M&A của ngân hàng  và hệ lụy tới Bancassurance

M&A của ngân hàng và hệ lụy tới Bancassurance

(ĐTCK) Doanh thu từ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) hiện tại còn khá khiêm tốn (chỉ khoảng 5 - 6% tổng doanh thu mới theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ), tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành nhận định, Bancassurance đang và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ vào tiềm năng còn rất lớn chưa được khai thác của thị trường này.

Bancassurance đang được chú trọng hơn vì hiện nay đã có khung pháp lý đầy đủ để phát triển an toàn. Hơn nữa, trong những năm gần đây, các ngân hàng cũng đã chú trọng hơn đến hoạt động này và nhận thấy, việc tăng trưởng doanh thu phí đến từ các dịch vụ như bảo hiểm cũng là một trong những nguồn thu quan trọng của ngân hàng.

Theo các chuyên gia trong ngành, ở những thị trường khác trong khu vực, 20 - 50% doanh thu phí của ngân hàng được mang lại từ hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm (cả nhân thọ và phi nhân thọ). Trong khi tại Việt Nam, con số này còn khá khiêm tốn do phần lớn các ngân hàng vẫn mới chỉ bắt đầu làm quen với Bancassurance.

Hiện nay, 3 trong số 4 ngân hàng quốc doanh đã thành lập công ty liên doanh (Joint Venture) bảo hiểm nhân thọ với các đối tác là các công ty bảo hiểm nước ngoài (BIDV - Metlife, Vietcombank - Cardiff, VietinBank - AVIVA).

Kết quả hoạt động Bancassurance trong những năm qua chưa xứng với tiềm năng nhưng đang có dấu hiệu khởi sắc trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, hoạt động Bancassurance trong khối ngân hàng nước ngoài và thương mại cổ phần có phần sôi động hơn. Phần lớn các ngân hàng trong 2 khối này đều đã liên kết với các công ty bảo hiểm nhân thọ và/hoặc phi nhân thọ để phân phối sản phẩm.

Xu hướng ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền lâu dài (trên 10 năm) đang chiếm ưu thế trong hoạt động Bancassurance, do bảo hiểm nhân thọ là ngành kinh doanh dài hạn và cần sự cam kết, đầu tư dài lâu của cả 2 bên là ngân hàng và công ty bảo hiểm. Hiện nay, trên thị trường đã có Prudential Việt Nam ký hợp tác độc quyền với Ngân hàng Hàng Hải, Prudential Việt Nam ký hợp tác độc quyền với Ngân hàng Standard Chartered, AIA Việt Nam ký hợp tác với Ngân hàng Citi và Dai-ichi Life Việt Nam ký độc quyền với HD Bank.

Dù doanh thu khai mới còn nhỏ nhưng hoạt động Bancassurance đã và đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty bảo hiểm. Ngay cả trong việc ký kết hợp tác độc quyền, quá trình thương thảo một thương vụ được giữ kín đến tận phút chót, bởi số ngân hàng hội tụ đủ điều kiện để các công ty bảo hiểm mong muốn hợp tác độc quyền không nhiều, trong khi xu hướng này đang ngày càng nở rộ.

Ngoài ra, xu hướng M&A đang diễn ra rầm rộ giữa các ngân hàng cũng khiến các công ty bảo hiểm phải cân nhắc kỹ càng hơn trước khi quyết định bắt tay lâu dài. Chính vì thế, việc công ty bảo hiểm nào đang chuẩn bị và sắp sửa ký kết hợp tác độc quyền với ngân hàng nào cũng là mối quan tâm lớn của thị trường bảo hiểm.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều thương vụ M&A ngân hàng, việc hợp tác phát triển Bancassurance cũng đang nảy sinh thêm nhiều vấn đề mới. Chẳng hạn, nếu công ty bảo hiểm ký kết độc quyền với một ngân hàng A trong 10 năm, mà ngân hàng này lại phải M&A với ngân hàng B thì mối quan hệ này phải giải quyết thế nào?

Đặc biệt, trong trường hợp ngân hàng B trước đó lại đã ký độc quyền với một công ty bảo hiểm khác, hoặc đang bán bảo hiểm cho công ty bảo hiểm khác, hoặc bán bảo hiểm cho chính công ty bảo hiểm liên doanh của mình thì việc giải quyết lại càng thêm phức tạp.

Trao đổi với ĐTCK, một chuyên gia trong ngành cho biết, thông thường, trong hợp đồng độc quyền sẽ có điều khoản, trong trường hợp ngân hàng A được sáp nhập hay hợp nhất với ngân hàng B, ngân hàng chủ thể mới này phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng. Nếu vì lý do gì đó điều này không thực hiện được thì bên vi phạm hợp đồng sẽ phải đền bù cho bên bị vi phạm.

Chẳng hạn trong trường hợp ngân hàng A bị sáp nhập vào ngân hàng B, nếu ngân hàng A đã ký độc quyền với một công ty bảo hiểm và hợp đồng có điều khoản này thì ngân hàng A sẽ phải tiếp tục để cho các chi nhánh của ngân hàng B cũ bán bảo hiểm cho công ty bảo hiểm đã ký kết nếu không sẽ bị phạt vi phạm hợp đồng.

“Phần lớn các ngân hàng sẽ khó lòng đồng ý với điều khoản này, vì thế 2 bên có thể sẽ phải tiến hành thanh lý hợp đồng khi ngân hàng chủ thể mới không muốn tiếp tục hợp đồng này”, vị chuyên gia trên cho biết, đồng thời cũng thừa nhận, trong bối cảnh M&A ngân hàng diễn ra nhiều như hiện nay, Bancassurance là điều khoản quan trọng mà 2 bên cần lưu tâm và phải đàm phán các điều khoản cho phù hợp để đối phó với các rắc rối phát sinh.        

Tin bài liên quan