M&A còn lắm dư địa

M&A còn lắm dư địa

(ĐTCK) Khoảng 5-6 nhà đầu tư nước ngoài đang trong vòng thương thảo để chọn ra những cái tên cuối cùng trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Ðiện lực Dầu khí. Quy mô bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trước thềm IPO của doanh nghiệp này lên tới 700 triệu USD. 

Tương tự, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng tỏ ra rất cầu thị để có thể cổ phần hóa thành công. Mới đây, một cuộc hội thảo với các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam đã được tổng công ty này tổ chức để lắng nghe những ý kiến đóng góp đưa vào sổ tay triển khai của doanh nghiệp dịp cuối năm.

Với 4 tổng công ty mà Bộ Xây dựng đang chuẩn bị triển khai IPO gồm Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Idico, Tổng công ty Sông Ðà, Tổng công ty Coma, các nhà đầu tư trên thị trường đã được chào mời đầu tư chiến lược từ giữa năm ngoái. Dẫu vậy, chỉ có Idico trở thành cái tên được săn đón do ngành nghề hấp dẫn, sở hữu quỹ dự án tốt và đặc biệt là tình hình tài chính "ngon lành".

Rồi các công ty phát điện Genco 1, Genco 3 của EVN cũng đã xong khâu kiểm toán định giá doanh nghiệp, sẵn sàng mở cửa đón nhà đầu tư vào thực địa, tìm kiếm cơ hội. Ðó là các doanh nghiệp lớn trong diện cổ phần hóa, còn khá nhiều đợt thoái vốn nhà nước các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả được thị trường đón đợi như Sabeco, Habeco, VNM…

Bên cạnh nhu cầu lớn của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, thị trường còn nhiều dư địa cho các đợt M&A thông qua phương thức mua bán cổ phần doanh nghiệp của các công ty tư nhân, vốn đang mạnh mẽ hơn rất nhiều về tiềm lực tài chính và kinh nghiệm triển khai dự án. Cứ nhìn các thương vụ được các doanh nghiệp niêm yết trên sàn công bố trong lĩnh vực bất động sản sẽ thấy rõ điều đó.

Nhưng giống như một cuộc hôn nhân, để hai bên đến được với nhau đã khó, để chung sống hạnh phúc sau M&A, hay nói khác là để có một công ty mới hoạt động thành công, đạt được những mục tiêu lớn lao mà các bên trong cuộc đặt ra, lại không hề đơn giản. Thực tế đã cho thấy, ẩn sâu sau nhiều thương vụ M&A bên cạnh quả ngọt, còn có không ít trái đắng mọc sớm trên cành.

Ðó có thể là những thợ săn thiện chiến, mua lại con mồi để rồi tìm cách gả bán tiếp theo cho những đại gia mới. Cũng có kẻ vào doanh nghiệp với mục tiêu nạo vét, chia năm xẻ bảy bán tài sản, hoặc cùng nhau liên kết để thâu tóm cả một ngành sản xuất…

Nền kinh tế càng mở, M&A sẽ càng sôi động. Ðể thích ứng với xu hướng và để M&A trở thành công cụ hữu dụng trên bước đường phát triển của  mình, hơn ai hết, chính các doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp và thậm chí cả cơ quan quản lý, phải chủ động có các bài học tấn công, phòng vệ.

Diễn đàn thường niên mua bán, sáp nhập doanh nghiệp năm 2017 (M&A Việt Nam 2017) được Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào thứ Năm, ngày 10/8/2017 tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM). Đây là sự kiện thường niên có quy mô lớn thu hút sự quan tâm của các cơ quan Chính phủ, đông đảo các chuyên gia hàng đầu và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Trong khuôn khổ Diễn đàn M&A 2017 với chủ đề "Tìm bước đột phá - Seeking a big push", Báo Đầu tư sẽ xuất bản Đặc san “Toàn cảnh thị trường Mua bán - Sáp nhập Việt Nam 2017 - Vietnam M&A Outlook 2017”. Đặc san được xuất bản bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh, phát hành rộng rãi qua các kênh phát hành của Báo Đầu tư ở trong nước và nước ngoài và là tài liệu chính thức của Diễn đàn M&A Việt Nam 2017.

Tin bài liên quan