Lực kéo sắc xanh cho thị trường

Lực kéo sắc xanh cho thị trường

(ĐTCK) Các doanh nghiệp niêm yết đang rộ mùa công bố kết quả kinh doanh quý III.

Nhiều doanh nghiệp đã công bố sớm với những tin vui như VCS lợi nhuận 9 tháng vượt kế hoạch cả năm, công ty mẹ PVS lãi 352 tỷ đồng quý III; Dabaco lãi hợp nhất quý III hơn 73 tỷ đồng, tăng mạnh 70% so với cùng kỳ; Cảng Đoạn Xá (DXP) lãi gấp 3 cùng kỳ;  Nhựa Tiền Phong lợi nhuận quý III đạt 77 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái… Nhìn chung, những doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bất động sản, xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng có lợi thế khi nền kinh tế hồi phục và có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, cũng có những nhóm ngành đi lùi, đơn cử như chứng khoán.  Cụ thể, nhóm CTCK công bố kết quả kinh doanh quý III không mấy khả quan. Ngoài SSI và VND có lợi nhuận tăng lần lượt 10% và 6% so với cùng kỳ, hàng loạt doanh nghiệp khác như HSC, VCSC, BVS, FPTS, SHS... mặc dù vẫn có lợi nhuận ở mức dương, nhưng đều sụt giảm tương đối mạnh.

Lợi nhuận quý III của các CTCK sụt giảm chủ yếu do giá trị giao dịch toàn thị trường quý này giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến doanh thu của các CTCK giảm mạnh.

Do yếu tố khách quan, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp giảm, câu chuyện đó không có gì mới. Song điểm sáng của bức tranh lợi nhuận quý này là ở nhiều doanh nghiệp, dù chung những điểm khó khăn từ môi trường kinh doanh như tỷ giá biến động, cạnh tranh ngày một quyết liệt…vẫn có bước tăng trưởng mạnh. Thành công của họ đến từ sự sáng tạo và liên tục đổi mới.

Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT CTCP Vicostone (VCS) cho biết, mặc dù thị trường quốc tế tràn ngập các sản phẩm đá ốp lát nhân tạo của Trung Quốc với giá ngày một rẻ, song VCS vẫn tự tin tăng trưởng trong phân khúc của mình. VCS cũng phát triển 3 nhóm sản phẩm là thấp, trung và cao cấp, nhưng từ đầu năm đến nay, Công ty chuyển dịch mạnh và tập trung lớn cho dòng sản phẩm cao cấp.

Tỷ trọng doanh thu của Công ty đã có sự thay đổi đáng kể, nếu như trước đây, dòng sản phẩm thấp cấp chiếm đến 70% cơ cấu doanh thu thì nay giảm chỉ còn 30%. Bán được nhiều hàng cao cấp, biên lợi nhuận của doanh nghiệp do đó tăng mạnh. Kết quả, VCS chưa đạt kế hoạch doanh thu năm, nhưng đã vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Tạo ra những sản phẩm khác biệt mà đối thủ không thể làm được, marketing với chiến thuật mà đối thủ không dễ bắt chước…, đó là những cách làm đã đem lại thành công cho nhiều doanh nghiệp trên một thị trường đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt. 

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang phản ánh tỷ lệ thuận vào giá cổ phiếu trên sàn và thực sự đó là sự tăng trưởng bền vững nhất.

Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Đông - Tây (Quốc hội Mỹ), nhờ tham gia TPP, đến năm 2025, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng thêm 25,8%. Vậy có bao nhiêu doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ sự tăng trưởng này? Nâng cao hiệu quả kinh doanh một cách bền vững chẳng có con đường nào khác ngoài những cách thức vẫn được “nói nhiều” lâu nay là lựa chọn đầu tư và mở rộng đầu tư đúng hướng, ưu tiên các lĩnh vực đầu tư theo chiều sâu, có lợi thế cạnh tranh, coi trọng việc mở rộng thị trường ra bên ngoài trên cơ sở khai thác lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng lực quản trị và tư duy chiến lược của lãnh đạo các doanh nghiệp.

Tin bài liên quan