“Lửa đỏ” lan rộng đến cổ phiếu RAL

“Lửa đỏ” lan rộng đến cổ phiếu RAL

(ĐTCK) “Bà hoả” ghé thăm nhà kho của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tối 28/8/2019, cổ phiếu RAL của doanh nghiệp giảm giá sàn ngay phiên sau đó. Những phiên tiếp theo, diễn biến giá cổ phiếu này đa số “rực đỏ”, tổng cộng giảm 15% tính đến phiên 11/9. Mức chiết khấu giá này liệu đã hợp lý?

“Ðất vàng” trở thành mối lo ngại

Tính từ thời điểm vụ cháy xảy ra đến ngày 11/9, giá cổ phiếu RAL giảm 15%, từ 85.280 đồng/cổ phiếu xuống 72.000 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Trong quá trình giảm giá, cổ phiếu RAL có phiên bật tăng trần 7% ngày 3/9 và tăng thêm 3,6% ngày 4/9, còn ngày 11/9 không thay đổi so với ngày 10/9.

Thanh khoản cổ phiếu RAL tăng đột biến sau vụ cháy. Nếu như khối lượng giao dịch bình quân trong năm 2018 ở mức 8.105 đơn vị, từ đầu năm 2019 đến trước thời điểm hoả hoạn là 5.400 đơn vị, thì khối lượng giao dịch bình quân từ khi vụ cháy xảy ra đến nay là 30.200 đơn vị, trong đó phiên 30/8 đạt 122.540 đơn vị.

Tổng số cổ phần đang lưu hành của RAL là 11,5 triệu đơn vị, trong đó phần lớn (khoảng 67%) được nắm giữ bởi Công đoàn Công ty và hai cá nhân là Lê Thị Kim Yến (thành viên Hội đồng quản trị), Lê Ðình Hưng.

Quỹ Indochina Capital và Chứng khoán VN nắm giữ 10% cổ phần. Số lượng cổ phiếu trao đổi trên thị trường ít, chỉ 2,645 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 23%.

“Lửa đỏ” lan rộng đến cổ phiếu RAL  ảnh 1

Cơ cấu tài sản của RAL.

Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có văn bản nhắc nhở và đề nghị RAL khẩn trương thực hiện công bố thông tin theo quy định.

Cụ thể, đến hết ngày 8/9, HOSE vẫn chưa nhận được giải trình và công bố thông tin xác minh ước tính thiệt hại tài sản liên quan đến hỏa hoạn xảy ra ngày 28/8/2019 và ảnh hưởng tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh từ RAL.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019, RAL đạt doanh thu 1.804 tỷ đồng, tăng 21% và lợi nhuận sau thuế 96,4 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018.

“Lửa đỏ” lan rộng đến cổ phiếu RAL  ảnh 2

Biên lợi nhuận của RAL.

Ngay trước khi hoả hoạn, RAL công bố chi trả cổ tức 25% cho đợt 1 năm 2019, cổ phiếu vì vậy có diễn biến giá tích cực hơn, tăng khoảng 12% từ đầu tháng 7 đến ngày 28/8. Nhưng với sự cố bất ngờ trên, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu RAL đang chịu thiệt hại.

Trong giai đoạn 2015 - 2018, doanh thu và lợi nhuận của RAL có sự tăng trưởng ổn định, trong khi đó, Công ty không tăng vốn trong giai đoạn này, giúp lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) tăng, năm 2015 là 8.162 đồng, năm 2017 là 18.636 đồng và năm 2018 là 17.768 đồng. Hệ số giá trên lợi nhuận (P/E) của cổ phiếu RAL cuối năm 2018 chưa đến 5 lần.

“Lửa đỏ” lan rộng đến cổ phiếu RAL  ảnh 3

Doanh thu lợi nhuận sau thuế của RAL.

RAL được một số công ty chứng khoán đánh giá là doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh nhờ hệ thống bán hàng rộng khắp với 400 đại lý và hơn 7.000 cửa hàng, có trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đưa ra nhiều sản phẩm có tính ứng dụng, sản phẩm thiết kế đa dạng...

Ðây cũng là một trong các doanh nghiệp có thể cạnh tranh được với sản phẩm đèn led Trung Quốc ngay tại thị trường nội địa.

“Lửa đỏ” lan rộng đến cổ phiếu RAL  ảnh 4

Hệ số ROE, ROA theo quý và 4 quý gần nhất của RAL.

Sở dĩ, cổ phiếu RAL có phiên tăng giá trần ngày 3/9 trong bối cảnh nhà kho bị cháy được cho là một số nhà đầu tư mạo hiểm bắt đáy, với cơ sở chính là doanh nghiệp có các chỉ số cơ bản tốt, có tài sản giá trị là khu đất nhà kho bị cháy với diện tích 6.000 m2 tại 87 - 89 phố Hạ Ðình, Hà Nội.

Khu đất này là một phần trong tổng diện tích hơn 5,7 ha (hơn 57.000 m2) mà RAL đang quản lý, bao gồm trụ sở công ty, nhà máy...

Báo cáo của Công ty Chứng khoán BSC tháng 5/2018 về RAL cho biết, trụ sở của RAL nằm trên khu đất hơn 57.000 m2 tại phố Hạ Ðình, ngay gần khu “Cao-Xà-Lá” (đang được Vingroup đầu tư tổ hợp siêu đô thị với quy mô 11 ha) và gần Công ty Giày Thượng Ðình.

RAL đã nhận được sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất và có quyền tự do chuyển đổi mục đích khu đất.

Bên cạnh đó, RAL sở hữu 6 chi nhánh phân phối tại các tỉnh với giá đất tính theo khung giá đất của tỉnh. BSC cho rằng, nếu chuyển nhượng khu đất, RAL có thể thu được lãi, nhưng điều này có thể sẽ mất nhiều thời gian.

Trong năm 2018, RAL cũng đã xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc bổ sung ngành kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, với diễn biến thông tin về tác động của việc cháy nhà kho đến môi trường, các thông tin rao bán bất động sản quanh khu vực này đã xuất hiện. Từ lô đất được xem là “đất vàng”, giờ đây đang trở thành mối lo ngại vì tâm lý lo sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Hiện tại, RAL chưa cập nhật con số ước tính thiệt hại, ngoài con số khoảng 150 tỷ đồng công bố trước đó và làm việc với công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, bảo hiểm tới mức độ nào thì chưa được công bố và việc bồi thường có thể không diễn ra ngay trong tháng 9.

Do đó, trong báo cáo tài chính quý III/2019, nhiều khả năng RAL sẽ phải dự phòng một khoản tối thiểu 150 tỷ đồng như ước tính thiệt hại của Công ty; nói là tối thiểu, bởi trích lập không chỉ là tài sản, mà còn các nghĩa vụ có thể phát sinh (chẳng hạn, RAL có thể phải chi một số tiền để khắc phục hậu quả...).

Ðáng chú ý, theo báo cáo tài chính bán niên 2019 của RAL, giá trị khu đất hơn 57.000 m2 tại phố Hạ Ðình hiện không được hạch toán như một tài sản của Công ty, mà ghi nhận là tài sản thuê ngoài.

Cụ thể, RAL ký các hợp đồng thuê đất tại địa chỉ 15 phố Hạ Ðình để sử dụng với mục đích làm văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất bóng đèn, phích nước và các sản phẩm phục vụ chiếu sáng từ năm 2004 - 2034.

Diện tích khu đất thuê là 57.416 m2, trong đó 56.896 m2 là đất xây dựng công trình, 520 m2 nằm trong quy hoạch mở đường. Theo hợp đồng, RAL phải trả tiền thuê đất cho đến ngày đáo hạn, tức năm 2034.

Không ít doanh nghiệp niêm yết bị “bà hỏa” ghé thăm

Khủng hoảng nhất có lẽ là vụ cháy chung cư Carina vào tháng 3/2018, khiến giá cổ phiếu NBB của Công ty cổ phần Ðầu tư Năm Bảy Bảy giảm sàn nhiều phiên, từ mức 24.000 đồng/cổ phiếu xuống 17.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng “bay” 33% vốn hoá.

Hiện giá cổ phiếu NBB dao động quanh 20.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 20% so với thời điểm trước khi xảy ra vụ cháy.

Cổ phiếu TCM của Công ty cổ phần Dệt may Ðầu tư Thương mại Thành Công mất ngay 6% giá trị sau thông tin vụ cháy kho vải năm 2017.

Tuy nhiên, phản ứng thông tin của TCM khá nhanh nhạy với công bố ước tính giá trị mất mát khoảng 1,5 triệu USD, cộng thêm lực cầu bắt đáy đã giúp giá cổ phiếu TCM “cầm máu” và hồi phục ngay trong phiên.

Công ty cổ phần Bao bì và In nông nghiệp (INN) có cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư ưa thích và xếp hạng cổ phiếu tốt cũng từng gặp rủi ro khi xảy ra hỏa hoạn tại khu nhà xưởng đang xây dựng và lắp đặt vận hành máy móc đầu tư mới.

Sự cố này đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của INN và tổng giá trị thiệt hại ban đầu theo ước tính khoảng 70 tỷ đồng.

Cổ phiếu INN bị bán tháo và giảm giá sàn trong 2 phiên liên tiếp. 7 tháng sau đó, cổ phiếu INN mới có thể trở về vùng giá trước thời điểm xảy ra hỏa hoạn.

Một doanh nghiệp niêm yết khác là Công ty cổ phần Bibica (BBC) từng gặp hoả hoạn ở nhà máy sản xuất bánh của công ty con tại Bình Dương năm 2011.

Giá cổ phiếu BBC khi đó có diễn biến giảm. BBC đã mua bảo hiểm cháy nổ, nhưng Công ty và phía doanh nghiệp bảo hiểm không tìm được tiếng nói chung trong việc bồi thường.

Ðến cuối năm 2016, tức 5 năm sau thời điểm xảy ra hỏa hoạn, quá trình bồi thường thiệt hại mới đi đến hồi kết, doanh nghiệp bảo hiểm đã thanh toán nốt 61 tỷ đồng trong tổng số hơn 115 tỷ đồng phải bồi thường cho BBC theo quyết định của tòa án.       

Tin bài liên quan