Thất nghiệp cao đang làm yếu sức mua của các nền kinh tế phương Tây.

Thất nghiệp cao đang làm yếu sức mua của các nền kinh tế phương Tây.

Lương thấp và thất nghiệp cao làm khó kinh tế toàn cầu

(ĐTCK) Nỗ lực để có tính cạnh tranh hơn đang đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái, trong khi điều tốt nhất mà các gói nới lỏng định lượng có thể làm là tạo ra một bong bóng khác.

Tại Mỹ, chiến lược cho sự phục hồi tăng trưởng dường như là nhắm tới tính cạnh tranh cao hơn. Có thể hiểu đó là việc hạ mức tiền lương của người lao động. Và nếu tiền lương ít đi, nền kinh tế có thể thu được nhiều hơn từ xuất khẩu, tổng thống Obama đã lập luận như thế và ứng viên Romney cũng biện luận như vậy. Vấn đề là: điều gì sẽ xảy ra nếu mọi nước đều hạ lương?

Thực tế, ở hầu hết các nền kinh tế phát triển, hiện tượng tiền lương bình quân ngày càng thấp hơn đã diễn ra trong 20 năm qua. Đó là cách mà các doanh nghiệp ứng phó với tất cả các cú sốc trong nền kinh tế. Mọi người đều nói rằng, thị trường lao động đang trở nên linh hoạt hơn. Và linh hoạt hơn có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, tiền lương cắt giảm nhiều hơn trong mối liên hệ với lợi nhuận và năng suất của doanh nghiệp. Đó là lý lẽ của Washington và của tất cả các định chế quốc tế. Nó dẫn đến một tình huống mà chúng ta đang trải qua, là nền kinh tế thế giới bị sa lầy, nhưng lại không có bất cứ công cụ chính sách nào thoả đáng để có thể giúp nó bứt ra.

Tình huống “éo le” này có thể được giải thích thông qua một ví dụ là nền kinh tế Mỹ, nơi mà mọi người thường nói về mức độ bất bình đẳng cao. Thất nghiệp nơi đây đã tăng vọt, nhưng không phải do mức tiền lương cao trước đó, mà do khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, giờ thì thất nghiệp cao lại gây áp lực lên tiền lương, theo cơ chế thị trường. Trong thị trường lao động, người làm công ăn lương không có gì để thương lượng, nên họ buộc phải chấp nhận tiền lương giảm nếu muốn có việc làm. Nếu tiền lương giảm, thu nhập sẽ giảm và nếu thu nhập giảm, tiêu dùng sẽ giảm. Nếu tiêu dùng giảm, đầu tư giảm, nền kinh tế sẽ không những khó thoát khỏi trì trệ mà có thể rơi sâu vào suy thoái. Vì vậy, đó rõ ràng là một vấn đề lớn của các nền kinh tế thị trường. Đó cũng là lý do tại sao tổng thống Mỹ và những người khác sẽ gặp phải khó khăn rất lớn khi muốn đưa nền kinh tế phục hồi. Và đó cũng là lý do tại sao chính sách tiền tệ đang được thực hiện theo kiểu “cố đấm ăn xôi” như hiện nay.

Cắt giảm tiền công làm tăng tính cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Mỹ, nhưng với một nền kinh tế chỉ có 10% GDP từ xuất khẩu, việc cắt giảm tiền công thực sự là “lợi bất cập hại”. Hơn nữa, không phải ai cũng có thể cải thiện tính cạnh tranh của mình trong thế giới này, bởi tính cạnh tranh là một cái niệm tương đối chứ không phải là tuyệt đối. Vì thế, mọi người đều có thể tăng năng suất, nhưng không phải ai cũng có thể tăng tính cạnh tranh.

Có một sự nhầm lẫn lớn ở khắp mọi nơi, chẳng hạn như tại châu Âu. Nơi đây, các nước đã cắt giảm 20% tiền lương bình quân, nhưng nền kinh tế của họ vẫn đang suy giảm. Ở các nước Nam Âu, xuất khẩu chiếm 25% GDP. Nhưng nếu bạn bỏ mặc 75% nền kinh tế để cứu vớt 25% khác thì đó là không phải là một lựa chọn khôn ngoan.

Ngoài ra, như đã nói, tính cạnh tranh chỉ là một khái niệm tương đối. Một khi bạn làm điều đó, người khác cũng có thể làm và khi đó, có thể bạn sẽ bị đẩy trở lại vạch xuất phát.

Lương giảm và thất nghiệp tăng khiến các hộ gia đình có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn để phòng bất trắc. Điều gì sẽ xảy ra với một nền kinh tế mà mọi người đều cố gắng tiết kiệm và chả ai chịu tiêu pha? Câu trả lời thật đơn giản: nền kinh tế đó sẽ suy thoái sau một thời gian rất ngắn.

Bắc Mỹ và châu Âu đang tiến hành các chính sách thắt lưng buộc bụng với hy vọng rằng tiêu dùng từ các nước đang phát triển sẽ hỗ trợ cho cầu trong nước đang sụt giảm. Tuy nhiên, Trung Quốc, hay thậm chí là cả Ấn Độ cũng đang khó khăn, không còn là động lực chính của kinh tế toàn cầu. Quan trọng hơn, tỷ trọng xuất khẩu vốn chỉ là một phần nhỏ trong GDP của Bắc Mỹ và châu Âu. Nên những nỗ lực cải thiện đó chỉ đóng góp phần nhỏ cho sự tăng trưởng.

Chính sách nới lỏng tiền tệ là thứ mà các nước đang cố làm để thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng may ra thì nó phát huy tác dụng, còn không thì chỉ thổi phồng lên một bong bóng khác. Bong bóng đó thoạt tiên tạo ra một ảo tưởng là mọi người có thể giàu lên. Nhưng bài học của nước Mỹ 10 năm trước vẫn còn nóng hổi.

Dù sao thì các nước cũng khó có thể làm gì khác, khi mà nợ công vốn đã cao ngất ngưởng rồi. Chỉ có thể hy vọng những bong bóng từ chính sách nới lỏng định lượng có thể giúp nhấc các nền kinh tế ra khỏi vũng lầy suy thoái. Rồi sau đó, nếu vỡ thì… tính tiếp.