Luật chơi mới, coi chừng “làm khó” công ty chứng khoán

Luật chơi mới, coi chừng “làm khó” công ty chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước những đề xuất chính sách mới đối với hoạt động của các công ty chứng khoán, ý kiến từ những người trong cuộc cho rằng, nhiều quy định chưa hợp lý, cần sửa đổi.

Không nên cấm CTCK bị xử phạt mở rộng hoạt động

Nhiều quy định mới tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, theo nhìn nhận của các công ty chứng khoán (CTCK) có tác động lớn đến hoạt động của họ, nhưng lại chưa hợp lý. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nên sửa đổi để không gây khó cho CTCK.

Một trong số đó là quy định về điều kiện thành lập, bổ sung nghiệp vụ chi nhánh CTCK, với ràng buộc CTCK không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm UBCK nhận được hồ sơ... Quy định cũng áp dụng tương tự với hoạt động chào bán sản phẩm tài chính của CTCK.

Ông Ðiêu Ngọc Tuấn, Giám đốc Pháp chế, Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) phân tích, vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm nhiều loại hành vi, với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, nên không phải vi phạm nào cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của CTCK.

Khi CTCK vi phạm hành chính thì bị áp dụng các chế tài (gồm cả hình phạt chính và phạt bổ sung) được quy định tại văn bản về xử phạt vi phạm hành chính.

Do đó, việc hạn chế thành lập, bổ sung nghiệp vụ chi nhánh CTCK trong vòng 6 tháng kể từ ngày bị xử phạt vi phạm hành chính là không hợp lý. Khi vi phạm hành chính thì CTCK đã bị xử phạt và phải khắc phục vi phạm, đảm bảo hoạt động của công ty theo đúng quy định pháp luật.

Do đó, sau khi khắc phục vi phạm thì pháp luật cần tạo điều kiện để công ty phát triển. Nếu vì từng có hành vi vi phạm mà không được mở rộng phát triển kinh doanh là không phù hợp với chủ trương của nhà nước về khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp.

“Bởi vậy, dự thảo Nghị định cần sửa thành: để đủ điều kiện thành lập, bổ sung nghiệp vụ chi nhánh thì CTCK phải không rơi vào tình trạng chưa thực hiện đầy đủ các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt hành vi vi phạm pháp luật chứng khoán...”, ông Tuấn đề xuất.

Một quy định khác cũng liên quan đến mở rộng phạm vi hoạt động của CTCK là địa điểm đặt văn phòng đại diện không nằm trong phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố nơi CTCK đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh. Lãnh đạo VNDirect cho rằng, cần bãi bỏ nội dung này vì nó mâu thuẫn với quy định tại Ðiều 44 và 45 của Luật Doanh nghiệp 2020.

Theo Khoản 1, Ðiều 45, Luật Doanh nghiệp thì “doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính.”

Hơn nữa, văn phòng đại diện có các chức năng, nhiệm vụ riêng đã được nêu rõ trong dự thảo Nghị định.

Do đó, việc thành lập văn phòng này tại đâu nên để CTCK tự quyết định, dựa trên nhu cầu về phát triển kinh doanh của mỗi công ty. Việc này phát sinh chi phí nên CTCK sẽ tự cân nhắc, quyết định.

Một hiện trạng gây lúng túng, quan ngại cho CTCK, được CTCK Maybank Kim Eng phản ánh, là dự thảo Nghị định không hướng dẫn về thủ tục CTCK đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh sau khi được UBCK phê duyệt, mặc dù Luật Chứng khoán 2019 yêu cầu CTCK phải đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp từ 1/1/2021.

Ðể khắc phục bất cập này, dự thảo cần quy định cụ thể việc CTCK đã hoàn tất các thủ tục cấp phép tại UBCK là đã có giá trị hiệu lực để hoạt động. Hiện chưa có bất kỳ quy định nào của cơ quan đăng ký kinh doanh về thủ tục đăng ký kinh doanh của CTCK và cũng không biết khi nào được ban hành.

Nếu cơ quan đăng ký kinh doanh không kịp ban hành văn bản hướng dẫn để áp dụng vào ngày 1/1/2021, CTCK sẽ không có đủ cơ sở pháp lý để hoạt động khi dựa vào giấy phép của UBCK cấp bổ sung, thay đổi mà chưa hoàn tất thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Gây vướng cho cung cấp dịch vụ

Một số nội dung mới tại dự thảo liên quan đến điều kiện cung cấp dịch vụ, theo ý kiến từ các CTCK là chưa phù hợp.

Về điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán, dự thảo yêu cầu CTCK phải đáp ứng tỷ lệ an toàn tài chính theo hướng: trích lập đầy đủ các khoản dự phòng theo quy định, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính năm gần nhất không quá 5 lần và tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 260% liên tục trong 12 tháng gần nhất trước tháng nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán.

Mặt khác, liên quan đến điều kiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán, ứng trước tiền bán chứng khoán, dự thảo quy định, CTCK được cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán, ứng trước tiền bán chứng khoán khi đáp ứng các điều kiện: không đang trong tình trạng cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản; tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần, vốn chủ sở hữu không thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu...

Ý kiến từ VND đề xuất, nên bỏ quy định về tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu, vì việc hạn chế tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 5 lần và 3 lần như dự thảo dẫn đến hạn chế hoạt động, cũng như khả năng phát triển của các CTCK.

Thực tế hoạt động kinh doanh của CTCK chịu sự quản lý về tỷ lệ vốn khả dụng (tối thiểu 180% theo quy định) nhằm hạn chế tỷ lệ đòn bẩy.

Do đó, việc quy định thêm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu dẫn đến sự chồng chéo. Mặt khác, các ngân hàng thương mại cũng chỉ bị quản lý về hệ số an toàn vốn (CAR), không có quy định về hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu.

Trong bối cảnh phí giao dịch giảm về 0 như hiện nay, hoạt động cho vay của các CTCK là nguồn thu chính và động lực cho sự phát triển của CTCK. Ngoài ra, khi tham khảo các CTCK trong khu vực, VND thấy không có hạn chế tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu.

Về điều kiện đăng ký dịch vụ phối hợp với các tổ chức tín dụng cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán, ứng trước tiền bán chứng khoán, dự thảo yêu cầu CTCK phải có hợp đồng nguyên tắc với tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động tại Việt Nam trong việc phối hợp cung cấp các dịch vụ này. Ý kiến từ CTCK đề nghị bỏ yêu cầu này.

Theo đó, nên cho phép CTCK đăng ký dịch vụ phối hợp với tổ chức tín dụng nói chung, chứ không gắn liền với một tổ chức cụ thể nào.

Trong quá trình hoạt động thì CTCK chủ động phối hợp với một hoặc nhiều tổ chức tín dụng khi đạt được thỏa thuận hợp tác.

Nếu quy định về hợp đồng nguyên tắc với tổ chức tín dụng, thì sẽ phát sinh các thủ tục liên quan đến thay đổi, bổ sung tổ chức tín dụng hợp tác.

Liên quan đến điều kiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán, ứng trước tiền bán chứng khoán, dự thảo quy định, UBCK chấp thuận đăng ký dịch vụ cho vay tiền mua chứng khoán, ứng trước tiền bán chứng khoán theo loại chứng khoán được sử dụng làm tài sản đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính…

Cho rằng quy định này không hợp lý, CTCK Maybank Kim Eng đề xuất nên sửa đổi thành định kỳ 6 tháng, UBCK ban hành danh sách các mã chứng khoán được phép cung cấp dịch vụ cho vay tiền mua chứng khoán, ứng trước tiền bán chứng khoán.

Dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán và cho vay tiền mua chứng khoán về bản chất gần như không gây ra bất kỳ rủi ro nào đối với CTCK, vì chỉ thực hiện trong thời gian chờ chứng khoán và tiền về tài khoản. Trên thực tế, nhiều CTCK đã thực hiện dịch vụ này.

Ðể giảm bớt những rào cản về thủ tục cấp phép dịch vụ, ý kiến từ nhiều thành viên thị trường cho rằng, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán cần làm rõ CTCK được cấp phép thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, thì đương nhiên được cung cấp các dịch vụ nêu tại Khoản 1, Ðiều 86, Luật Chứng khoán 2019, không phải xin cấp phép lại đối với từng loại chứng khoán.

UBCK sẽ ban hành quy chuẩn chứng khoán được cung cấp các dịch vụ như ứng trước tiền bán chứng khoán, cho vay chứng khoán định kỳ như trường hợp cho vay mua chứng khoán hiện nay. Tuy nhiên, CTCK phải tự bảo đảm các điều kiện này trong quá trình cung cấp các dịch vụ.

Trao quyền cho ĐHCĐ phê duyệt chào bán sản phẩm tài chính là gây khó cho CTCK

Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ, CTCK SSI

Dự thảo quy định một trong những điều kiện để CTCK chào bán các sản phẩm tài chính là “được ÐHCÐ hoặc hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua việc chào bán sản phẩm tài chính”. Ðề nghị nội dung này được sửa lại là chỉ cần hội đồng quản trị của CTCK thông qua, vì đa số công ty cổ phần quy định thẩm quyền của ÐHCÐ thông qua các giao dịch bán tài sản có giá trị rất lớn. Mặt khác, sản phẩm tài chính đa dạng và phong phú, nên việc trình ÐHCÐ thông qua chào bán các sản phẩm tài chính gây khó khăn cho hoạt động của CTCK.

Dự thảo quy định “CTCK, công ty quản lý quỹ có không quá 2 người đại diện theo pháp luật tại một thời điểm”. Nội dung này chưa hợp lý, cần được sửa lại theo hướng: “CTCK có không quá 2 người đại diện theo pháp luật tại một thời điểm, ngoại trừ người đại diện theo ủy quyền của những người này.”

Tin bài liên quan