Dòng tiền cá nhân chiếm hơn 90%
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như không ít kênh đầu tư bị ảnh hưởng nên thị trường chứng khoán tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân. Hiện tượng này diễn ra trên toàn thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam, bởi kênh đầu tư chứng khoán có tính thanh khoản cao và cơ hội kiếm lời nhanh, việc giao dịch không bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội.
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của cá nhân trong tháng 8/2021 cao hơn tháng 7, đạt trên 120.000, nâng tổng tài khoản mở mới trong 8 tháng đầu năm 2021 lên hơn 840.000, cao hơn cả số lượng tài khoản mở mới trong hai năm 2018 - 2019.
Trong tháng 8/2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng hơn 57.000 tỷ đồng, trong khi tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài bán ròng gần 31.000 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán HOSE và HNX, trong tháng 8/2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng hơn 57.000 tỷ đồng, trong khi tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đều bán mạnh với giá trị gần 31.000 tỷ đồng.
Xét tỷ trọng giao dịch, nhà đầu tư cá nhân chiếm trên 90% và mua ròng mạnh, tạo động lực cho thị trường tăng điểm và nhanh chóng hồi phục sau đợt điều chỉnh.
Bên cạnh dòng tiền thực, dòng tiền vay thông qua giao dịch ký quỹ (margin) cũng tăng cao, tình trạng margin tại một số công ty chứng khoán đang “căng cứng”.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank cho rằng, trong giai đoạn tới, nhà đầu tư cá nhân vẫn đóng vai trò chủ đạo. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, trong khi dòng tiền nhiều khả năng chưa rút ra ngay sau khi hết giãn cách xã hội để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, vì lo ngại dịch bệnh có thể có các đợt tái bùng phát trong tương lai.
Trong dài hạn, xu hướng dịch chuyển từ kênh tiền gửi tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản là tất yếu, phù hợp với xu hướng trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất so với các thế hệ nhà đầu tư trước đây không nằm ở chuyên môn hoặc đưa ra quan điểm độc lập, mà thể hiện ở tỷ suất và mức độ chi phối thị trường giữa các nhóm nhà đầu tư.
Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đã tăng lên quanh mức 90%, cao nhất trong những năm gần đây. Chính điều này làm suy yếu vai trò chi phối thị trường của các nhà đầu tư tổ chức trong nước và nước ngoài.
Theo đó, 2 khối nhà đầu tư này liên tục bán ròng, nhưng thị trường vẫn duy trì đà tăng điểm và hầu hết nhà đầu tư cá nhân đều có lãi, giúp nâng cao sự tự tin trong giao dịch.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh gần gấp đôi năm ngoái, trong khi năm ngoái họ đã có mức bán ròng cao hàng đầu kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động.
Nhìn lại giai đoạn tăng trưởng của VN-Index từ giữa năm 2020 đến nay, khối ngoại được bổ sung vốn từ một số quỹ ETF, nhất là Quỹ Fubon của Đài Loan, nhưng vẫn có xu hướng bán ròng.
Nhờ lực cầu mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước, cùng với lượng tài khoản cá nhân mở mới cao nhất lịch sử, lượng bán ra của khối ngoại đã được hấp thụ hết và mức độ tác động của khối ngoại ngày càng thấp, hiện chiếm chưa tới 10% tổng giá trị giao dịch.
Dòng vốn nội được nhìn nhận sẽ tiếp tục là lực đỡ chính của thị trường. Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giá trị giao dịch trung bình của dòng tiền nội đạt 92%, cho thấy thanh khoản thị trường phụ thuộc chủ yếu vào dòng tiền nội, phần lớn là của các nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Dòng vốn nước ngoài chưa có dấu hiệu quay trở lại nên diễn biến thị trường vẫn sẽ phụ thuộc vào dòng tiền của các nhà đầu tư nội.
Thận trọng với “hội, nhóm”
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, dòng tiền cá nhân sẽ tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất ở mức thấp và cơ hội đầu tư ở nhiều kênh khác không cao.
Các gói kích thích kinh tế, đặc biệt việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo thêm động lực cho thị trường trong thời gian tới. Vì vậy, dòng tiền có lý do để tiếp tục ở lại thị trường chứng khoán.
Với sự phát triển của công nghệ và kiến thức tài chính được trang bị tốt hơn, các nhà đầu tư mới sẽ chủ động, thích nghi nhanh khi tham gia thị trường. Ngoài ra, số lượng người có thu nhập cao ngày càng tăng kể từ năm 2016 đến nay, xu hướng đầu tư của nhóm này vào chứng khoán cũng tăng theo.
Xét về dòng tiền, chuyển động của thị trường trong hơn một năm qua cho thấy, nhà đầu tư cá nhân là lực đẩy giúp VN-Index có xu hướng tăng kéo dài, lập đỉnh lịch sử tại 1.420 điểm vào đầu tháng 7, gần đây dao động quanh 1.340 điểm.
Thanh khoản duy trì ở mức cao, đạt trên 20.000 tỷ đồng/phiên trên HOSE và vai trò chủ đạo vẫn là nhà đầu tư cá nhân. Vì dòng tiền nhà đầu tư cá nhân quan trọng nên quan điểm của nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò quan trọng hơn và không bị phụ thuộc vào các tổ chức như trước.
Tuy nhiên, với sự tham gia ồ ạt của lớp nhà đầu tư mới và sự bùng nổ của mạng xã hội, tâm lý nhà đầu tư cá nhân đôi khi mang tính “bầy đàn”, thể hiện ở những cổ phiếu được nhiều “hội, nhóm” đánh giá cao thường tăng nóng, dù dựa trên yếu tố thiếu cơ sở, hoặc bị thổi phồng.
Do đó, nhà đầu tư cá nhân tuy vững vàng và độc lập hơn, nhưng tư duy đầu tư bài bản dựa trên phân tích doanh nghiệp cần được cải thiện.
Bên cạnh đó, chất lượng các khóa đào tạo đầu tư, các nhóm trao đổi trên mạng về chứng khoán cần được cải thiện; hạn chế các hành vi sử dụng mạng xã hội để “phím hàng” nhằm kích giá, qua đó trục lợi.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng nhận xét, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân đang đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt thị trường.
Nhưng trong nhóm nhà đầu tư cá nhân có sự phân lớp, bên cạnh những nhà đầu tư kỳ cựu, hay những nhà đầu tư mới đã “trưởng thành” là một bộ phận nhà đầu tư tham gia thị trường theo cảm tính, chủ yếu dựa vào các hội, nhóm tư vấn trên mạng.
Các hội, nhóm này nở rộ và đa dạng hơn bao giờ hết, nhưng chất lượng và mục đích chưa được kiểm chứng. Có nhóm duy trì được uy tín lâu năm, nhưng có nhóm được lập ra nhằm “phím hàng”, dẫn dắt nhà đầu tư với nhiều động cơ khác nhau.