Ngày 1/10 vừa qua, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tòa án nhân dân Tối cao đã phối hợp tổ chức hội thảo góp ý về dự thảo Luật Ðối thoại và hòa giải tại tòa án. Dự thảo bao gồm 4 chương và 29 điều.
Ông Tống Anh Hào, thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao nhìn nhận, phương thức đối thoại và hòa giải rút ngắn được thời gian giải quyết tranh chấp, tiết kiệm chi phí, nhân lực, thời gian, công sức và với sự đồng thuận của các bên liên quan, việc thi hành án cũng trở nên thuận lợi hơn.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc hòa giải, đối thoại xuất hiện ở cả trong tố tụng và ngoài tố tụng.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tòa án giải quyết trước khi thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng.
Vì vậy, dự án Luật Ðối thoại và hòa giải tại tòa án đang được xây dựng nhằm tạo cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại, không trùng lặp, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế pháp lý về hòa giải, đối thoại hiện có.
Cần rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, miễn thủ tục hòa giải
Theo dự thảo Luật, việc hòa giải, đối thoại theo quy định của luật này được thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Theo báo cáo của ngành tòa án, từ tháng 11/2018 đến tháng 9/2019, tức là sau 10 tháng triển khai, có 36.985 vụ việc hòa giải thành, đạt tỷ lệ 78,08%.
Trong đó, tỷ lệ án hôn nhân và gia đình đạt 86% (32.994 vụ việc), án dân sự đạt 47% (3.125 vụ việc), án kinh doanh thương mại đạt 39,43% (459 vụ việc), án hành chính đạt 33,07% (300 vụ), án lao động đạt 52,45% (107 vụ).
Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ án kinh doanh thương mại hòa giải thành công còn thấp so với số lượng vụ việc thực tế.
Câu hỏi đặt ra là, nếu hòa giải không thành, doanh nghiệp bắt đầu bước vào chu trình tố tụng thông thường thì có phải tiếp tục hòa giải bắt buộc trong tố tụng không?
Trong khi cộng thời gian hòa giải kéo dài từ 20-30 ngày đến khi vụ việc trải qua các cấp xét xử gồm sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, thi hành án…, thời gian giải quyết có thể lên 400 ngày (chưa kể thời gian chậm trễ, vi phạm thời hạn).
“Tiêu chí quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là thời gian và chi phí. Thời gian giải quyết càng lâu, chi phí càng cao, thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp càng khó khăn.
Việc đưa ra cơ chế hòa giải tại tòa án là bước đi tiếp theo nhằm cải cách tư pháp, giúp hệ thống tòa án trở nên thân thiện hơn, cũng như quyền tiếp cận công lý của người dân và doanh nghiệp được bảo đảm hơn.
Lý do bởi kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp sẽ ảnh hưởng đến chỉ số Thực hiện hợp đồng (Enforcing Contract), là chỉ số đánh giá năng lực kinh doanh của doanh nghiệp theo Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB).
Chỉ số này cũng có giá trị quan trọng trong việc đánh giá môi trường đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài. Do đó, dự thảo Luật cần tối ưu hóa thời gian giải quyết tranh chấp để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp”, hòa giải viên - luật sư Nguyễn Mạnh Dũng đặt vấn đề.
Cùng với bất cập về thời gian giải quyết tranh chấp, theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh), “phí chồng phí” cũng là yếu tố gây lo ngại khi dự thảo Luật chưa đưa ra cơ chế việc xử lý án phí phù hợp, bởi thực tế, trung tâm hòa giải tại tòa đã thu phí và khi chuyển sang tòa án thụ lý lại tiếp tục thu án phí xét xử.
Ðể giải quyết tình trạng trên, ông Dũng kiến nghị, cần bổ sung quy định về miễn thủ tục hòa giải do thẩm phán tiến hành với các tranh chấp đã được hòa giải, đối thoại trong giai đoạn tiền tố tụng.
Ðiều này phù hợp với nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận của các bên và đảm bảo rút ngắn thời gian tố tụng.
“Bên cạnh đó, để phòng tránh các bên có nghĩa vụ tẩu tán tài sản hoặc trốn tránh nghĩa vụ, bên khởi kiện có thể đồng thời nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng với đơn khởi kiện.
Do tính cấp bách của vụ việc mà hòa giải viên, đối thoại viên không có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì tòa án cần phải thụ lý hồ sơ để xem xét ngay mà không cần thiết phải qua thủ tục hòa giải, đối thoại”, ông Dũng góp ý thêm.
Ðồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Ðức Mạnh (Công ty Luật TNHH Bizlink) nhấn mạnh: “Nếu đương sự không đồng ý hòa giải, đối thoại ngay từ giai đoạn nộp đơn khởi kiện, thì tòa án cần ngay lập tức xem xét, giải quyết vụ việc theo quy định”.
Cần mở rộng đối tượng là hòa giải viên
Theo dự thảo Luật, hòa giải viên, đối thoại viên gồm thẩm phán, kiểm sát viên, những người giữ chức danh tư pháp khác; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm và những người hiểu biết sâu sắc về văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán, có ảnh hưởng và được tín nhiệm cao trong cộng đồng dân cư hoặc trong lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội.
Việc yêu cầu các luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có tối thiểu 10 năm kinh nghiệm như tại dự thảo Luật đã làm dấy lên tranh cãi trong cộng đồng chuyên gia.
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, nếu các tiêu chí bổ nhiệm hòa giải viên, đối thoại viên thiên về kinh nghiệm thì với tranh chấp kinh doanh thương mại là không cần thiết.
“Không giống như án hôn nhân gia đình với đương sự là thể nhân, thiếu hiểu biết pháp luật và ít có sự hỗ trợ pháp lý, doanh nghiệp thường có hỗ trợ của luật sư. Khi đó, sẽ xảy ra xung đột ý kiến giữa hòa giải và tư vấn của luật sư.
Vì mâu thuẫn lợi ích, có thể luật sư sẽ không khuyên khách hàng hòa giải. Bởi rõ ràng, doanh nghiệp không cần giải thích pháp luật, mà cần hỗ trợ để cho các bên đàm phán nhằm cân bằng lợi ích thương mại tài chính”, ông Dũng phân tích và đề xuất, dự thảo Luật cần quy định để doanh nghiệp có quyền được lựa chọn hòa giải viên.
Cũng cho rằng hòa giải viên, đối thoại viên phải là những người có kinh nghiệm nhất định, nhưng theo luật sư Trương Thanh Ðức (Chủ tịch Công ty Luật Basico), thời gian chỉ cần từ 3-5 năm, thay vì 10 năm như tại dự thảo Luật.
Ðó là chưa kể, theo luật pháp hiện tại, các chức danh như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc ngân hàng cũng chỉ cần từ 3-5 năm kinh nghiệm, thẩm phán từ 5 năm trở lên...
Ông Ðậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho rằng, việc đưa ra cơ chế hòa giải tại tòa án là bước đi tiếp theo nhằm cải cách tư pháp, giúp hệ thống tòa án trở nên thân thiện hơn, cũng như quyền tiếp cận công lý của người dân và doanh nghiệp được bảo đảm hơn.
Số liệu của Bộ Tư pháp cho thấy, đến nay có 5 trung tâm hòa giải thương mại được cơ quan này cấp phép thành lập, 3 trung tâm trọng tài được bổ sung chức năng hòa giải thương mại.
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, dự thảo Luật quy định thời gian hòa giải sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện. Điều này giúp các bên thoải mái khi tiến hành hòa giải, mà không phải lo ngại về vấn đề thời hiệu. Tuy nhiên, theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại thì các đương sự vẫn phải tự tính thời gian để tự loại rủi ro về thời hiệu cho mình. Do đó, cần thiết phải tạo ra cơ chế công bằng giữa các cơ chế hòa giải.
Mặt khác, Tòa án nhân dân Tối cao cần sớm có hướng dẫn chi tiết về việc dân sự theo Chương 33 - Luật Tố tụng dân sự 2015 về công nhận hòa giải thành ngoài tòa theo hướng đơn giản, ngắn gọn và bình đẳng giữa các chế định hoà giải khác như chế định hoà giải tại tòa mà dự luật này đang hướng tới.