M&A đổ vỡ, cổ phiếu BlackBerry lao đốc

M&A đổ vỡ, cổ phiếu BlackBerry lao đốc

Sự đổ vỡ của thương vụ bán mình cho Fairfax, cổ phiếu của hãng điện thoại thông minh BlackBerry đã lao dốc hơn 16%, xuống gần mức thấp nhất 1 năm.

CEO Thorsten Heins sẽ từ nhiệm sau 2 năm nắm quyền, người thay thế là John Chen, cựu lãnh đạo công ty phần mềm Sybase. Kế hoạch mua lại BlackBerry của Fairfax đổ vỡ cũng khiến giá cổ phiếu hãng đi xuống.

BlackBerry vừa tuyên bố bỏ kế hoạch bán lại doanh nghiệp cho cổ đông lớn nhất hiện nay của mình là công ty tài chính Fairfax Financial Holdings. Ngoài ra, CEO đương nhiệm Thorsten Heins sẽ từ chức và cựu lãnh đạo của công ty Sybase (một công ty phần mềm chuyên quản lý và phân tích công nghệ di động đã được SAP mua lại) John Chen được chỉ định làm Tổng giám đốc điều hành tạm thời của hãng điện thoại Canada.

 

Thorsten Heins đã có 2 năm trên cương vị CEO BlackBerry với nhiều quyết định mang tính thay đổi. Ảnh: AFP

 

Sau 6 năm đóng góp và 2 năm làm lãnh đạo BlackBerry, kỷ nguyên của Thorsten Heins đã khép lại. Thời gian không dài nhưng ông cũng đã kịp để lại dấu ấn với hệ điều hành BlackBerry 10, đưa ứng dụng độc quyền BBM trở thành phần mềm đa nền tảng và nhất là sự ra mắt của những sản phẩm cạnh tranh như Z10, Z30 hay Q10... Ngay sau khi có những thông tin về thay đổi nhân sự và kế hoạch, cổ phiếu của BlackBerry đã mất 16,41%, hiện giá chỉ còn 6,50 USD.

Tình hình kinh doanh của "cựu vương" trong làng điện thoại thời gian gần đây không đạt như kỳ vọng của chuyên gia. Tháng trước, BlackBerry đưa báo cáo quý II trong tài khóa 2013, với mức lỗ gần một tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là doanh số bán ra của mẫu smartphone Z10 khá nghèo nàn. Hồi tháng 9, công ty cũng cắt 4.500 việc làm, tương đương 40% nhân công nhằm kiềm chế khoản lỗ khổng lồ.

CEO tạm quyền John Chen hiểu rõ những thách thức ở quãng thời gian sắp tới của mình tại một công ty đang vật lộn trong khó khăn. "BlackBerry là thương hiệu mang tính biểu tượng với rất nhiều tiềm năng, nhưng hãng cần thời gian, những quyết định kịp thời và đúng đắn để trở lại thành công của mình", Chen chia sẻ.

Để tìm một lối đi, BlackBerry quyết định bán công ty cho doanh nghiệp khác và tháng trước Fairfax đã lên kế hoạch chi 4,7 tỷ USD để sở hữu toàn bộ, đưa BlackBerry trở thành công ty tư nhân. Tuy nhiên, theo Reuters, kế hoạch này đã thất bại vì Fairfax không huy động đủ tài chính cho thương vụ. Bù lại, hãng đã đóng góp 250 triệu USD để giúp BlackBerry gây vốn một tỷ USD nhằm "mua thời gian" như lời chuyên gia phân tích Colin Gillis của công ty BGC nhận xét. Colin cho rằng tương lai của BlackBerry vẫn chưa có dấu hiệu tích cực.

>> Điểm tin quốc tế nổi bật sáng 5/11