Ông Nguyễn Đình Cung.

Ông Nguyễn Đình Cung.

“Lột xác” DNNN không thể bằng… một tờ giấy A4

(ĐTCK-online) Hơn hai tháng nữa là đến ngày 1/7, thời điểm hơn 1.500 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện tại phải hoàn tất việc chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Với tình thế gấp gáp như vậy, theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có chăng chỉ có thể chuyển được cái tên cho các DN bằng một tờ giấy A4, thể hiện quyết định hành chính về việc chuyển đổi mô hình hoạt động của DN, chứ không thể làm “lột xác” DNNN.

Với tư cách là người trực tiếp tham gia soạn thảo Luật Doanh nghiệp, hẳn ông không trông chờ động thái chuyển đổi DNNN như trên?

Những người thiết kế Luật Doanh nghiệp không mong muốn Luật phải điều chỉnh các đối tượng là DNNN chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, nhưng về bản chất không có gì thay đổi. Với số lượng DNNN chưa chuyển đổi mô hình hoạt động còn rất lớn, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty (chuyển đổi mô hình hoạt động rất phức tạp), trong khi thời gian chuyển đổi gấp gáp như vậy, thì hoàn tất việc đổi tên DNNN sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp cũng là không đơn giản, nên khó trông đợi có sự thay đổi về chất trong quản trị công ty của các DN. Với tình thế như vậy, nỗ lực tiếp tục cải cách DNNN để thực sự tạo bước đột phá trong nâng cao chất lượng hoạt động, ngay cả khi các DN này đã hoàn tất chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp còn rất gian nan.

 

Khó là vậy, nhưng muốn đạt mục tiêu như ông vừa nêu, cần ưu tiên giải pháp nào?

Điều quan trọng nhất là Chính phủ cần triển khai quyết liệt việc nắm lại quyền kiểm soát chặt chẽ của mình đối với DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty mà Nhà nước đang bỏ vào đó một nguồn lực đầu tư lớn. Một nhà đầu tư không thể cứ mãi bỏ ra rất nhiều nguồn lực đầu tư về vốn, đất đai, nhân lực…, mà không rõ hiệu quả sinh lời đến đâu. Kiểm soát chặt chẽ các DNNN không nên hiểu là tìm cách kìm hãm hoạt động, mà trọng tâm của việc này là cần tập trung thiết lập lại quản trị tại các DN, đưa các hoạt động điều hành DN, công khai thông tin, đánh giá hiệu quả hoạt động… của DNNN theo các chuẩn mực quốc tế. Đưa DNNN vào khuôn khổ hoạt động như vậy mới có cơ sở đánh giá chính xác DN nào làm ăn hiệu quả, DN nào không, để có biện pháp chấn chỉnh, thì mới thực sự tạo bước đột phá về chất trong nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN. Để thực hiện được điều không đơn giản, vì nó không chỉ đòi hỏi quyết tâm cao, mà còn trông chờ Chính phủ có những giải pháp quyết liệt, hợp lý trong từng thời điểm cụ thể.

 

Không dưới một lần ông từng khẳng định, cổ phần hóa chỉ là phương tiện, chứ không phải là mục tiêu cuối cùng để nâng cao chất lượng hoạt động của DNNN. Vậy đã là phương tiện, theo ông, cần có sự điều chỉnh như thế nào để tạo ra tính linh hoạt, hiệu quả trong cải cách DNNN?

Trọng tâm của tái cấu trúc nền kinh tế là cải cách DNNN, để khu vực DN này làm ăn hiệu quả hơn. Muốn vậy, có nhiều cách, trong đó có cổ phần hóa. Để tháo gỡ những bế tắc hiện nay trong cổ phần hóa các DNNN, cần điều chỉnh chính sách cổ phần hóa. Đơn cử như các quy định về lựa chọn cổ đông chiến lược. Muốn tìm được cổ đông này, nghĩa là các đối tác kinh doanh mang đến cho DN không chỉ tiền, mà quan trọng hơn là kỹ năng quản trị DN hiện đại, giá trị thương hiệu, thị trường… thì rõ ràng không thể đòi hỏi họ mua cổ phần cao như các cổ đông đại chúng khác. Cần có tư duy mới trong bán cổ phần cho cổ đông chiến lược theo hướng: nếu mức giá cổ phần bán cho cổ đông chiến lược thấp hơn giá thị trường, thì phần chênh lệch đó nên được coi là khoản đầu tư của DN để “mua” thương hiệu, năng lực quản trị DN… của cổ đông chiến lược, chứ không nên nhìn nhận đó là sự thất thoát tài sản của Nhà nước.

 

Theo ông, cần bổ sung chính sách gì để có thể sớm hoàn tất việc chuyển đổi các DNNN về “chất”, chứ không dừng lại ở giải pháp tình thế hiện nay là “đổi tên”?

Quay trở lại câu chuyện chuyển toàn bộ số DNNN chưa chuyển đổi mô hình hoạt động sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trước ngày 1/7, ngay cả khi việc chuyển đổi này hoàn tất, thì vẫn khó khắc phục được tình trạng: về thực chất, các Bộ, ngành, địa phương vẫn thực hiện quyền chủ sở hữu tại không ít DN. Chừng nào còn có sự “nhùng nhằng” giữa chức năng quản lý với chức năng kinh doanh trong các cơ quan quản lý, thì sẽ khó tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của các DNNN. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất thành lập một cơ quan khác ngoài Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), để tiếp nhận quyền sở hữu của Nhà nước tại các DNNN. Thực tế, nếu chuyển toàn bộ DNNN về SCIC thì không ổn, bởi Nhà nước đầu tư không phải đơn thuần là thực hiện chức năng kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận chỉ là một phần, mà còn phải thực hiện nhiều chức năng khác. Việc ra đời một cơ quan thực hiện chức năng quản lý, kinh doanh vốn nhà nước mới là để đáp ứng yêu cầu này.