Phố Wall có phiên hồi phục tốt sau chuỗi giảm tuần trước (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall có phiên hồi phục tốt sau chuỗi giảm tuần trước (Ảnh minh họa: AFP)

Lực cầu bắt đáy giúp phố Wall phục hồi, vàng, dầu tiếp tục giảm

(ĐTCK) Sau chuỗi giảm mạnh do ảnh hưởng của giá dầu và ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc, lực cầu bắt đáy đã được kích hoạt, giúp chứng khoán Âu, Mỹ phục hồi, trong khi giá vàng có phiên giảm thứ 3 liên tiếp và dầu thô xuống sát mốc 30 USD/thùng.

Việc chứng khoán Trung Quốc tạm thời ổn định trở lại và nhiều cổ phiếu bị giảm mạnh sau thời gian lao dốc của thị trường do ảnh hưởng của giá dầu thô giảm và bất ổn từ chứng khoán Trung Quốc, hoạt động mua bắt đáy đã được kích hoạt, giúp phố Wall phục hồi tốt trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 12/1, chỉ số Dow Jones tăng 117,65 điểm (+0,72%), lên 16.516,22 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,01 điểm (+0,78%), lên 1.938,68 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 47,93 điểm (+1,03%), lên 4.685,92 điểm.

Cũng giống phố Wall, chứng khoán châu Âu hồi phục khá tốt trong phiên thứ Ba nhờ kết quả kinh doanh của các nhà bán lẻ và một số công ty trong các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán châu Âu có thể mạnh hơn nữa nếu không có sự kìm hãm của nhóm cổ phiếu năng lượng do ảnh hưởng của giá dầu sụt giảm.

Kết thúc phiên 12/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 57,41 điểm (+0,98%), lên 5.929,24 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 160,36 điểm (+1,63%), lên 9.985,43 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 66,01 điểm (+1,53%), lên 4.378,75 điểm.

Trên thị trường châu Á, ngay khi giao dịch trở lại trong phiên đầu tuần mới (phiên thứ Hai nghỉ giao dịch), chứng khoán Nhật Bản đã sụt giảm mạnh hơn 2,7%, xuống mức thấp nhất gần 1 năm do ảnh hưởng của giá dầu thô. Chứng khoán Hồng Kông cũng tiếp tục giảm do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ, năng lượng, dù chứng khoán Trung Quốc đã tạm thời ổn định sau phiên bán tháo trước đó.

Kết thúc phiên 12/1, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản giảm 479 điểm (-2,71%), xuống 17.218,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 176,74 điểm (-0,89%), xuống 19.711,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,16 điểm (+0,2%), lên 3.022,86 điểm.

Trên thị trường vàng, lực bán chốt lời vẫn duy trì, trong khi chứng khoán hồi phục khiến giá kim loại quý này tiếp tục có phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong phiên thứ Ba. Ngoài ra, đồng USD tăng trở lại, cùng giá dầu tiếp tục giảm cũng gây áp lực lên giá vàng.

Kết thúc phiên 12/1, giá vàng giao ngay giảm 7,7 USD (-0,7%), xuống 1.086,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 giảm 11 USD (-1,0%), xuống 1.085,2 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh trong phiên thứ Ba, đánh dấu phiên giảm thứ 8 liên tiếp, xuống sát mốc 30 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá dầu thô đang nhận được thông tin tích cực để chấm dứt chuỗi 8 phiên giảm liên tiếp. Cụ thể, theo số liệu của Viện Năng lượng dầu khí Mỹ (API) công bố, kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước bất ngờ giảm 3,9 triệu thùng, dù kho xăng và sản phẩm chưng cất vẫn gia tăng.

Kết thúc phiên 12/1, giá dầu thô Mỹ giảm 0,97 USD/thùng (-3,09%), xuống 30,44 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,69 USD (-2,19%), xuống 30,86 USD/thùng.

Tin bài liên quan