Từ những xung đột trên thực tiễn...
Kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực đến nay đã được 4 năm. So với Luật Doanh nghiệp 2005, những quy định mới tại Luật Doanh nghiệp 2014 được đánh giá là có nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, có không ít bất cập nảy sinh và những bất cập này đã được phản ánh, trong đó có những mâu thuẫn xung quanh mối quan hệ nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Ðơn cử, trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, quy định về thời hạn nắm giữ cổ phần tối thiểu từ 6 tháng liên tục mới được ứng cử/đề cử thành viên vào Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát đã khiến các nhóm cổ đông mới muốn tham gia điều hành doanh nghiệp gặp khó.
Báo Ðầu tư Chứng khoán từng có nhiều bài viết phản ánh về bất cập này, ví dụ trường hợp xảy ra tại Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) vào năm 2017.
Cụ thể, một nhóm cổ đông lớn nắm giữ 47% vốn điều lệ của PNC, nhưng thời gian chưa đủ 6 tháng.
Vì vậy, nhóm cổ đông đang nắm giữ quyền kiểm soát Công ty đã kiên quyết tổ chức Ðại hội đồng cổ đông sớm để đảm bảo nhóm cổ đông sở hữu 47% không đủ điều kiện để đề cử số lượng thành viên Hội đồng quản trị như mong muốn.
Tất nhiên, cổ đông mới đã phản ứng lại bằng cách phủ quyết mọi tờ trình cần tỷ lệ 65% cổ phần có quyền biểu quyết đồng ý mới được thông qua. Ðiều này dẫn đến nội bộ doanh nghiệp rơi vào tình trạng căng thẳng.
Một trường hợp khác xảy ra ở một công ty đã niêm yết phát hành cổ phiếu thưởng. Khi tổ chức Ðại hội đồng cổ đông thì số lượng cổ phiếu thưởng chưa đủ thời gian 6 tháng theo quy định.
Bởi vậy, lúc bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, công ty này đã loại bỏ số lượng cổ phiếu thưởng mới phát hành, chỉ tính cổ phiếu cũ.
Tuy nhiên, khi tính tỷ lệ sở hữu, công ty lại tính số lượng cổ phần cũ trên tổng số cổ phần sau khi tăng vốn. Hậu quả là tất cả các nhóm cổ đông lớn đều bị giảm tỷ lệ sở hữu, kéo theo số lượng thành viên đề cử/ứng cử giảm, cụ thể là thiếu 2/5 ứng viên Hội đồng quản trị.
Lúc này, theo quy định, 2 ứng viên còn thiếu sẽ do Hội đồng quản trị cũ đề cử mà không cần tính đến tỷ lệ sở hữu. Rõ ràng, đây là cách thức vận dụng luật để hạn chế sự tham gia của nhóm cổ đông mới vào Hội đồng quản trị doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, việc đề cử/ứng cử thành viên vào Hội đồng quản trị doanh nghiệp thường diễn ra tranh chấp bởi liên quan trực tiếp đến các "ghế" quyền lực doanh nghiệp.
Báo Ðầu tư Chứng khoán từng phản ánh nhiều trường hợp doanh nghiệp niêm yết áp dụng tỷ lệ sở hữu tối thiểu từ 10% vốn cổ phần mới được quyền tham gia đề cử, ứng cử vào Hội động quản trị với lý do tuân thủ quy định tại Luật Doanh nghiệp, trong khi cổ đông bức xúc bởi đã là công ty niêm yết thì phải tuân theo các quy định về quản trị của công ty đại chúng.
Cho đến nay, cổ đông của Công ty cổ phần Cấp nước Nhơn Trạch (NTW) vẫn còn bức xúc việc Công ty thông qua Ðiều lệ sửa đổi, trong đó có một số quy định về tỷ lệ ứng cử, quy định một số thời hạn gửi thư mời, thông báo... ngắn hơn so với luật định, bỏ quy định về thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng...
Theo các cổ đông, NTW là công ty đại chúng, đã đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, nên phải tuân thủ các quy định về công ty đại chúng.
Các quy định tại Ðiều lệ Công ty trái với quy định tại Ðiều lệ mẫu ban hành kèm theo Thông tư 95/2017/TT-BTC hướng dẫn quản trị công ty đại chúng.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Thái (Công ty Luật Hợp danh Bross & Cộng sự), tranh chấp giữa cổ đông và công ty là tranh chấp phổ biến, muôn hình vạn trạng.
Thậm chí, có trường hợp mua bán cổ phần không trả tiền, thanh toán thiếu, thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần trái luật như tại Công ty cổ phần Sản xuất hàng xuất nhập khẩu và kinh doanh xuất nhập khẩu Ðống Ða (Dasimex).
Theo đó, sau khi chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, Dasimex có 9 cổ đông. Một cá nhân đã mua lại cổ phần từ 4 cổ đông khác của Dasimex, nhưng mới ký hợp đồng chuyển nhượng, chưa thanh toán.
Tuy nhiên, sau đó, Dasimex đã ghi tên cổ đông mới, xóa tên 4 cổ đông cũ, rồi làm thủ tục để thay đổi thông tin của Công ty với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Nhóm cổ đông cũ đã phải khởi kiện vụ việc tranh chấp thành viên công ty ra Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đề nghị hủy toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần vì bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
… Đến sửa Luật để tăng cường tính minh bạch
Hiện Luật Doanh nghiệp 2014 đang được xem xét sửa đổi chung với Luật Ðầu tư. Bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới và được cho ý kiến thông qua vào kỳ họp thứ 9.
Một trong những mục tiêu chính khi sửa Luật Doanh nghiệp 2014 là nhằm nâng cao tính minh bạch trong quản trị công ty, bao gồm việc tăng cường bảo vệ các cổ đông nhỏ, qua đó đảm bảo cân đối quyền và lợi ích của các cổ đông, cũng như sự ổn định của doanh nghiệp.
Ông Phan Ðức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một trong những thành viên tham gia xây dựng dự thảo Luật sửa đổi cho biết, một trong những mục tiêu chính khi sửa Luật Doanh nghiệp 2014 là nhằm nâng cao tính minh bạch trong quản trị công ty, bao gồm việc tăng cường bảo vệ các cổ đông nhỏ, qua đó đảm bảo cân đối quyền và lợi ích của các cổ đông, cũng như sự ổn định của doanh nghiệp.
Một trong những sửa đổi quan trọng đó là giảm tỷ lệ sở hữu tối thiểu có quyền đề cử/ứng cử từ 10% xuống còn 1%.
Tỷ lệ này liên quan đến nhiều quyền khác của cổ đông như quyền yêu cầu triệu tập Ðại hội đồng cổ đông bất thường, yêu cầu xem xét, trích lục sổ sách, báo cáo tài chính, biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo của Ban kiểm soát; yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty...
Nội dung này nhận được sự ủng hộ từ các cổ đông nhỏ, các chuyên gia pháp lý. Luật sư Trương Thanh Ðức (Chủ tịch Công ty Luật Basico) cho biết, từng có ý kiến cho rằng nên xóa bỏ việc quy định tỷ lệ 10%, chỉ cần là cổ đông thì đều có các quyền đề cử, ứng cử, yêu cầu triệu tập...
Tuy nhiên, quy định như vậy là không phù hợp với môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Cần phải có một tỷ lệ nhất định để đảm bảo trách nhiệm cổ đông và tỷ lệ này, theo ông Ðức, ở mức 5% là phù hợp.
Ðồng quan điểm, Luật sư Võ Hà Duyên (Chủ tịch Công ty Luật Vilaf) cho hay, nhiều quốc gia trong khối OECD áp dụng tỷ lệ 5% và Việt Nam nên đi theo số đông, bởi việc giảm ngay từ 10% xuống 1% là sự thay đổi quá lớn và đột ngột, khó tránh khỏi gây xáo trộn và khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong dự thảo Luật sửa đổi, điều kiện sở hữu cổ phiếu tối thiểu trong 6 tháng cũng được bãi bỏ, qua đó tháo gỡ vướng mắc khi nhà đầu tư bỏ số vốn lớn, sở hữu tỷ lệ cổ phiếu đáng kể, nhưng không thể nhanh chóng kiểm soát, điều hành doanh nghiệp.
Thực tế, 6 tháng là thời gian đủ dài để ban lãnh đạo hiện hữu làm nhiều việc có thể gây rủi ro cho các cổ đông mới.
Tương tự, về điều kiện khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc, dự thảo Luật sửa đổi cũng bãi bỏ quy định nắm giữ cổ phần 6 tháng, cổ đông chỉ cần sở hữu 1% cổ phần phổ thông là đủ quyền khởi kiện.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng, về nguyên tắc, công ty phải tuân thủ pháp luật, nếu công ty vi phạm pháp luật thì bất cứ cổ đông nào cũng có thể khởi kiện nhằm đảm bảo các chủ thể phải thực hiện đúng luật.
Tuy nhiên, cân nhắc quyền lợi cả hai phía cổ đông và sự ổn định của công ty, tỷ lệ 1% nhận được nhiều sự ủng hộ.