“Chúng tôi đang có quan điểm thận trọng đối với nhóm tài chính trong khu vực thị trường mới nổi, chúng tôi cho rằng triển vọng của các ngân hàng, lĩnh vực lớn nhất trong tài chính đều bị ảnh hưởng tiêu cực dù cho lãi suất bị cắt giảm như thế nào”, theo Pedro Martins Junior, chiến lược gia trưởng thị trường mới nổi tại JPMorgan.
Ông nói rằng, các ngân hàng có rất nhiều hạn chế trong việc mở rộng danh mục cho vay. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã cắt giảm lãi suất xuống mức rất thấp nên cơ hội cho các ngân hàng tăng tỷ lệ cho vay và các sản phẩm khác cũng rất hẹp.
Các ngân hàng trên toàn cầu cảnh báo về một triển vọng xấu đi khi công bố báo cáo lợi nhuận trong những tuần vừa qua. Các biện pháp phong tỏa ở nhiều quốc gia buộc các doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa và hàng triệu người mất việc làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của cả công ty và hộ gia đình, cũng như khoản vay vốn mới từ ngân hàng.
Ngoài ra, sự sụt giảm của giá dầu đã làm tổn thương nhiều công ty trong lĩnh vực năng lượng, điều đó có thể làm tăng thêm số lượng vỡ nợ và các khoản nợ xấu.
Áp lực từ chính phủ
Bên cạnh triển vọng kinh doanh mờ nhạt mà các ngân hàng phải đối mặt, trong đó một số có thể phải chịu áp lực từ chính phủ để cho vay đối với những đối tượng khách hàng rủi ro hơn.
“Đối với các quốc gia cụ thể, bạn cũng có thể thấy các ngân hàng thanh toán các dịch vụ cho quốc gia, điều này sẽ gây áp lực cho các ngân hàng cung cấp những khoản cho vay với điểm tín dụng dưới tiêu chuẩn”, theo Pedro Martins Junior.
Bên cạnh đó, ông nói thêm rằng, một số ngân hàng tại các thị trường mới nổi cũng có thể phải đối mặt với triển vọng về thuế cao hơn trong những năm tới khi các chính phủ tìm cách tăng nguồn thu sau khi tăng cường chi tiêu trong năm nay.
“Do đó, chúng tôi đã giảm tỷ trọng các cổ phiếu nhóm ngành tài chính tại các thị trường mới nổi”, ông nói.