Thực tế, việc chuyển nhượng hàng loạt dự án điện mặt trời từ tay các doanh nghiệp trong nước sang nhà đầu tư nước ngoài đã diễn ra mạnh mẽ trong 2 năm trở lại đây. Hình thức chuyển nhượng chủ yếu thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần.
Thực tế, việc chuyển nhượng hàng loạt dự án điện mặt trời từ tay các doanh nghiệp trong nước sang nhà đầu tư nước ngoài đã diễn ra mạnh mẽ trong 2 năm trở lại đây.
Thông qua hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần với doanh nghiệp Việt Nam, nhiều tập đoàn nước ngoài đã gián tiếp đi đương vòng nắm sở hữu chi phối hoặc trọn vẹn hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió, trong đó có những dự án quy mô lớn và được hưởng mức giá ưu đãi khoảng 2.000 đồng một kWh trong vòng 20 năm.
Mới đây nhất là thương vụ mua lại cổ phần của 2 nhà máy điện mặt trời TTC 1 và TTC 2 tại tỉnh Tây Ninh do Tập đoàn Thành Thành Công và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) hợp tác đầu tư, vận hành từ giữa năm 2019. Sau thương vụ, Gulf nắm giữ 90% cổ phần tại 2 nhà máy này.
Trước đó, năm 2018, một công ty năng lượng khác của Thái Lan là Super Energy Corporation cũng đã mua một loạt dự án điện mặt trời tại các tỉnh Ninh Thuận, An Giang. Ngoài Thái Lan, nhiều nhà đầu tư đến từ Singapore, Trung Quốc, Philippines... hiện đã sở hữu hàng chục nhà máy điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam.
Công thức chung để các nhà đầu tư ngoại thâu tóm các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam là doanh nghiệp trong nước đầu tư dự án và sau đó bán lại cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, hoặc nếu có tham gia từ đầu thì nhà đầu tư ngoại liên doanh góp vốn cùng doanh nghiệp trong nước, sau đó mua lại toàn bộ cổ phần để toàn quyền,quản lý và vận hành dự án.
Ðánh giá về xu hướng trên, Bộ Công thương cho rằng, đây là điều bình thường trong cơ chế thị trường. Theo cơ quan này, việc chuyển nhượng dự án đều được quy định trong Luật Ðầu tư, đáp ứng đầy đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư thuộc ngành nghề có điều kiện.
“Thông thường, các dự án điện than, điện khí đầu tư theo hình thức BOT, hay các dự án điện khí đang đề nghị đầu tư, thường yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ trong triển khai dự án. Nhưng hiện nay, các dự án điện mặt trời, điện gió đều không có yếu tố này. Trong bối cảnh hiện nay, việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện”, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Ðiện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương nói.
Theo ông Dũng, với kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý vận hành, nhất là tiềm lực về vốn, công nghệ…, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư và xã hội.
Các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới ít khi trực tiếp phát triển dự án để giảm thời gian, chi phí ở giai đoạn ban đầu như chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, xin phê duyệt của chính quyền, đối tác địa phương, trung ương...
Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước có sự hiểu biết về luật pháp trong nước, cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục..., nên thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, ở góc độ thận trọng, giới chuyên gia cho rằng, trào lưu chuyển nhượng vốn trong các dự án năng lượng tái tạo gần đây khó có thể nói là bình thường, có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn an ninh năng lượng quốc gia.
Liên quan vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc mua lại các dự án năng lượng tái tạo “một cách vô tư bình thường” nếu không được cảnh báo, giám sát chặt chẽ thì lâu dần có thể dẫn tới ngành năng lượng mặt trời trong nước bị thâu tóm, rơi vào tay nhà đầu tư ngoại, từ đó dẫn tới những hệ lụy khôn lường đối với an ninh năng lượng quốc gia, cũng như thị trường điện năng lượng tái tạo.
Còn theo ông Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thực tế trên cho thấy sự bất ổn trong quy hoạch, cũng như cấp phát đầu tư các dự án năng lượng mặt trời nói riêng, năng lượng tái tạo nói chung hiện nay.
“Cơ chế cấp phát dự án còn theo kiểu ‘xin - cho’ thì còn có đất diễn cho ‘cò’ dự án tìm cách chạy chọt để có được dự án, sau đó bán lại cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước hòng kiếm lời, trong khi những nhà đầu tư thực sự có năng lực muốn làm thật thì lại không có cơ hội tiếp cận. Ðể tăng tính hiệu quả trong đầu tư, cần giám sát chặt chẽ hơn hoạt động này”, ông Cung nhấn mạnh.