M&A kỷ nguyên mới: Tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản vẫn là “điểm nóng“

M&A kỷ nguyên mới: Tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản vẫn là “điểm nóng“

(ĐTCK) Với kịch bản thận trọng, giá trị M&A thị trường Việt Nam năm 2018 sẽ vẫn duy trì mức trên 6 tỷ USD và các lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản sẽ tiếp tục dẫn dắt dòng vốn...

4.353 thương vụ M&A được thực hiện trong 10 năm

Năm 2018 đánh dấu 10 năm ra đời Diễn M&A Việt Nam. Nhóm nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF) đã thực hiện thống kê toàn diện và cho biết, có 4.353 thương vụ được thực hiện trong giai đoạn 2009-2018, với tổng giá trị M&A đạt 48,8 tỷ USD. Riêng năm 2017, quy mô thị trường tăng 10 lần so với năm 2009. Có sự đột biến này là nhờ thương vụ 4,8 tỷ USD của ThaiBev mua 53,59% cổ phần Sabeco, chiếm gần 50% tổng giá trị M&A cả năm 2017 (10,2 tỷ USD).

Tuy ghi nhận nhiều thành tựu sau 10 năm hoạt động, nhưng quy mô thị trường M&A Việt Nam vẫn ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Ngay với năm ghi nhận đột biến 2017, giá trị M&A của Việt Nam cũng chỉ tương đương với các thị trường Malaysia (11,73 tỷ USD), Indonesia (10,76 tỷ USD)..., và còn cách xa so với Singapore (78,6 tỷ USD).

Trong 10 năm qua, các thương vụ M&A tại Việt Nam phần lớn là quy mô nhỏ (khoảng 100-120 tỷ đồng/thương vụ), các thương vụ quy mô vừa và lớn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư ngoại và xu hướng này đang tăng dần trong vài năm qua. Chẳng hạn, trong năm 2017, giá trị thương vụ do nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò bên mua chiếm tới 91,8%, trong khi tỷ lệ này của nhà đầu tư trong nước chỉ là 8,2%.

Làn sóng các nhà đầu tư trong khu vực, điển hình là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, đã tiếp cận thị trường M&A Việt Nam một cách khá rõ nét. Đặc biệt, những năm gần đây, các doanh nghiệp Thái Lan liên tục mua lại những doanh nghiệp lớn, đầu ngành của Việt Nam tại những lĩnh vực tiềm năng như bán lẻ (Big C, Metro, Nguyễn Kim..), vật liệu xây dựng (Prime Group, VCM, Xi măng Holcim...), nhựa (Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong), bia (Sabeco)… Hiện tại, Thái Lan đang dẫn đầu trong số các nước thực hiện M&A tại Việt Nam.

Bên cạnh những thương vụ thành công, cũng không ít thương vụ thất bại do không lường trước được hậu quả của M&A, cũng như không quản lý được doanh nghiệp mục tiêu, dẫn đến buộc phải thoái vốn để trở lại ngành nghề cốt lõi, hoặc lấy tiền trả nợ. Các nhà phân tích khuyến nghị, cần cân nhắc những rủi ro trong thực hiện chiến lược M&A, mà thương vụ MobiFone - AVG là bài học nhãn tiền.

Dù vậy, một tín hiệu tích cực, theo Nhóm nghiên cứu, đó là các doanh nghiệp Việt Nam đã dần chủ động hơn trong hoạt động M&A.

“Những điển hình trong thực hiện chiến lược M&A chủ động của doanh nghiệp Việt Nam là Vingroup, KIDO, Masan, Cơ điện lạnh (REE), PAN Group… Ở các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, nhận thức về M&A, chiến lược định giá doanh nghiệp, chiến lược lựa chọn đối tác... cũng đã thay đổi nhiều so với 10 năm trước”, Nhóm nghiên cứu đánh giá.

Tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản tiếp tục dẫn dắt M&A 2018

Theo thống kê trên, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,55 tỷ USD, tăng 155% so với cùng kỳ năm 2017. Nhóm nghiên cứu dự báo, giá trị M&A năm 2018 sẽ giảm so với năm 2017 do thiếu vắng những thương vụ lớn tương tự như Sabeco.

Giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 có thể đạt 6,5-6,9 tỷ USD, bằng 58,8% so với năm 2017 (nếu ngoại trừ thương vụ Sabeco thì sẽ tăng trưởng 15,3%). Với kịch bản thận trọng, giá trị M&A thị trường Việt Nam sẽ vẫn duy trì mức trên 6 tỷ USD.

“Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam giai đoạn tới. Ngoài ra, cũng có thể trông đợi vào các thương vụ thoái vốn của những doanh nghiệp nhà nước lớn”, Nhóm nghiên cứu nhận định.

Cơ hội M&A tại Việt Nam là nhiều, nhưng để thúc đẩy dòng vốn chảy vào thị trường này mạnh hơn, Việt Nam cần có thêm nguồn hàng tốt cho nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, khi mà hiện tại, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước dù đã cổ phần hóa, nhưng tỷ lệ sở hữu của Nhà nước vẫn ở mức cao và nhiều năm vẫn chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần minh bạch hơn về tình hình tài chính nói riêng và thông tin doanh nghiệp nói chung để nhà đầu tư có thể nắm bắt.

Một yếu tố không thể thiếu khác là hệ thống pháp lý liên quan đến đầu tư và hoạt động M&A cần được nhanh chóng hoàn thiện để tháo gỡ các rào cản về giới hạn sở hữu, quy hoạch, thuế... cho các giao dịch mua bán - sáp nhập doanh nghiệp, từ đó giúp thu hút nhiều hơn dòng vốn vào thị trường M&A Việt Nam.

Tin bài liên quan