Lựa chọn multi-cloud đang là xu hướng

Lựa chọn multi-cloud đang là xu hướng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Công nghệ, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) nhấn mạnh, multi-cloud đặc biệt quan trọng vì liên quan đến bảo mật dữ liệu cá nhân và khả năng lưu trữ lớn.

Theo Forbes, điện toán đám mây (cloud) là một trong những đổi mới quan trọng nhất trong kỷ nguyên thông tin. “Tại Mỹ, vào năm 2020, nếu bạn vẫn đang đánh giá xem có nên di chuyển qua đám mây hay không thì bạn đã đi sau 90% các công ty khác... Sử dụng đám mây đã là xu hướng chủ đạo và phần lớn khối lượng công việc của doanh nghiệp đã ở trên đám mây”, trang này cho hay.

Không nằm ngoài xu thế chung, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tích cực ứng dụng nền tảng công nghệ mới này. Từ giữa tháng 9/2021, thị trường liên tiếp đón nhận thông tin hợp tác triển khai điện toán đám mây của 3 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới gồm AWS, Google và Microsoft với các tên tuổi lớn tại Việt Nam, trong đó có các ngân hàng.

Ông có nhận định gì về xu hướng ứng dụng điện toán đám mây của các doanh nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam?

Ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Công nghệ, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)
Ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Công nghệ, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)

Trên thế giới, công nghệ điện toán đám mây đã xuất hiện gần 20 năm trước, nhưng chỉ thực sự bùng nổ trong 5 năm trở lại đây. Công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) kết hợp với cloud đã trở thành cặp bài trùng, mang lại cho các doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh vượt trội.

Chẳng hạn, Netflix đã chuyển tất cả hạ tầng lên cloud cách đây khoảng 5 năm. Ngân hàng Mỹ - Bank of America đưa trung tâm dữ liệu lên cloud từ 2 năm trước; JP Morgan Chase cũng hợp tác với AWS (nền tảng điện toán đám mây của Amazon) về mảng phân tích dữ liệu. Ngân hàng CBA (Úc) tuyên bố 25% ứng dụng chạy trên cloud và trong lộ trình 5 năm tới sẽ nâng tỷ lệ này lên tối thiểu 95%.

Có thể thấy, việc lên cloud là xu thế tất yếu trên toàn cầu và không ngoại lệ với doanh nghiệp Việt. Dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy xu thế này tại Việt Nam là những cái bắt tay của 3 Big Tech trên với 3 doanh nghiệp lớn trong nước cuối tháng 9 vừa qua, trong đó có đến 2 ngân hàng. Lên cloud không còn là một khái niệm công nghệ, mà đã trở thành xu thế tất yếu tại Việt Nam, đặc biệt là trong ngành ngân hàng.

Vậy thực trạng chuyển đổi lên điện toán đám mây của doanh nghiệp Việt nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đang diễn ra như thế nào?

Thời điểm này, việc lên cloud của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam khá phổ biến, song các doanh nghiệp lớn còn khá e dè. Một trong những rào cản thường gặp ở các doanh nghiệp này là đang vận hành hệ thống công nghệ thông tin (IT) cũ, đội ngũ kỹ sư thông tin đã quen với cách thức hoạt động của hệ thống này và việc thay đổi ngay là một thách thức. Ngành ngân hàng càng có ít đơn vị công bố lên cloud đến thời điểm này do đặc thù liên quan đến Luật An ninh mạng, bảo mật dữ liệu cá nhân khách hàng.

Tháng 12/2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành “Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 60% ngân hàng Việt Nam sử dụng cloud và năm 2030 là 100% tổ chức tín dụng sử dụng. Theo báo cáo tháng 8/2020 của IDC Group, 40% ngân hàng được khảo sát cho biết đang có kế hoạch chuyển đổi lên môi trường hybrid cloud trong 12-24 tháng tới.

Tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 09, cho phép các ngân hàng đưa dữ liệu quan trọng cấp độ 3, 4 và 5 lên cloud nếu đảm bảo những quy định kèm theo. Chúng tôi cho rằng, đây là quy định có tính bước ngoặt, đẩy mạnh xu thế lên cloud của ngành ngân hàng.

Cụ thể tại VIB, chiến lược điện toán đám mây Ngân hàng theo đuổi có gì khác biệt?

Điểm khác biệt trong chiến lược của VIB là chúng tôi chọn multi-cloud. Đại dịch đã thay đổi cách chúng ta sống và làm việc. Nhu cầu chuyển đổi số trong các tổ chức tài chính ngày một trở nên cấp thiết hơn và lựa chọn đầu tư cho multi-cloud đang là xu hướng dẫn đầu, đặc biệt khi liên quan đến bảo mật dữ liệu cá nhân và khả năng lưu trữ lớn.

Điều quan trọng là phải chọn được một nền tảng giúp đơn giản hóa đáng kể quy trình quản lý multi-cloud. Chúng tôi xác định việc triển khai multi-cloud sẽ vất vả hơn, nhưng sẽ mang lại cho VIB lợi thế cạnh tranh và nhiều quyền lợi cho khách hàng hơn.

Nếu đề cập đến lợi thế mà mô hình multi-cloud mang lại cho VIB, ông sẽ chia sẻ điều gì?

Multi-cloud là mô hình sử dụng nhiều dịch vụ điện toán đám mây từ các nhà cung cấp khác nhau trong một môi trường không đồng nhất. Cách triển khai này mang đến sự linh hoạt khi cho phép doanh nghiệp chọn các nhà cung cấp dịch vụ cloud khác nhau để giải quyết những bài toán chuyên biệt, đáp ứng tối đa nhu cầu tăng trưởng liên tục công suất điện toán bằng giải pháp công nghệ sáng tạo. Tính linh hoạt của multi-cloud giúp tăng tốc và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo cho các tổ chức.

Kế đến là lợi ích về thời gian và chi phí, multi-cloud có thể giúp rút ngắn kỷ lục thời gian triển khai một hệ thống hoặc ứng dụng công nghệ mới và chúng tôi có thể trải nghiệm nhiều cloud tương tự, từ đó chọn ra giải pháp phù hợp nhất, với thời gian và chi phí hiệu quả nhất.

Rút ngắn thời gian triển khai dịch vụ sẽ cho phép doanh nghiệp phục vụ khách hàng tốt hơn. Theo đó, người dùng cũng có những trải nghiệm mượt mà hơn với các dịch vụ số hóa của ngân hàng.

VIB đã chuẩn bị những gì cho việc chuyển đổi dữ liệu lên đám mây?

Chúng tôi đã khởi động kế hoạch lên cloud từ nhiều năm trước với việc chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố về nguồn lực và nhân sự công nghệ. Ngay từ đầu năm 2021, chúng tôi đã đưa một số ứng dụng lên cloud AWS. Với thỏa thuận hợp tác cùng Microsoft vừa công bố, VIB sẽ đẩy nhanh việc chuyển và lưu trữ các ứng dụng và nền tảng kinh doanh của Ngân hàng lên cloud Microsoft Azure. Trong quá trình ấy, VIB đồng thời hiện đại hóa và chuyển khối lượng công việc tính toán, bao gồm các ứng dụng kinh doanh cùng nhu cầu điện toán của người dùng cuối trên nền tảng mới này.

Trong 18 tháng qua, chúng tôi đã tổ chức hàng trăm lượt đào tạo về lĩnh vực điện toán đám mây cho đội ngũ kỹ sư công nghệ. Hiện tại, các kỹ sư công nghệ VIB tiếp tục đăng ký gần 1.000 lượt đào tạo để tiếp tục tham gia các khóa vừa học, vừa triển khai điện toán đám mây nhằm đáp ứng tốt nhất kế hoạch chuyển dịch lên cloud.

Thực tế, chuyển dịch lên cloud sẽ có những thuận lợi và thách thức, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm từ VIB?

Chúng ta đang sống trong một thế giới “phẳng” nên có thể cập nhật mọi thông tin, công nghệ mới một cách nhanh nhất, đây chính là thuận lợi. Tuy nhiên, thách thức trong dịch chuyển lên cloud với các ngân hàng giai đoạn này cũng không hề nhỏ.

Đầu tiên là thay đổi tư duy, góc nhìn, văn hoá. Chuyển đổi dữ liệu lên đám mây cũng là chuyển từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số. Tư duy giữa ngân hàng số và ngân hàng truyền thống rất khác biệt. Ngân hàng số lấy trải nghiệm khách hàng làm hạt nhân, sự giản tiện là cốt lõi, còn ngân hàng truyền thống lấy sản phẩm làm trung tâm, vì thế thay đổi văn hoá, thay đổi tư duy là thách thức lớn nhất.

Kế đến là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhân viên. Thời đại số hoá cần những kỹ năng mới như tư duy thiết kế (Design Thinking), phương pháp làm việc nhanh, tinh gọn (Agile), kiến thức chuyên sâu về thiết kế, triển khai, vận hành, quản trị cloud, Big Data (dữ liệu lớn), AI, Machine Learning (máy học)...

Cuối cùng là công nghệ. Hệ thống công nghệ thông tin các ngân hàng chủ yếu là những hệ thống cũ (legacy), phát triển và vận hành tốn nhiều thời gian và chi phí. Khi chuyển đổi lên cloud thì phải vừa duy trì các hệ thống cũ, vừa phát triển các hệ thống mới trong một bản quy hoạch kiến trúc công nghệ tổng thể, tích hợp hài hòa giữa các hệ thống cũ - mới, giữa các hệ thống nội bộ của ngân hàng và các đối tác bên ngoài.

Là một trong những ngân hàng hàng đầu về ngân hàng số và trải nghiệm khách hàng trên ngân hàng số, với VIB, những thách thức nêu trên cũng là cơ hội. Chúng tôi đã và sẽ dành nhiều nguồn lực cũng như đặt trọng tâm phát triển trung - dài hạn vào lĩnh vực ngân hàng số và các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.

Việc hợp tác với Microsoft là để tạo sự bứt phá về tốc độ dịch vụ, đổi mới sáng tạo và liên tục mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Đây là một trong những hạng mục quan trọng trong chiến lược chuyển đối số của VIB nhằm kết hợp ưu thế vượt trội của các đối tác công nghệ hàng đầu thế giới vào sản phẩm, dịch vụ và nâng cao trải nghiệm cho người dùng Việt.

Tin bài liên quan