LSS đối diện với giá đường giảm, chi phí tăng

LSS đối diện với giá đường giảm, chi phí tăng

(ĐTCK) Năm 2012, hoạt động kinh doanh của CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS) dự báo sẽ gặp một số khó khăn do giá bán đường giảm, trong khi chi phí sản xuất tăng cao.

Với kết quả thực hiện trong hai quý đầu năm, chúng tôi cho rằng, LSS sẽ khó đạt được kế hoạch lợi nhuận đề ra, ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của LSS năm 2012 tương ứng đạt 1.742 và 175 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 57% so với năm 2011.

 

Sản lượng

LSS đã kết thúc vụ mía 2011/2012 với sản lượng mía đạt 862.000 tấn, tăng 12,2% so với vụ 2010/2011. Tuy nhiên, do chữ đường bình quân giảm mạnh từ 11 CCS (vụ mía 2010/2011) xuống còn 8,5 CCS (vụ mía 2011/2012), khiến cho lượng đường sản xuất vụ 2011/2012 chỉ đạt 82.120 tấn, giảm 6% so với vụ 2010/2011. Sản lượng đường tiêu thụ trong năm 2012 ước đạt 90.900 tấn.

 

Giá đường

Giá đường thế giới vẫn đang trong xu thế giảm, với những thông tin tích cực từ nguồn cung. Trong nước, nguồn cung sản xuất cũng đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, do nhà máy 2 đi vào hoạt động chậm so với tiến độ, nên cơ cấu sản phẩm của LSS có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ đường RS và giảm tỷ lệ đường RE (có giá bán cao hơn), nên giá bán đường bình quân của LSS được dự báo sẽ dao động quanh mức 16,5 triệu đồng/tấn (đã bao gồm VAT), giảm khoảng 5% so với giá bình quân năm 2011.

Trong khi giá bán đầu ra giảm thì một số chi phí đầu vào của LSS dự báo sẽ có xu hướng tăng bởi các lý do sau:

- Thứ nhất, giá thu mua mía ở mức cao. LSS tính giá mía cho người nông dân dựa trên giá đường tại thời điểm đầu mỗi vụ mía (bắt đầu từ cuối quý III năm nay và kết thúc vào đầu quý II năm sau). Giá đường RS tại thời điểm quý II/2011 cao hơn khoảng 5% so với quý II/2012. Trong khi đó, khoảng 75% lượng mía sản xuất trong năm 2012 đến từ niên vụ 2011/2012. Vì vậy, mặc dù giá mía niên vụ 2012/2013 giảm, giá thu mua mía bình quân của LSS năm 2012 vẫn ở mức cao.

- Thứ hai, chữ đường giảm. Dự án nâng cấp nhà máy 2 đi vào hoạt động chậm tiến độ so với kế hoạch 2 tháng, khiến việc thu mua mía của LSS bị chậm trễ. Việc kéo dài thời gian thu hoạch sang tháng 6 làm chữ đường của mía giảm đáng kể, bởi thời gian thu hoạch tối ưu của cây mía khu vực miền Trung là khoảng từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 4 hàng năm. Vì vậy, giá thành sản xuất đường của LSS tăng đáng kể.

- Thứ ba, tăng chi phí khấu hao. Nhà máy 2 sau khi nâng cấp đã đi vào hoạt động đầu tháng 3/2012, với tổng công suất 8.000 tấn mía/ngày (nâng cấp từ nhà máy cũ với công suất 4.500 tấn mía/ngày). Tổng giá trị đầu tư của nhà máy vào khoảng 850 tỷ đồng, chi phí khấu hao ước tính sẽ tăng khoảng 60 tỷ đồng so với năm 2011.

 LSS đối diện với giá đường giảm, chi phí tăng ảnh 1

Doanh thu tài chính giảm

Năm 2012, do các khoản đầu tư vào nhà máy mới, nên lượng tiền gửi của LSS giảm, bên cạnh đó là mặt bằng lãi suất huy động giảm so với năm 2011. Doanh thu tài chính năm 2012 của LSS ước đạt 14 tỷ đồng, giảm 70% so với năm 2011.

 

Khuyến nghị đầu tư

Năm 2012, kết quả kinh doanh của LSS dự báo sẽ giảm mạnh so với năm 2011. Vì vậy, đầu tư ngắn hạn vào LSS là không hấp dẫn. Về dài hạn, LSS vẫn là doanh nghiệp đầu ngành, có lợi thế về vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, việc LSS phân tán đầu tư ra ngoài ngành và kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi khiến chúng tôi có một chút lo ngại. LSS có kế hoạch đầu tư vào một số dự án như Khách sạn đa năng Lam Sơn (Sầm Sơn, Thanh Hóa); Khu nông, công nghiệp công nghệ cao gắn với khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử tâm linh Linh Sơn trên diện tích 150 héc-ta. Việc đầu tư phân tán ngoài ngành nghề kinh doanh chính sang lĩnh vực du lịch (lĩnh vực không sở trường) khiến chúng tôi có một số lo ngại cho hiệu quả kinh doanh của LSS. Vì vậy, chúng tôi chuyển từ khuyến nghị “mua mạnh” sang khuyến nghị “mua” với cổ phiếu LSS, mức giá kỳ vọng là 32.500 đồng/CP.