TS. Phạm Sỹ Liêm
Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng, cũng như tính cấp thiết của Luật Quy hoạch, thưa ông?
Trước hết, quy hoạch là quá trình nhận dạng các mục tiêu cần đạt tới, xác định chiến lược để đạt mục tiêu, xây dựng các biện pháp, chỉ ra các nguồn lực cần huy động để thực hiện mục tiêu và tổ chức, chỉ đạo, giám sát tất cả mọi giai đoạn thực hiện. Khi quy hoạch được vận dụng trong công tác quản lý nhà nước được gọi là “quy hoạch công” và cần được điều chỉnh bằng luật pháp. Luật Quy hoạch được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu này.
Mặt khác, một vấn đề đặt ra là chúng ta đang nỗ lực trong công cuộc đổi mới lần thứ 2, nhằm đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, hiện có những dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng chững lại, các động lực và dư địa phát triển đang thu hẹp dần. Do đó, rất cần có sự đổi mới về chính sách, thể chế, trong đó có các chính sách về quy hoạch theo hướng đồng bộ, tổng thể để tạo đòn bẩy cho tăng trưởng.
Hiện vẫn còn những băn khoăn xung quanh yêu cầu đổi mới công tác quy hoạch, ông nhìn nhận thế nào về điều này?
Trên thực tế vẫn còn tình trạng cái gì cũng cần phải quy hoạch như: sản xuất bao nhiêu mắc-ca, nuôi bao nhiêu cá, trồng bao nhiêu hecta lúa, sản xuất bao nhiêu gạo…? Đây là thói quen và cung cách điều hành theo cơ chế cũ: muốn chi phối, chỉ huy thị trường, điều hành theo cảm tính, cứ cái gì làm được là đưa vào quy hoạch mà không quan tâm đến nhu cầu thị trường…
Cần phải hiểu rằng, ngày nay, thị trường mới là yếu tố quyết định năng lực sản xuất. Một khi xác định xây dựng và điều hành theo tư duy Chính phủ kiến tạo, tức là phải tạo điều kiện cho thị trường hoạt động, chứ không thể “chỉ huy” như trước. Những sản phẩm do thị trường quyết định thì chính quyền không được quyết định quy hoạch. Tuy nhiên, vì quyền đó động chạm đến việc “xin-cho” của một số cơ quan nhà nước, nên họ không ủng hộ quan điểm đổi mới, đó cũng là điều dễ hiểu.
Cho đến gần đây, khi Dự thảo Luật Quy hoạch được Chính phủ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Xây dựng vẫn cho rằng, Dự thảo Luật “bỏ qua” quy hoạch xây dựng là thiếu sót, theo ông điều này có hợp lý?
Theo Bộ Xây dựng, quy hoạch xây dựng có tính đặc thù cao, do đồ án quy hoạch xây dựng gồm các báo cáo thuyết minh, hệ thống bản đồ, bản vẽ với các tỷ lệ khác nhau.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, quy hoạch xây dựng không phải là đặc thù, mà thuộc về nghiệp vụ quy hoạch. Luật Quy hoạch được ban hành sắp tới là một luật khung, không cần quy định về mặt nghiệp vụ và giao cho Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này.
Thêm nữa, Bộ Xây dựng đề cập đến kết quy hoạch xây dựng là vì Luật Xây dựng. Thế nhưng, đó chỉ là số lượng quy hoạch đã lập, chứ chưa phải là hiệu lực và hiệu quả của các quy hoạch đó. Trong khi thực tế, các đại biểu Quốc hội, báo giới và người dân vẫn lên tiếng về quy hoạch treo, về việc băm nát quy hoạch đô thị, nhà siêu mỏng, siêu méo, cao ốc gây tắc nghẽn giao thông đô thị…
Về tổng thể, tôi thấy đề xuất của Bộ Xây dựng chưa dựa trên sự nghiên cứu thấu đáo Dự thảo Luật Quy hoạch và tham khảo rộng rãi kinh nghiệm quốc tế, nên không khả thi. Mặt khác, các quy định tại Chương Quy hoạch xây dựng trong Luật Xây dựng chưa thể hiện được vai trò luật khung, nên việc quy hoạch xây dựng, cũng như thời hạn quy hoạch chưa được quy định một cách cụ thể, đồng thời cũng không chi phối quy hoạch ngành, nên số lượng quy hoạch ngành vô cùng lớn, tốn nhiều chi phí mà không đem lại hiệu quả đáng kể.
Theo tôi, vai trò của Chương Quy hoạch xây dựng trong Luật Xây dựng đã hết, do đó nên được loại bỏ khi Luật Quy hoạch được ban hành.
Dự thảo Luật Quy hoạch đã và đang được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới đây, ông đánh giá thế nào về tổng thể Dự thảo Luật?
Tôi cho rằng, về nội dung cũng như hình thức, Dự thảo đã thể hiện đầy đủ vai trò của một luật khung, đang rất cần cho việc phát triển lĩnh vực quy hoạch công của nước ta, mà việc ban hành sẽ giúp khắc phục tình trạng rối rắm, chồng chéo, chi phí tốn kém, ít hiệu quả trong các hoạt động quy hoạch hiện nay. Tuy nhiên, do tính chất mới mẻ của Luật nên trong quá trình thi hành, có thể phát sinh những điểm chưa phù hợp và cần điều chỉnh. Đây là điều không mong muốn, nhưng nếu xảy ra thì cũng có thể hiểu được.
Có thể thấy rằng, sau khi Luật Quy hoạch được ban hành, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đưa Luật vào cuộc sống. Do đó, tôi mong Quốc hội sớm thông qua để mở đường cho việc thực hiện đổi mới sắp tới. Thời gian để thực hiện cải cách là vô cùng quý báu, tôi mong Luật được hoàn chỉnh thật tốt và kịp thời, bởi chậm ngày nào thì ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước ngày đó.