Tình nguyện viên hướng dẫn cử tri tại điểm bỏ phiếu sớm tại Ohio ngày 6/10. Ảnh: AFP.
Quốc hội Mỹ năm 1845 thông qua một đạo luật liên bang chỉ định thứ ba sau thứ hai đầu tiên của tháng 11 là ngày bầu cử tổng thống.
Nguyên nhân chọn ngày này xuất phát từ bối cảnh nông nghiệp của Mỹ thế kỷ 19. Trong những năm 1800, hầu hết công dân Mỹ là nông dân và sống xa nơi bỏ phiếu.
Họ thường phải mất ít nhất một ngày để đến điểm bầu cử nên các nhà lập pháp cần phải tạo ra khoảng trống hai ngày để người dân di chuyển.
Tổ chức vào dịp cuối tuần là bất hợp lý vì hầu hết mọi người đi nhà thờ vào chủ nhật, còn thứ 4 là ngày họp chợ của nông dân. Vì vậy, thứ ba là ngày thuận tiện nhất trong tuần để tổ chức bầu cử.
Tháng 11 được chọn vì đây là tháng nông nhàn. Nếu tổ chức vào mùa xuân và đầu mùa hè, cuộc bầu cử sẽ trùng với mùa gieo hạt.
Vào cuối mùa hè và đầu mùa thu thì cuộc bầu cử sẽ trùng với mùa thu hoạch. Vì vậy, tháng 11 - thời điểm cuối thu sau khi nông dân đã thu hoạch xong và trước khi đón mùa đông khắc nghiệt là lựa chọn tốt nhất.
Họ chọn ngày thứ ba sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11 để tránh cuộc bầu cử rơi vào ngày 1/11, trùng vào ngày Lễ các Thánh và ngày mà các thương lái tổng kết doanh thu, công việc từ tháng trước.
Tuy nhiên, nghị sĩ Steve Israel năm 2009 cho rằng cần thay đổi ngày này để phù hợp với bối cảnh hiện đại. Theo ông, việc tổ chức bầu cử vào ngày làm việc khiến cho số người đi bầu thấp đi.
Ông từng trình một dự luật để chuyển ngày bầu cử sang cuối tuần, nhưng nó không được thông qua với lý do về hậu cần như khó khăn trong việc đảm bảo thiết bị và thuê nhân viên vào cuối tuần.
Ngày bầu cử là ngày nghỉ lễ tại một số bang như Delaware, Hawaii, Kentucky. Một số bang khác quy định người lao động được phép nghỉ làm để đi bầu mà vẫn được trả lương.
Một số chính trị gia, như Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đã vận động để ngày bầu cử được trở thành ngày nghỉ lễ liên bang, tuy nhiên điều này chưa thành hiện thực.
Cuộc bầu cử năm nay diễn ra vào ngày 3/11 và nó đặc biệt hơn các năm trước vì diễn ra trong đại dịch Covid-19.
Dữ liệu của Dự án Bầu cử Mỹ ngày 6/10 cho thấy số người bỏ phiếu sớm năm nay đã vượt mốc 4 triệu, cao hơn 50 lần so với 75.000 người vào cùng thời điểm năm 2016. Sự thay đổi này là do nhiều bang áp dụng rộng rãi phương thức bỏ phiếu sớm qua thư nhằm đảm bảo an toàn.
Những con số trên được thống kê từ 31 bang và sẽ còn tăng nhanh khi nhiều bang bắt đầu bỏ phiếu sớm và báo cáo tổng lượng phiếu bầu vắng mặt trong vài tuần tới. Khoảng 5 bang cho phép bỏ phiếu sớm trực tiếp.
Số người bỏ phiếu sớm cao kỷ lục khiến Michael McDonald, chuyên gia tại đại học Florida, dự đoán cuộc bầu cử 2020 sẽ thu hút khoảng 150 triệu người đi bỏ phiếu, mức cao chưa từng thấy, chiếm 65% tổng số cử tri hợp lệ - tỷ lệ cao nhất từ năm 1908.
"Chúng tôi chưa bao giờ thấy nhiều người bỏ phiếu sớm như thế trước một cuộc bầu cử", McDonald nói. "Chúng tôi biết nhiều người đã quyết định từ lâu và có đánh giá về Tổng thống Trump".