Bất cập công tác quy hoạch
Vì thế, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, quy hoạch tại Việt Nam lập quá nhiều, nhưng không đồng bộ, thiếu sự liên kết, khớp nối và còn nhiều chồng lấn, mâu thuẫn. Bên cạnh đó, chất lượng và hiệu lực quy hoạch thấp, điều chỉnh bổ sung nhiều và không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện quy hoạch, dẫn đến quy hoạch kém hiệu quả, không khả thi.
Điển hình về sự mâu thuẫn quy hoạch ngành cả nước và quy hoạch tổng thể các tỉnh là Quy hoạch sân golf đến năm 2020. Theo đó, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xây dựng 4 sân golf với diện tích 461 ha tại Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, nhưng trong Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030, thì lại phê duyệt xây dựng sân golf rộng 244 ha.
Quy hoạch điều chỉnh nhiều thể hiện qua quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng. Theo Quyết định 108/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng về quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến 2010 và định hướng đến 2020, nhu cầu xi măng đến 2010 là 46,8 triệu tấn/năm và 66 dây chuyền xi măng. Nhưng đến 2010, cả nước đã có 108 dây chuyền xi măng, công suất thiết kế 65 triệu tấn/năm, năm 2011 dư thừa 7 triệu tấn xi măng. Thủ tướng đã phải ban hành Quyết định số 1488/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến 2030, theo đó nhu cầu xi măng đến năm 2020 là 95 triệu tấn/năm.
Bất cập của việc quy hoạch không gắn với nguồn lực thể hiện ở chỗ: theo quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cả giai đoạn 2011-2020 là khoảng 400 tỷ USD. Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2020, đầu tư kết cấu hạ tầng được phân bổ nguồn vốn ở mức 215 tỷ USD, mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch.
Luật Quy hoạch phải dẫn đường cho phát triển kinh tế
Theo dự thảo lần này, Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước; Tạo cơ chế thẩm định độc lập, tập trung, do một đầu mối chịu trách nhiệm; Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch; Coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm về quy hoạch.
Cho rằng, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch không gian và quy hoạch sử dụng đất còn mâu thuẫn, chồng lấn, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý, Dự thảo Luật Quy hoạch cần xác định rõ 3 loại quy hoạch này thành một hệ thống, sao cho không có chồng chéo và đảm bảo được chức năng dẫn đường cho phát triển bền vững.
Đối với vấn đề quy hoạch ngành, ông Nguyễn Hoàng Hà (Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đặt vấn đề, quy hoạch ngành là công cụ quản lý quan trọng của nhà nước đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, quy hoạch ngành nào cốt yếu là một câu hỏi lớn nhằm đảm bảo hài hòa được vai trò của nhà nước và vai trò của thị trường, vì vậy, ông Hà kiến nghị Chính phủ xây dựng một bộ tiêu chí để xác định ngành cốt yếu và đó là những ngành cần phải được quy hoạch. Sau khi lựa chọn được ngành cần quy hoạch, cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý thống nhất đối với hoạt động quy hoạch. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất và giải pháp quan trọng nhất, nhằm ngăn chặn tình trạng chồng chéo quy hoạch như hiện nay.
TS. Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng, tổ chức thực hiện quy hoạch cần đảm bảo 3 tiêu chí: rõ ràng về trách nhiệm giải trình; đồng bộ trong hợp tác các ngành, các cấp; hợp lý giữa chi phí và lợi ích. Do đó, cần thực hiphân cấp quản lý quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch theo 3 cấp là cấp quốc gia, cấp vùng và cấp địa phương.
Góp ý cho Tổ soạn thảo, PGS-TS Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu Định cư cho rằng, Luật Quy hoạch ra đời là cơ hội cho Việt Nam phát triển. Theo bà Thục, quan điểm cần làm sáng tỏ là, “quy hoạch phải tạo mọi điều kiện cho cuộc sống phát triển theo kinh tế thị trường là chủ đạo”. Tức là, công tác quy hoạch phải thúc đẩy kinh tế thị trường và trao quyền cho tất cả, một cách bình đẳng, minh bạch.