Bước ngoặt lớn với PPP
Hôm qua (18/6), Luật PPP đã chính thức được Quốc hội thông qua. Như vậy, sau 10 năm chờ đợi, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 71/2020/QĐ-TTg ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, các quy định pháp luật về phương thức đầu tư này đã chính thức được luật hóa.
Điều này thậm chí còn có ý nghĩa hơn thế trong bối cảnh Covid-19 đang tác động nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu. Theo chuyên gia quốc tế về PPP Đoàn Giang, khi Covid-19 qua đi, việc thu hút đầu tư tư nhân sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Kinh tế khó khăn sẽ làm cho nhà đầu tư tư nhân cẩn trọng hơn khi ra quyết định đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào những thị trường mới nổi và chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện PPP như Việt Nam.
Theo phân tích của ông Đoàn Giang, để ứng phó với Covid-19, các nước đều phải dành một ngân khoản lớn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Thêm vào đó, tình hình tài khóa cũng sẽ gặp khó khăn hơn, do hụt thu vì hoạt động kinh tế bị đình trệ. Trong bối cảnh đó, thu hút được đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng là rất quan trọng. “Đầu tư vào kết cấu hạ tầng sẽ thúc đẩy kinh tế hậu Covid-19”, ông Đoàn Giang nói.
Trên thực tế, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Luật PPP được xây dựng cũng là để thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, khi thiết kế các điều khoản của Luật, Ban Soạn thảo đã quan tâm tới cả 3 yếu tố: chống thất thoát, chống lợi dụng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước; đảm bảo tính cạnh tranh, an toàn và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư; phải tiếp cận các thông lệ tốt của quốc tế.
Xuất phát từ quan điểm như vậy, nhiều điều khoản trong Luật PPP đã được các nhà đầu tư đánh giá cao. Chẳng hạn, các điều khoản về cơ chế chia sẻ phần tăng/giảm doanh thu giữa Nhà nước và doanh nghiệp; các cơ chế ưu đãi, đảm bảo đầu tư, đảm bảo cân đối ngoại tệ trong dự án PPP quan trọng; quy định về việc thực hiện kiểm toán nhà nước trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP…
Cụ thể, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm qua (18/6), sau đó đã được các đại biểu Quốc hội thông qua, thì cơ chế chia sẻ rủi ro sẽ được thực hiện khi biên độ tăng/giảm doanh thu ở mức 25%. Tỷ lệ chia sẻ rủi ro là 50 - 50%.
“Tỷ lệ 50 - 50% khi chia sẻ phần tăng/giảm doanh thu thể hiện đúng bản chất chia sẻ rủi ro, bảo đảm sự bình đẳng trong mối quan hệ chia sẻ giữa Nhà nước và tư nhân và bảo đảm minh bạch, rõ ràng hơn so với trường hợp thực hiện đàm phán, quy ra tỷ lệ chia sẻ doanh thu giữa các bên”, ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói.
Bên cạnh đó, Luật PPP cũng quy định rất rõ rằng, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tham gia dự án PPP; kiểm toán khi thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng/giảm doanh thu; kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi được chuyển giao cho Nhà nước. Luật không quy định cụ thể về nội dung kiểm toán là kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động hay kiểm toán tài chính.
Đây là một trong những nội dung nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng nhà đầu tư tư nhân, bao gồm cả nhà đầu tư tư nhân nước ngoài.
Trên thực tế, kể từ khi Việt Nam thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, kỳ vọng được đặt ra là thu hút được nhiều hơn khoản vốn đầu tư từ nhà đầu tư tư nhân nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, trong tổng số 336 dự án PPP mà các bộ, ngành, địa phương đã ký kết, thực hiện thời gian qua, gần như không có bóng dáng nhà đầu tư nước ngoài. Khi Luật PPP được ban hành, đã hé mở những hy vọng mới, rằng các điều khoản của Luật sẽ đủ sức hấp dẫn cả các nhà đầu tư nước ngoài.
“Các doanh nghiệp Nhật đang mong chờ luật này. Họ mong muốn được nhìn thấy sự ủng hộ chủ động hơn từ phía Chính phủ Việt Nam và cũng mong muốn Luật linh hoạt hơn để tạo điều kiện cần thiết cho các hoạt động kinh doanh tư nhân”, ông Toru Aguin, Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) nói.
Cú hích cho thu hút đầu tư tư nhân
Nếu Luật PPP là cú hích lớn cho đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng, thì Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang mở toang cánh cửa để hút vốn đầu tư tư nhân vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm cả việc phát triển một hệ thống doanh nghiệp quốc dân Việt Nam. Điều này vô cùng quan trọng và cần thiết, giúp kinh tế Việt Nam có thể nhanh chóng hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Thậm chí, Luật Đầu tư sửa đổi sẽ tạo cơ hội rất lớn để đón “đại bàng”, đón “phượng hoàng” đến làm tổ, trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc đang nóng lên từng ngày.
Có thể nói, Chính phủ Việt Nam đã có một hành động vô cùng quyết liệt và nhanh chóng, khi mà ngay trước thời điểm Luật Đầu tư sửa đổi được đưa ra thảo luận và trình Quốc hội thông qua, đã kịp thời đề xuất bổ sung các quy định về ưu đãi đặc biệt. Đây là điều cần thiết, khi các “đối thủ” của Việt Nam trong cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài, như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… đã rất nhanh chóng đưa ra các cơ chế, chính sách mới nhằm đón đầu làn sóng đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Cụ thể, Luật Đầu tư sửa đổi tuy không quy định mức trần của chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt tại khoản 3, Điều 20, mà chỉ quy định mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai, song đã kịp thời bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5, Điều 13 và bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1, Điều 14 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tại khoản 4, Điều 75 của Dự thảo Luật, tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động trong đàm phán, thu hút đầu tư.
Theo đó, khoản 5a, Điều 13 cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng thuế suất ưu đãi giảm không quá 50%, thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi không quá 1,5 lần so với thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi quy định tại khoản 1, Điều này và được kéo dài thêm không quá 15 năm và không vượt quá thời hạn của dự án đầu tư.
Trong khi đó, khoản 1a, Điều 14 quy định rằng, đối với các dự án đầu tư quy định tại khoản 2, Điều 20 của Luật Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng miễn thuế tối đa không quá 6 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 13 năm.
Điều đó có nghĩa, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng “đàm phán” và chấp nhận ưu đãi ở mức cao hơn đối với các “phượng hoàng”, “đại bàng”. Đây là điều mà nhiều tập đoàn đa quốc gia ngóng đợi từ lâu, khi Việt Nam bắt đầu xây dựng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới và đặc biệt là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50/NQ-TW về hợp tác đầu tư nước ngoài trong tình hình mới.
Không chỉ là các quy định này, theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Luật Đầu tư sửa đổi cũng có cách tiếp cận mới trong thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư. Đó là, bổ sung các nguyên tắc, điều kiện về ưu đãi, đảm bảo hiệu quả và chất lượng của ưu đãi mà Việt Nam đưa ra: ưu đãi có thời hạn, ưu đãi dựa theo kết quả thực hiện…
Tương tự, các ưu đãi đối với dự án lớn, dự án trong các lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực nghiên cứu và phát triển… cũng sẽ được thực hiện. Việc áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang biến đổi toàn cầu cũng đã được bổ sung.
Cùng với đó, là các quy định để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục hành chính, về đầu tư, đất đai, xây dựng…
Tương tự, các quy định trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cả trong và ngoài nước không chỉ trong giai đoạn gia nhập thị trường, mà còn trong suốt quá trình đầu tư, kinh doanh.
Vì thế, cả ba luật Đầu tư, Doanh nghiệp, PPP là cú hích quan trọng trong tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch và qua đó, giúp Việt Nam thu hút được nhiều hơn nguồn lực để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.
Loại hình thức BT ra khỏi Luật PPP, dừng thực hiện dự án BT kể từ ngày 15/8/2020
Một trong những nội dung gây nhiều tranh cãi tại Luật PPP là có nên áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) hay không. Quá trình thảo luận, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số ý kiến đã đề nghị không quy định loại hợp đồng BT trong Dự thảo Luật vì không đúng bản chất hợp tác công - tư.
Thậm chí, có ý kiến của đại biểu Quốc hội còn đề nghị dừng triển khai mới loại hợp đồng BT, vì cho rằng, thời gian qua, dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, dư luận không tốt, có tình trạng mua công trình giá đắt và đổi lại đất đai và tài sản công với giá rẻ, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định dự án áp dụng loại hợp đồng BT trong Dự thảo Luật.
Tuy vậy, khi tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định không quy định loại hợp đồng BT tại Dự thảo Luật PPP trình Quốc hội thông qua vào ngày hôm qua. Đồng thời, cũng đã quy định rõ tại khoản 5 và khoản 6, Điều 101 (Quy định chuyển tiếp) các trường hợp chuyển tiếp đối với dự án BT đã và đang triển khai thực hiện trước ngày Luật PPP có hiệu lực thi hành.
Cùng với đó, đã bổ sung điểm d, khoản 5, Điều 101 về việc dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT, bổ sung khoản 6, Điều 101 quy định: “Dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020”.