Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Lực đỡ thông tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, nhiều nhà đầu tư chú ý tới thông tin chỉ số bảo vệ nhà đầu tư tại Việt Nam được World Bank công bố bị hạ 8 bậc, từ mức 89/190 quốc gia năm 2019 xuống mức 97/190 năm 2020.

Bản báo cáo đánh giá mức độ bảo vệ nhà đầu tư được tổng hợp từ 3 chỉ số: mức độ công khai thông tin, trách nhiệm của thành viên HĐQT doanh nghiệp và mức độ dễ dàng mà cổ đông có thể kiện (khả năng cổ đông có thể kiện thành viên HĐQT và Ban điều hành khi quản lý sai trái).

Thực tế, trên TTCK Việt Nam, dù có những cải thiện nhất định nhưng hoạt động công bố thông tin của đa số doanh nghiệp niêm yết mới chỉ dừng ở mức tuân thủ các quy định pháp luật chứng khoán chứ chưa coi đây là một kênh giao tiếp hiệu quả với cổ đông hiện hữu và tiếp cận các cổ đông tiềm năng.

Vẫn có nhiều doanh nghiệp bị phê phán vì công bố thông tin kiểu “đánh úp” cổ đông, chất lượng thông tin, chất lượng các báo cáo thường niên sơ sài, không đầy đủ…

Trong hơn một năm TTCK bùng nổ, thông tin liên tục được đẩy ra mạnh mẽ. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, huy động vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch bán hàng, tái cấu trúc, tìm kiếm đối tác chiến lược…

Tuy nhiên, quan điểm thông tin theo kiểu “tốt khoe, xấu che” vẫn khá phổ biến và đó là lý do khiến nhiều nhà đầu tư dù “bơi” trong biển thông tin nhưng cũng khó xác nhận đâu là những nguồn thông tin chính thống và chính xác.

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ và các nền tảng mạng xã hội, nhà đầu tư có thể tiếp nhận thông tin từ rất nhiều nguồn và cùng với đó, các doanh nghiệp niêm yết cũng có thể tận dụng rất nhiều kênh để truyền tải thông tin ra thị trường.

Trước khi đưa ra quyết định, nhà đầu tư dù ít dù nhiều cũng đều tìm hiểu về mã chứng khoán mà mình định giao dịch thông qua hệ thống thông tin tài chính và các kênh thông tin hỗ trợ khác để có được góc nhìn, đánh giá về quy mô ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, trình độ, kỹ năng quản trị điều hành của nhà quản trị và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp…

Thực tế cho thấy khả năng tìm kiếm thông tin của nhà đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng của hoạt động đầu tư, nhưng khả năng gạn lọc thông tin và tìm đến những nguồn thông tin khả tín mới quyết định thành công trong dài hạn.

Với chức năng cầu nối thông tin, các cơ quan báo chí kinh tế, báo chí tài chính đã hỗ trợ và tham gia chuyển tải nhiều thông tin đa dạng ra thị trường.

Đó có thể là những thông tin tích cực về hoạt động của doanh nghiệp, thông tin lạc quan về chính sách, cơ chế điều hành của cơ quan quản lý thị trường; nhưng cũng có thể là những thông tin về góc khuất, về những điểm nghẽn cần khơi thông…

Dù là theo sắc thái nào, việc chủ động thông tin ra thị trường và công khai những giải pháp khắc phục nếu là vấn đề không tích cực vẫn là tâm thế được đánh giá cao.

Trong số báo ra đúng dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam tuần này, Báo Đầu tư Chứng khoán chọn chủ đề “Lực đỡ thông tin” nhằm khẳng định tầm quan trọng của thông tin, nhất là những thông tin chính thống trên thị trường, đồng thời một lần nữa xác định lại trách nhiệm của những người cầm bút đối với sự phát triển lành mạnh của TTCK và sự thành công của các nhà đầu tư chân chính.

Tin bài liên quan