Bài 1: PHẢN ỨNG KẾT QUẢ CHẤM THẦU
Gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị phòng mổ, hồi sức cấp cứu thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang được đóng/mở thầu ngày 10/6/2019. Sau hơn 4 tháng chấm thầu, bên mời thầu là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Cũng chính lúc này, một liên danh ứng thầu thua cuộc khiếu nại đi các nơi.
Lý lẽ của ứng thầu thua cuộc
Theo Quyết định số 349/QĐ-BQL của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang, phê duyệt Danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, thì liên danh nhà thầu Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thanh Phương - Công ty TNHH Dược phẩm, trang thiết bị y tế T.D - Công ty cổ phần Armephaco là nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
Có 2 nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật là: Liên danh IMED - NSJ - Sinh Trí - HB - Vĩnh Khang (vì một thành viên trong liên danh này không đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời thầu về doanh thu bình quân trong 3 năm 2016, 2017, 2018) và Liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Thương mại kỹ thuật Việt Nam - Công ty cổ phần Thiết bị hoá chất Thăng Long - Công ty cổ phần Thiết bị công nghệ y tế Việt (vì nhiều thiết bị không đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời thầu nêu).
Vừa công bố kết quả chấm thầu kỹ thuật, bên mời thầu đã bị kiến nghị xem xét lại kết quả đánh giá kỹ thuật từ một ứng thầu thua cuộc.
Cụ thể, Liên danh Công ty Thương mại kỹ thuật Việt Nam - Công ty Thiết bị hoá chất Thăng Long - Công ty Thiết bị công nghệ y tế Việt nhiều lần gửi văn bản kiến nghị tới các cơ quan hữu trách của tỉnh Kiên Giang vì cho rằng, bên mời thầu “đã không làm đúng theo các tiêu chí đánh giá về kỹ thuật của hồ sơ mời thầu và vi phạm Luật Đấu thầu”. Liên danh này cũng khẳng định, không chấp nhận kết quả thiếu công bằng, thiếu minh bạch và đề nghị chủ đầu tư xem xét, giám định công khai.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, tới nay, liên danh nhà thầu nói trên gửi 2 văn bản kiến nghị và 1 văn bản khiếu nại tới UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang. Trong các kiến nghị, liên danh nhà thầu này khẳng định, hàng hóa chào thầu của họ hoàn toàn đáp ứng yêu cầu, thậm chí có đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ cao hơn yêu cầu trong hồ sơ mời thầu.
Liên danh nhà thầu này cũng cho rằng, một số thông số về kích thước có chỉ số không đạt giá trị tuyệt đối theo hồ sơ mời thầu không ảnh hưởng đến tính năng sử dụng và công nghệ của sản phẩm. Sau khi so sánh các thông số giữa yêu cầu trong hồ sơ mời thầu và hàng hoá dự thầu của 8 loại thiết bị y tế, liên danh nhà thầu này cho rằng, các thông số mang tính chất chỉ định sản phẩm độc quyền.
Nội dung nữa liên danh nhà thầu “tố” bên mời thầu liên quan tới việc “tự ý mở rộng” cấu hình. Liên danh nhà thầu này đề nghị làm rõ 42/86 thiết bị, song chủ đầu tư quyết định theo hướng mở rộng cấu hình thông số kỹ thuật đối với 44/86 thiết bị. Đáng quan ngại ở việc điều chỉnh thiết bị số 52 (bơm tiêm PCA/TCI) ngoài phạm vi kiến nghị của nhà thầu. Việc mở rộng này không giải quyết việc mua sản phẩm đáp ứng yêu cầu sản phẩm tiên tiến, tích hợp được tối đa với thiết bị sử dụng. Sau khi điều chỉnh làm giảm đặc tính, tính năng kỹ thuật thấp hơn và là cấu hình của 2 thiết bị độc lập chứ không còn là 1 thiết bị.
Theo nhà thầu, điều đáng quan ngại là thiết bị chính hoàn toàn không đạt yêu cầu kỹ thuật của hồ sơ mời thầu, trong khi thiết bị phụ mở rộng sử dụng công nghệ gây mê thủ công. Do vậy, việc vận hành thiết bị sẽ phức tạp cho người dùng và bệnh nhân vì phải sử dụng tính năng và công nghệ của 2 thiết bị ghép lại.
Cũng trong đơn kiến nghị, sau khi liệt kê thêm 6 loại thiết bị nữa có thông số kỹ thuật có tính chỉ định, liên danh nhà thầu này khẳng định, việc họ bị loại ngay vòng kỹ thuật là không làm đúng theo tiêu chí kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu và vi phạm Luật Đấu thầu.
“Chấm thầu đúng quy định”
Đó là khẳng định của ông Trần Ngọc Tính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang trong buổi làm việc với phóng viên Báo Đầu tư.
Ông Tính chia sẻ, Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang là dự án trọng điểm của địa phương, có ý nghĩa nhân văn, tạo bước đột phá giúp nâng cao điều kiện khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Khi dự án hoàn thành sẽ cung cấp dịch vụ y tế kỹ thuật cao, đồng thời giảm bớt việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang, Sở Y tế (chủ đầu tư), đơn vị tư vấn đấu thầu và các đơn vị hữu trách rất quan tâm đến các khâu chuẩn bị đầu tư, đặc biệt khâu lựa chọn nhà thầu, nhất là các gói thầu thiết bị y tế.
“Quan điểm của chúng tôi là dự án phải được triển khai đúng tiến độ với chất lượng tốt nhất và sớm đi vào vận hành phục vụ nhân dân. Do vậy, việc lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo làm đúng quy định pháp luật để chọn được nhà thầu có năng lực thực thụ, thiết bị y tế có tính năng tân tiến”, ông Tính nói.
Cũng theo ông Tính, gói thầu cung cấp lắt đặt thiết bị phòng mổ, hồi sức cấp cứu thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang là gói thầu quan trọng, giá trị lớn. Tiến trình lựa chọn nhà thầu được thực hiện rất thận trọng nhằm đảm bảo mục tiêu mua sắm thiết bị chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng và đúng tiến độ. Sự chặt chẽ và thận trọng trong chấm thầu được thể hiện qua thời gian thực hiện khâu này kéo dài tới hơn 4 tháng (từ ngày 10/6/2019 đến 15/10/2019).
“Tới thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định, khâu lựa chọn nhà thầu gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị phòng mổ, hồi sức cấp cứu thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang tuân thủ nghiêm túc các quy định. Việc chấm thầu diễn ra khách quan, chính xác, dựa trên các quy định của pháp luật đấu thầu, hồ sơ mời thầu và trên đề xuất trong hồ sơ dự thầu của các nhà thầu. Việc nhà thầu thua cuộc có kiến nghị là bình thường. Chúng tôi đã tiếp nhận kiến nghị và trả lời theo luật định”, ông Tính cho hay.
Trong văn bản số 1478/BQL-KHTH ngày 25/10/2019 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang, phúc đáp kiến nghị của liên danh nhà thầu đã nêu: “Cấu hình, thông số kỹ thuật thiết bị y tế của dự án được lập dựa trên khảo sát nhu cầu thực tế tại đơn vị sử dụng và trước khi đưa vào hồ sơ mời thầu đã được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định (Bộ Y tế), phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền”.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang cũng khẳng định, khâu lập hồ sơ mời thầu, bên mời thầu không đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, gây ra sự phân biệt đối xử…
Việc điều chỉnh hồ sơ mời thầu đều được Hội đồng Chuyên môn (Sở Y tế) và Tổ giám sát (do UBND tỉnh thành lập) kiểm tra, đảm bảo đạt yêu cầu mới phê duyệt, phát hành hồ sơ. Hơn nữa, quá trình phát hành hồ sơ mời thầu, bên mời thầu đã ghi nhận các ý kiến làm rõ hồ sơ mời thầu, tiếp thu các kiến nghị điều chỉnh của nhà thầu, nhưng vẫn đảm bảo không hạ cấu hình thiết bị và nhu cầu sử dụng. Từ thời điểm điều chỉnh hồ sơ mời thầu lần cuối đến thời điểm mở thầu không có nhà thầu nào kiến nghị thêm liên quan đến cấu hình hồ sơ mời thầu.
Hiện gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị phòng mổ, hồi sức cấp cứu thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang đang chấm hồ sơ đề xuất tài chính. Bên mời thầu khẳng định, căn cứ đánh giá Liên danh Công ty Thương mại kỹ thuật Việt Nam - Công ty Thiết bị hoá chất Thăng Long - Công ty Thiết bị công nghệ y tế Việt không đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật là chính xác và sẵn sàng cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí. Báo Đầu tư tiếp tục thông tin khách quan tới bạn đọc về vụ việc này.
(Còn tiếp)