M&A: Chiến lược tạo giá trị cộng hưởng

M&A: Chiến lược tạo giá trị cộng hưởng

(ĐTCK) Có tới 70% các giao dịch M&A thất bại; 58% các vụ sáp nhập không tạo ra giá trị cộng hưởng đáng kể nào cho các cổ đông.

> Thương vụ M&A Việt Nam tiêu biểu 2011-2012

> M&A 2011 - 2012: Kỷ lục và xu hướng

Tiếp nối thành công những năm trước, ngày 7/6, Diễn đàn M&A 2012 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức với chủ đề “Tạo giá trị cộng hưởng” thu hút sự chú ý của cộng đồng DN cũng như các nhà hoạch định chính sách. Hơn 400 khách tham gia diễn đàn tại Trung tâm Hội nghị Riverside Place đã tới dự và tham gia thảo luận cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế về những xu hướng M&A mới nhất, các biện pháp chống thâu tóm trong chiến lược tạo ra giá trị cộng hưởng...

M&A: Chiến lược tạo giá trị cộng hưởng ảnh 1

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư (ngoài cùng, bên trái) trực tiếp điều phối phiên thảo luận Tổng quan hoạt động M&A và xu hướng M&A 2012 tại Diễn đàn

Từ khía cạnh thâu tóm và chống thâu tóm

Khái quát về các thương vụ thâu tóm thời gian qua, ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCK Bản Việt nhận xét, đa phần bên mua tập trung vào các mục tiêu chính: mua lại tài sản giá rẻ, gia tăng hiệu quả của công ty mục tiêu sau khi thâu tóm, tích hợp và gia tăng chuỗi giá trị, mở rộng và phát triển quy mô hoạt động, ngành kinh doanh. Một số mục tiêu thâu tóm ít được biết tới hơn, nhưng đã từng xảy ra là việc tiêu diệt đối thủ cạnh tranh và mở rộng thị phần. Đánh giá chung về hoạt động thâu tóm, ông Hải nhận xét, cách thức thâu tóm thời gian qua khá đa dạng, từ hình thức bí mật như chia nhỏ tỷ lệ sở hữu chờ cơ hội chín muồi, lôi kéo cổ đông bất mãn, tới hình thức công khai như chào mua công khai… Thương vụ mới nhất, việc Ngân hàng Sacombank bị thâu tóm cho thấy, tại thời điểm hiện tại, mọi DN lớn nhỏ đều có thể lọt vào tầm ngắm của bên mua.

Đề cập đến các chiến lược phòng vệ, ông Hải nhận xét, diễn biến thời gian qua cho thấy, chỉ có hai giải pháp chống thâu tóm thực sự hiệu quả tại TTCK Việt Nam . Thứ nhất là việc cùng tham gia mua bán nâng giá cổ phiếu gây khó khăn về tài chính cho bên mua. Thứ hai là việc xây dựng chủ nghĩa cổ đông tích cực khi DN tăng cường nâng cao công tác cung cấp thông tin ra thị trường, làm giá trị cổ phiếu trên thị trường phản ánh tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Theo ông Hải, các giải pháp chống thâu tóm kinh điển là mua cổ phiếu quỹ với mục đích giảm số cổ phần lưu hành và tăng giá cổ phiếu gây khó khăn cho bên mua. Tuy nhiên, trong thực tế, các giải pháp này tỏ ra không hiệu quả. Lý do là các thủ tục mua cổ phiếu quỹ hiện nay khiến mục tiêu phản công khó đạt được. Một ví dụ là trường hợp Sacombank mua 100 triệu cổ phiếu quỹ nhưng vẫn thất thủ.

Một số đòn tự vệ khác được ông Hải nhắc đến là sử dụng đòn phản công pháp lý, tăng số lượng thành viên HĐQT, kéo dài nhiệm kỳ và bầu so le thành viên HĐQT…

Ở phiên thảo luận sau đó, đông đảo diễn giả và khách tham dự đều nhìn nhận, chiến lược thâu tóm sẽ gây ảnh hưởng đến sự thành công của quá trình hậu M&A. Chẳng hạn, không thể trông chờ sự hợp tác của các công ty mục tiêu nếu như việc thâu tóm được tiến hành bằng hình thức thù địch hay chỉ nhằm sở hữu tài sản giá rẻ.

 

Tạo ra giá trị cộng hưởng

Chủ đề đáng quan tâm và được đặt tên cho diễn đàn năm nay là “chiến lược tạo ra giá trị cộng hưởng”. Về vấn đề này, ông Scott J. Bursnett, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Tower Wastson chia sẻ, theo các nghiên cứu mới nhất, có tới 70% các giao dịch M&A thất bại do không đạt được thỏa thuận về hiệp lực thời hậu M&A; 50% bị giảm hiệu suất kinh doanh trong vòng 8 tháng đầu tiên; 47% công ty bị thôn tính có lãnh đạo cao cấp rời khỏi công ty trong năm đầu tiên và tỷ lệ trong 3 năm tiếp theo là 70%; 58% các vụ sáp nhập không tạo ra giá trị cộng hưởng đáng kể nào cho các cổ đông.

Nghiên cứu các trường hợp thất bại, chuyên gia của Tower Wastson đánh giá, vấn đề con người và văn hóa công ty là chìa khóa thành công cũng như là trở ngại chính cho vấn đề hậu M&A. “Giá trị của nhân sự cao hơn các con số tài chính”, ông Scott nêu ra một quan điểm khá mới tại diễn đàn năm nay và đưa ra gợi ý cho các thương vụ M&A, bên mua cần thảo luận với ban lãnh đạo điều hành công ty mục tiêu càng sớm càng tốt. Nhân sự cao cấp ở lại không chỉ vì lương mà còn vì môi trường làm việc, các mối quan hệ, các tương tác với các nhân tố mới…

Chia sẻ về cuộc “hôn nhân” Diana- Unicharm mới đây, ông Đỗ Anh Tú, Tổng giám đốc Diana Việt Nam cho biết, giai đoạn hậu M&A của Công ty khá suôn sẻ. Lý do là trước khi “se duyên”, Diana đã tìm hiểu khá kỹ về bạn đời của mình. “Cuộc hôn nhân giữa hai DN có nhiều nét tương đồng thì không có gì đáng e ngại. Chúng tôi không gặp phải khó khăn đáng kể nào kể từ khi bán cổ phần cho Unicharm, nhờ chọn được đối tác đúng”, ông Tú nói.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Hữu Tùng, Chủ tịch Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ chia sẻ về việc Công ty đã tham gia mua lại một bệnh viện nhỏ hơn. Mục tiêu nhắm tới không phải chỉ là máy móc tại bệnh viện, mà là cả chất xám của 100 nhân sự tại đây. Giai đoạn hậu M&A, ngoài việc đảm bảo quyền lợi của cộng đồng người lao động, để tạo ra sự thấu hiểu với bên mua, Hoàn Mỹ đã chọn cách chia sẻ tầm nhìn và văn hóa Công ty với đối tác. Ngược lại, khi hợp tác với các đối tác đến lớn hơn, Hoàn Mỹ cũng chia sẻ tầm nhìn khi cảnh báo đối tác về dịch vụ y tế tại các nước đang phát triển như Việt Nam khác hoàn toàn với một nước mới phát triển. Theo đại diện của Hoàn Mỹ, việc hiểu điều mình muốn và chia sẻ tầm nhìn với đối tác phù hợp là một trong những chìa khóa tạo ra giá trị cộng hưởng ở giai đoạn hậu M&A.