M&A đang trở thành một kênh huy động vốn hữu hiệu

M&A đang trở thành một kênh huy động vốn hữu hiệu

(ĐTCK) Việc xóa bỏ các rào cản thúc đẩy thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) phát triển lành mạnh, trở thành một kênh huy động vốn hữu hiệu và yếu tố thúc đẩy tái cấu trúc hiệu quả nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp

Sáng ngày 25/7, Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 8 - năm 2016 với chủ đề “Cơ hội trong không gian kinh tế mở” do Báo Đầu tư phối hợp và Công ty AVM Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp báo thông tin chính thức về Diễn đàn.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong những năm qua, hoạt động M&A tại Việt Nam đã không ngừng gia tăng. Nếu như năm 2009, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam mới bắt đầu chạm mốc trên 1 tỷ USD, thì năm 2015 tổng giá trị các thương vụ M&A đã đạt mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm nay, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã vượt con số 3 tỷ USD. Hoạt động M&A diễn ra sôi động trong các lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, bất động sản…

Diễn đàn M&A 2015 được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới, trong một không gian kinh tế mới với những thuận lợi và thách thức đan xen, đặc biệt khi năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Trong đó Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5 - 7%/năm, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững. Đây cũng là năm mở đầu nhiệm kỳ mới của Quốc hội và Chính phủ.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu tại buổi Họp báo Diễn đàn M&A 2016 ngày 25/7

Với các chuyển động chính sách gần đây như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2015 bắt đầu đi vào cuộc sống sau 1 năm có hiệu lực và hàng chục nghị định quy định chi tiết thi hành các luật mới này đã được trình Chính phủ ban hành, đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư - kinh doanh. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 35 ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính...

Bên cạnh đó, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang và sẽ diễn ra sâu rộng chưa từng có, với việc thực hiện lộ trình Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); đàm phán và ký kết nhiều FTA thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc, không gian kinh tế của Việt Nam đang được mở rộng hơn bao giờ hết. Không gian kinh tế mới này đang mở ra cơ hội mới, sân chơi mới cho cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn. Năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế còn thấp, thiên tai, hạn hán liên tiếp xảy ra tại nhiều nơi; sự cố gây ô nhiễm môi trường của Formosa tác động tiêu cực tới một số tỉnh miền Trung.

Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu hút vốn FDI tăng cao, nhưng tốc độ tăng GDP chỉ đạt 5,52%, thấp hơn cùng kỳ năm trước; một số khu vực như nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm, nguy cơ lạm phát vẫn còn tiềm ẩn, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước…

Trong bối cảnh đó, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tận dụng các cơ hội được mở ra từ hội nhập quốc tế, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế nhằm đảm bảo phát triển nhanh và bền vững đang trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng và bức thiết đối với chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Việc xóa bỏ các rào cản để thúc đẩy thị trường M&A phát triển lành mạnh, trở thành một kênh huy động vốn hữu hiệu và yếu tố thúc đẩy tái cấu trúc hiệu quả nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện nhiệm vụ nói trên.

Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn M&A 2016 Lê Trọng Minh phát biểu tại buổi Họp báo ngày 25/7

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn M&A 2016 cho biết, với chủ đề “M&A trong không gian kinh tế mở” với sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là sự kiện thường niên để lãnh đạo các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế cùng nhau trao đổi, đánh giá thực trạng và xu hướng M&A tại Việt Nam, khuôn khổ pháp lý, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và kết nối cơ hội hợp tác, đầu tư trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Trong suốt 8 năm vừa qua, diễn đàn đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách về M&A, cũng như thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và kết nối đầu tư giữa các đối tác trong nước và nước ngoài.

Do đó, ông Minh hy vọng, trong diễn đàn lần này, lãnh đạo các cơ quan chính phủ, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về M&A cùng các doanh nghiệp sẽ thẳng thắn thảo luận, chia sẻ thông tin để cùng mang lại những giá trị thiết thực cho sự phát triển của đất nước trong bối cảnh phát triển mới.

Diễn đàn M&A Việt Nam - sự kiện thường niên lớn nhất Việt Nam về mua bán, sáp nhập và đầu tư chiến lược do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức từ năm 2009 đến nay.

Với chủ đề “Cơ hội trong không gian kinh tế mở”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 sẽ được tổ chức vào ngày 18/8/2016 tại TP. HCM, bao gồm các hoạt động hội thảo, phổ biến kiến thức và kết nối đầu tư. Dự kiến sẽ có khoảng 500 lãnh đạo doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự sự kiện.

Tin bài liên quan