương 875 triệu USD. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành riêng lẻ 603,3 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược KEB Hana Bank (Hàn Quốc) với giá chào bán 33.640 đồng/cổ phần.

Đã có thời điểm, BIDV phải thực hiện cấu trúc lại tài sản để giữ tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đảm bảo mức tối thiểu theo quy định. Nguồn tiền từ nhà đầu tư chiến lược giúp CAR của nhà băng này giữ được ở mức 8,77% vào cuối năm 2019.

Không chỉ giải cơn khát vốn của BIDV và mang đến cho ngân hàng này một cổ đông chiến lược nước ngoài - điều mà hai ngân hàng quốc doanh khác đã thực hiện từ 7 - 8 năm trước đó, khoản đầu tư lớn của KEB Hana còn mang đến kỳ vọng về sự sôi động trở lại của làn sóng ngân hàng ngoại đầu tư vào thị trường trong nước thông qua các M&A.

Thực tế nửa năm sau đó, ngay trước thềm cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 6/2020, Aozora Bank đã nâng tỷ lệ sở hữu Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) lên 15%, tương đương nắm giữ hơn 131,5 triệu cổ phần. Trong đó, ngân hàng Nhật Bản này đã mua toàn bộ 86,886 triệu cổ phần phát hành mới trong đợt chào bán riêng lẻ với giá bình quân là 28.220 đồng/cổ phiếu. Tương tự, ở đợt bán vốn của BIDV, giá mua lô lớn cổ phần OCB cũng cao hơn nhiều so với giá cổ phiếu đang giao dịch thỏa thuận trên sàn OTC.

Sau giai đoạn bùng nổ trong các năm 2005 - 2011, việc tìm “rể ngoại” cho các ngân hàng Việt Nam thời gian qua đã trầm lắng hơn nhiều, thậm chí, một số cổ đông ngoại đã đầu tư trước đây còn rút vốn, như HSBC thoái vốn khỏi Techcombank, BNP Paribas bán vốn OCB…

Thay vì chọn một tổ chức chiến lược, một số ngân hàng chuyển sang bán vốn cho các quỹ đầu tư tài chính và cũng ghi nhận thành công trong công tác huy động vốn. Điển hình như đợt bán 21,5 triệu cổ phần HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM cho các quỹ nước ngoài, thu về 300 triệu USD hồi cuối năm 2017, hay đợt chào bán lần đầu ra công chúng của Techcombank trước khi niêm yết trên sàn năm 2018 đã đạt được mức giá chào bán cao gấp 12,8 lần mệnh giá cổ phiếu.

Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Đầu tư Việt Nam, một số ứng viên tiềm năng có thể được xem xét nới room ngoại theo đề xuất của ngân hàng châu Âu nhìn từ EVFTA là VIB, VPBank, Techcombank, ACB… Những chuyển động mới từ chính sách này có thể tạo thêm cơ hội để các bên gặp nhau, xúc tác thương thảo M&A giữa các bên.

Một số ngân hàng cũng đề cập kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược, nhưng việc hiện thực hóa phương án mới chỉ dừng ở giai đoạn tìm kiếm đối tác hay đang triển khai. Lựa chọn một đối tác nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần lớn đồng hành không thể là một quyết định vội vàng.

Như tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), chủ trương bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược đã trình và xin ý kiến cổ đông thông qua từ năm 2017. Tuy nhiên, theo ông Vũ Mạnh Tiến, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị NCB, Ngân hàng sẽ không lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài làm cổ đông chiến lược bằng mọi giá, mà dựa trên các tiêu chí lựa chọn đã được đặt ra để tìm đối tác phù hợp. Trong cái bắt tay giữa OCB và Aozora Bank, điểm chung giữa hai bên, theo lãnh đạo OCB, còn là hiệu quả trong hoạt động khi cả hai ngân hàng đều đạt được tỷ suất lợi nhuận cao dù quy mô tài sản không nằm ở tốp đầu.

Sức hấp dẫn của lĩnh vực ngân hàng

Trong năm 2020, đã có thêm một số ngân hàng chia sẻ về kế hoạch tìm cổ đông ngoại chiến lược. Kế hoạch tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng của Nam A Bank được thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay dự kiến hút thêm vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài gòn (SCB) cũng lên phương án phát hành 500 triệu cổ phiếu. Lãnh đạo nhà băng này cho biết, Ngân hàng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược để huy động nguồn vốn ngoại.

Đối với các ngân hàng, việc bắt tay với một đối tác chiến lược không chỉ nhắm đến mục tiêu ngắn hạn như vốn, mà còn cần mang lại lợi ích lâu dài cho hai phía. Như trong cam kết hợp tác với OCB, phía ngân hàng Nhật Bản khẳng định sẽ đầu tư lâu dài thông qua việc cử chuyên gia tham gia hoạt động quản trị và điều hành, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh doanh, các hoạt động bán lẻ, quản lý rủi ro, nâng cao công nghệ, ngân hàng số.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành ngân hàng nằm trong nhóm hồi phục nhanh nhất sau đợt bán tháo hồi tháng 3/2020, phần nào phản ánh sự quan tâm nhất định của các nhà đầu tư tài chính đối với nhóm ngành này. Còn từ phía các nhà đầu tư trong ngành, lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam cũng có thêm sức hấp dẫn ở giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam trở thành điểm đến đáng chú ý trong xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư.

Một mục tiêu mà OCB và Aozora Bank hướng đến là liên kết cung cấp dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường Việt Nam. Động thái này nhằm tận dụng các lợi thế của nhau, đồng thời có thể đón đầu cơ hội dòng chảy vốn từ các doanh nghiệp nước ngoài đổ vào Việt Nam. Chính sách của Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích các nhà sản xuất xây dựng nhà máy ở Đông Nam Á để giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào các nhà máy tại Trung Quốc. Gunma, một ngân hàng Nhật Bản, cũng khẳng định sẽ mở văn phòng đại diện tại TP.HCM trong năm tài chính này.

Ngoài ra, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020, một điều khoản đặc biệt đã cho phép các ngân hàng châu Âu nâng mức trần giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 49% đối với 2 ngân hàng Việt Nam, trừ nhóm 4 ngân hàng TMCP mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối. Dù theo đánh giá của các chuyên gia, khó xảy ra khả năng ngân hàng, tập đoàn tài chính EU rót vốn sở hữu 49% ngân hàng Việt Nam, nhưng đây cũng là cơ hội để các ngân hàng châu Âu mua thêm cổ phần của nhóm ngân hàng hiện đã cạn room.

Tin bài liên quan