Không còn nỗi lo “con gà, quả trứng”
Một cách hồ hởi, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi Luật Đầu tư công sửa đổi được Quốc hội thông qua, với 90,7% số phiếu tán thành, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Ban soạn thảo, cho biết, thực thi Luật sửa đổi, sẽ giải quyết được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây - “con gà, quả trứng”, nghĩa là vốn có trước hay dự án có trước.
“Trước đây, muốn quyết định chủ trương đầu tư của một dự án, cần phải xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Tuy nhiên, muốn xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn phải căn cứ vào dự án. Như vậy là đã tạo một vòng lặp luẩn quẩn và không có giải pháp ‘lối ra’ để xử lý”, ông Phương nói.
Trên thực tế, đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều địa phương “phàn nàn” trong quá trình thực thi Luật Đầu tư công. Vì lẽ đó, Luật Đầu tư công sửa đổi đã đề xuất phương án phải có dự kiến kế hoạch nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước (tạm gọi là số kiểm tra), để từ đó, có căn cứ pháp lý về nguồn vốn để các bộ, cơ quan, địa phương triển khai các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong các phiên thảo luận tại Quốc hội về Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi cũng đã nhiều lần nhấn mạnh điều này. Theo Bộ trưởng, trước đây, việc quyết định đầu tư không dựa vào nguồn lực nên đã dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng, gây thất thoát, lãng phí. Khi Luật Đầu tư công, đặc biệt là Luật Đầu tư công sửa đổi ra đời, đã yêu cầu phải xác định trước được khả năng ngân sách và khả năng cân đối thì mới quyết định chủ trương đầu tư. Luật Đầu tư công sửa đổi còn “tiến” thêm một bước, đó là, làm rõ hơn nguồn vốn đó ở đâu, khả năng bao nhiêu rồi mới bắt đầu phân giao.
Không những thế, theo ông Trần Quốc Phương, còn nhiều điểm mới quan trọng khác trong Luật Đầu tư công sửa đổi, mà Quốc hội vừa thông qua. Chẳng hạn, Luật đã thống nhất được định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công. Theo đó, sẽ có hai loại vốn đầu tư công, là vốn ngân sách nhà nước và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.
“Đây là một thay đổi rất quan trọng, dẫn tới thay đổi các quy trình, trình tự, thủ tục về dự án và kế hoạch đầu tư công, giúp đơn giản hóa quy trình, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách nhà nước (trước đây có sự phân biệt giữa ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, công trái quốc gia, tín dụng đầu tư...)”, ông Phương nói.
Một điểm mới khác, đó là Luật đã sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trình tự, thủ tục, phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công. Trong đó, đáng chú ý là phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; xác định một số nhiệm vụ và loại dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư nhằm gỡ bỏ thủ tục mang tính hình thức, trùng lặp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công tác chuẩn bị dự án.
Bên cạnh đó, cũng phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, vừa đảm bảo thẩm quyền của các cơ quan Quốc hội, hội đồng nhân dân, vừa tăng tính chủ động, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, xử lý được những tình huống phức tạp như dự án sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp ngân sách khác nhau. Điển hình là hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A của địa phương sử dụng bất kỳ loại nguồn vốn nào (bao gồm cả hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương).
“Sửa đổi Luật Đầu tư công như vậy, với việc đơn giản hóa thủ tục, phân cấp mạnh mẽ, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình chuẩn bị dự án, góp phần quan trọng cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, vốn chậm trễ bao lâu nay”, ông Phương nhấn mạnh.
Phân định thẩm quyền
Một trong những nội dung được quan tâm tại Luật Đầu tư công sửa đổi đó chính là thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Khi báo cáo Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất hai phương án.
Với việc đơn giản hóa thủ tục, phân cấp mạnh sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình chuẩn bị Dự án, góp phần quan trọng cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Phương án 1, Quốc hội quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Phương án 2, Quốc hội chỉ quyết định danh mục các dự án quan trọng quốc gia. Chính phủ quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương.
Khi đưa ra thảo luận tại Quốc hội và thậm chí khi lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội về nội dung này, thì đã có một sự “giằng co” thấy rõ. Có đại biểu ủng hộ phương án 1, cũng có đại biểu ủng hộ phương án 2, không phương án nào đạt số phiếu quá bán. Vì vậy, khi đọc báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho giữ cơ bản như quy định của Luật Đầu tư công hiện nay; đồng thời chỉnh lý một số chi tiết để đảm bảo đồng bộ với Luật Ngân sách nhà nước.
Theo quy định tại Điều 60, 61, Luật Đầu tư công sửa đổi, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách từng địa phương; tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực, dự kiến mức phân bổ cho từng bộ, cơ quan trung ương và mức vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương; danh mục và mức vốn của các dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ sẽ giao kế hoạch đầu tư trung hạn tổng số vốn và cơ cấu vốn ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công, mức vốn cho nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và đối tượng đầu tư công khác nguồn vốn ngân sách trung ương.