Luật hóa Nghị quyết xử lý nợ xấu: Sẽ đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
Hiện Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các bộ, ngành xem xét, nghiên cứu việc luật hóa các quy định trong Nghị quyết 42/2017/NQ-QH đưa vào Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh

Phát biểu tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2020: “Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách” sáng nay (30/9), Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, Nghị quyết 42 sau khi ra đời đã giúp xử lý nợ xấu chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản đảm bảo của một số tổ chức tín dụng còn khó khăn trong trường hợp tài sản bảo đảm cho các khoản nợ bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.

Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết số 42, thực hiện quyền áp dụng thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế khi xử lý tài sản đảm bảo và nộp án phí theo bản án, quyết định của tòa án các cấp…

Từ thực tiễn hoạt động, ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), cho hay, từ khi Nghị quyết 42 được ban hành đến nay, VietinBank đã xử lý thu hồi hơn 28.000 tỷ đồng nợ xấu được xác định là nợ xấu theo Nghị quyết 42. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42 vẫn còn nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, Nghị quyết chỉ có hiệu lực trong vòng 5 năm, ông Huân đề nghị NHNN sớm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện để đề xuất Quốc hội ban hành Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo NHNN cho hay, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan đề xuất chính phủ các giải pháp để giải quyết dứt điểm những khó khăn vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết 42. Đồng thời, sẽ xem xét, nghiên cứu việc luật hóa xử lý nợ xấu nhằm quy định cụ thể về việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm báo của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của VAMC và tạo động lực cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu đạt hiệu quả…

“Để triển khai thành công các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, đạt được các mục tiêu đề ra, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như hoạt động tiền tệ, ngân hàng, ngoài sự hỗ trợ của NHNN và các tổ chức tín dụng , VAMC, cần có sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành chính quyền địa phương, sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh kiến nghị.

Thông tin thêm về vấn đề luật hóa xử lý nợ xấu, ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, cho biết thêm, trong quá trình tổng kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 42, đơn vị này nhận thấy những quy định phát huy tác dụng trong thực tế - định có tính chất tạo điều kiện, giải quyết khó khăn vướng mắc cho quá trình xử lý nợ. Hiện Chính phủ đã giao NHNN phối hợp với các bộ, ngành xem xét, nghiên cứu dự định sẽ luật hóa các quy định nói trên, đưa vào Luật các Tổ chức tín dụng.

Nếu điều này được hiện thực hóa, các bên liên quan đều sẽ thuận lợi hơn trong quá trình xử lý nợ xấu, giúp tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với trước đây.

Tin bài liên quan