Lượng dầu tích trữ trong đại dịch Covid-19 gần như đã tiêu thụ hết

Lượng dầu tích trữ trong đại dịch Covid-19 gần như đã tiêu thụ hết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tình trạng dư thừa dầu chưa từng có trong kho dự trữ dầu vào thời điểm đại dịch Covid-19 gần như không còn, điều này đang tạo cơ sở cho sự phục hồi giá dầu để giải cứu các nhà sản xuất nhưng không phải là điều mà người tiêu dùng ưa thích.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tính đến tháng 2/2021, chỉ 20% lượng dầu còn thặng dư trong kho chứa của các nền kinh tế phát triển khi nhu cầu dầu giảm vào năm ngoái vẫn còn.

Tuy nhiên, những lượng dầu dư thừa còn lại cũng nhanh chóng tiêu thụ gần hết khi nguồn cung tích trữ trên biển giảm mạnh và một kho hàng chính ở Nam Phi đang cạn kiệt.

Tình trạng tái cân bằng này diễn ra khi OPEC+ duy trì cắt giảm sản lượng và sự phục hồi kinh tế dự kiến ​​sẽ kích thích nhu cầu nhiên liệu toàn cầu. Giá dầu Brent đang giao dịch ở mức gần 67 USD/thùng, một lợi ích cho các nhà sản xuất, nhưng lại là mối lo ngày càng tăng đối với những người lái xe và các chính phủ đang cảnh giác với lạm phát.

Ed Morse, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Citigroup cho biết: “Tồn kho dầu thương mại trên toàn OECD đã giảm xuống mức trung bình 5 năm. Phần còn lại của thặng dư hầu như tập trung hoàn toàn ở Trung Quốc khi nước này đã và đang xây dựng chiến lược dự trữ xăng dầu”.

Tuy nhiên, quá trình tiêu thụ hết lượng dầu dư thừa này vẫn chưa hoàn tất. Một lượng dầu dư thừa đáng kể vẫn còn ở ngoài khơi tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, mặc dù lượng dầu này có thể được tích lũy để cung cấp cho các nhà máy lọc dầu mới, theo các nhà tư vấn IHS Markit.

Theo đó, việc giải quyết phần còn lại của lượng dầu dư thừa toàn cầu có thể mất thêm thời gian vì OPEC+ sẽ tăng sản lượng trong tháng tới và các đợt bùng phát virus mới ở Ấn Độ và Brazil đe dọa nhu cầu.

IEA ước tính dự trữ tồn kho dầu qua các tháng tới

IEA ước tính dự trữ tồn kho dầu qua các tháng tới

Theo ước tính của IEA, tồn kho dầu ở các nền kinh tế phát triển chỉ cao hơn 57 triệu thùng so với mức tồn kho trung bình giai đoạn 2015 - 2019 vào tháng 2, giảm so với mức đỉnh 249 triệu thùng vào tháng 7/2020.

Sự sụt giảm của kho dự trữ dầu

Tại Mỹ, lượng hàng tồn kho đã sụt giảm một cách hiệu quả. Theo IEA, tổng dự trữ dầu thô và các sản phẩm từ dầu đã giảm vào cuối tháng 2/20021 xuống còn 1,28 tỷ thùng - mức trước khi đại dịch bùng phát và đang tiếp tục dao động ở mức đó. Tuần trước, kho dự trữ ở Bờ Đông nước Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất 30 năm.

Mercedes McKay, nhà phân tích cấp cao của FGE cho biết: “Chúng tôi đang bắt đầu thấy các hoạt động của nhà máy lọc dầu ở Mỹ và điều này sẽ tốt cho việc làm giảm dự trữ dầu thô tiềm năng”.

Thặng dư dầu mỏ từ các vùng biển trên thế giới cũng đang giảm dần. Theo IHS Markit, tình trạng các con tàu bị biến thành kho nổi tạm bợ khi các phương tiện trên bờ ngày càng khan hiếm vào năm ngoái hiện đã không còn và lượng dầu tồn kho trên các tàu chở dầu cũng đang giảm xuống.

Các nhà phân tích của IHS Yen Ling Song và Fotios Katsoulas ước tính rằng số lượng dầu dự trữ trên các tàu chở dầu đã giảm khoảng 27% trong hai tuần qua xuống còn 50,7 triệu thùng, mức thấp nhất trong một năm.

Mặt khác, đối với các quốc gia tiêu thụ, việc giảm tồn kho lớn không phải là điều may mắn. Các tài xế ở California đã tính toán với việc trả gần 4 USD cho một gallon xăng. Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ hai thế giới đã phàn nàn về ảnh hưởng tài chính khi giá cả phục hồi.

Theo dự đoán của Citigroup, khi nhu cầu tiếp tục tăng lên, tồn kho toàn cầu sẽ giảm với tốc độ 2,2 triệu thùng/ngày và đẩy giá dầu Brent lên 74 USD/thùng hoặc thậm chí cao hơn.

“Doanh số bán xăng đang giảm mạnh ở Mỹ. Nhu cầu trên tất cả các sản phẩm sẽ đạt mức kỷ lục trong quý thứ ba khi được thúc đẩy bởi nhu cầu đối với nhiên liệu vận tải và nguồn cung cấp cho các sản phẩm hóa dầu”, chiến lược gia Ed Morse cho biết.

Tin bài liên quan