M&A ngân hàng: Dòng nước vẫn chảy mạnh

M&A ngân hàng: Dòng nước vẫn chảy mạnh

(ĐTCK) Một trong các giải pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng là Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thúc đẩy việc mua bán, sáp nhập trên cơ sở tự nguyện các tổ chức tín dụng thành các định chế có quy mô lớn và quản trị tốt hơn. Do đó, trong thời gian tới, “làn sóng” M&A lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra sôi nổi, ông Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán. 

Trong thập kỷ qua, không ít thương vụ M&A ngành ngân hàng đã diễn ra, gắn với Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng. Ông có thể chia sẻ những điểm nhấn trong quá trình này?

Một trong những kết quả nổi bật của việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 là số lượng các tổ chức tín dụng đã giảm 19 tổ chức (trong đó giảm 9 ngân hàng, 2 tổ chức tín dụng phi ngân hàng và 8 chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thông qua hàng loạt hình thức như: Sáp nhập, hợp nhất, mua lại, giải thể, thu hồi giấy phép. Hoạt động M&A giai đoạn này chủ yếu tập trung vào nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần.

Ông Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam  

Trong năm 2016, hoạt động M&A tập trung tại khối các công ty tài chính. Theo đó, có 3 thương vụ ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam mua lại các công ty tài chính do tập đoàn, tổng công ty nhà nước là chủ sở hữu hoặc là cổ đông lớn theo chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành của Chính phủ tại Nghị quyết số 15/NĐ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sau đây gọi là Nghị quyết 15).

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam mua lại Công ty tài chính cổ phần Dệt may và đổi tên thành Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương mua lại Công ty tài chính cổ phần Hóa chất và đổi tên thành Công ty tài chính TNHH MTV Kỹ thương, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng mua lại Công ty tài chính Than - Khoáng sản và đổi tên thành Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng.

Trong làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào lĩnh vực ngân hàng, nhiều quỹ đầu tư đã thể hiện mức độ quan tâm lớn tới việc rót vốn vào nhà băng Việt.

Chẳng hạn, Standard Chartered Bank đã thoái toàn bộ vốn đầu tư vào ACB sang cho 4 quỹ đầu tư gồm Estes Investments Limited, Sather Gate Investments Limited, Whistler Investments Limited và Boardwalk South Limited. 4 quỹ này đều nắm giữ một lượng cổ phiếu vừa đủ ở mức dưới 5%, do đó không thuộc diện phải công bố thông tin trở thành cổ đông lớn. Hoặc với trường hợp của Tecombank, sau khi HSBC thoái vốn, hai quỹ đầu tư Vesta VN Investments B.V. và COG Investments B.V do Warburg Pincus quản lý đã đầu tư khoảng 370 triệu USD vào ngân hàng này. Bên cạnh đó, đầu tháng 4/2018, quỹ PYN Elite Fund Management cũng đã hoàn tất việc mua lại 4,99% cổ phần của TPBank với giá 40 triệu USD, đánh dấu khoản đầu tư lớn nhất của mình tại Việt Nam.

Có 2 thương vụ ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam nhận sáp nhập các công ty tài chính yếu kém để xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém trên cơ sở định hướng và giải pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Cùng với việc sáp nhập này, Ngân hàng Nhà nước đồng thời cho phép các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam tham gia xử lý các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém nêu trên được thành lập mới các công ty con là các công ty tài chính hoạt động chuyên ngành lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Cụ thể: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội nhận sáp nhập Công ty tài chính Vinaconex Viettel, trên cơ sở đó thành lập mới Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội; Ngân hàng TMCP Quân đội nhận sáp nhập Công ty tài chính Vinaconex Viettel trên cơ sở đó thành lập mới Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Quân đội.

Trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018, trên cơ sở các nội dung của Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 (Đề án 1058), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, trong đó khuyến khích thực hiện hoạt động M&A, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, các định chế tài chính nước ngoài mua lại, sáp nhập tổ chức tín dụng yếu kém của Việt Nam.

Theo đó, tình hình M&A đối với các tổ chức tín dụng yếu kém như sau: Đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á, đã có một số nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu hoặc đang triển khai xây dựng phương án nhận chuyển nhượng, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng này.

Đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng: Trên cơ sở kết quả đấu giá việc thoái vốn của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á đã trúng đấu giá và Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của VNPT tại Công ty Tài chính Bưu điện cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (năm 2018).

Thực tế thị trường cho thấy, không chỉ đối với các tổ chức tín dụng yếu kém, hoạt động M&A còn diễn ra tại các tổ chức tín dụng lành mạnh. Ông có thể chia sẻ gì về vấn đề này?

Đúng là hoạt động M&A diễn ra mạnh mẽ ở cả các tổ chức tín dụng yếu kém, cũng như tại các tổ chức tín dụng lành mạnh. Đối với khối ngân hàng thương mại: Ngân hàng TMCP Xăng dầu đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM.

Đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng: Thực tế, các ngân hàng thương mại cổ phần là chủ sở hữu của các công ty tài chính tín dụng tiêu dùng và công ty cho thuê tài chính hiện đang thiếu kinh nghiệm vận hành chuyên nghiệp trong các lĩnh vực này.

Với mục tiêu lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô và chất lượng, hiệu quả hoạt động nêu tại Đề án 1058, các ngân hàng thương mại đang có xu hướng tìm kiếm các đối tác là các nhà đầu tư nước ngoài tham gia làm thành viên góp vốn tại các công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, công ty cho thuê tài chính. Việc này nhằm hai mục đích.

Thứ nhất, thực hiện chiến lược phát triển chuyên nghiệp hóa các hoạt động tín dụng tiêu dùng và hoạt động cho thuê tài chính.

Thứ hai, tận dụng kinh nghiệm, công nghệ triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng và cho thuê tài chính của các đối tác nước ngoài (đặc biệt là các đối tác nước ngoài có uy tín, bề dày kinh nghiệm đang được đánh giá là rất tiềm năng tại Việt Nam) thông qua nhiều hình thức hợp tác khác nhau.

Theo đó, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có các chấp thuận, việc chuyển nhượng vốn góp của ngân hàng thương mại tại công ty tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài và chuyển đổi hình thức pháp lý của công ty tài chính.

Cụ thể: Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM chuyển nhượng 49% vốn góp tại Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Phát triển TP.HCM cho Công ty Credit Saison (Nhật Bản) và chuyển đổi hình thức pháp lý của công ty này từ TNHH một thành viên thành TNHH hai thành viên trở lên (năm 2015).

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) chuyển nhượng 49% vốn góp tại Công ty tài chính TNHH MTV MB cho Shinshei Bank (Nhật Bản) và chuyển đổi hình thức pháp lý của công ty này từ TNHH một thành viên thành TNHH hai thành viên trở lên (năm 2017).

Bên cạnh đó là việc chuyển nhượng vốn góp của ngân hàng thương mại tại công ty tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty tài chính TNHH MTV Kỹ Thương cho Công ty Lotte Card - Hàn Quốc (năm 2018).

Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài góp thêm vốn tại công ty cho thuê tài chính, bao gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chuyển đổi hình thức pháp lý Công ty Cho thuê tài chính Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam từ công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên trở lên thông qua phương án Ngân hàng Sumitomo Mitsui Trust Bank - Nhật Bản góp thêm 49% vốn để trở thành thành viên góp vốn mới (năm 2017).

Ông có thể chia sẻ về xu hướng M&A trong thời gian tới?

Đề án 1058 đã xác định rõ một trong các giải pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng là Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thúc đẩy việc mua bán, sáp nhập trên cơ sở tự nguyện các tổ chức tín dụng thành các định chế có quy mô lớn và quản trị tốt hơn.

Ngoài ra, đối với các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, trong số các giải pháp để cơ cấu lại có giải pháp khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các định chế tài chính nói riêng mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam yếu kém.

Đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xem xét, chấp thuận theo thẩm quyền các thương vụ M&A trên cơ sở đảm bảo phù hợp với định hướng cơ cấu lại tổ chức tín dụng tại Đề án 1058 và quy định pháp luật hiện hành.

Tin bài liên quan