Diễn biến này đang góp thêm áp lực thử thách lòng kiên nhẫn của các nhà đầu tư chứng khoán bởi lo ngại về những tác động trực tiếp và gián tiếp diễn ra với DN Việt Nam.
Tại cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông sáng 10/5/2019, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ, trước thực tế chúng ta đang sống trong thế giới có quá nhiều thay đổi và bất định, hoạt động điều hành kinh doanh của Hãng diễn ra là hàng ngày và hàng tuần. Kế hoạch dài hạn về đầu tư cần nguồn lực dài hạn, nhưng phản ứng trong kinh doanh là phải cập nhật liên tục theo các diễn biến hàng ngày.
Các DN phải linh hoạt phản ứng trong kinh doanh, còn các nhà đầu tư thì sao? Thứ Năm tuần qua, những người không thường xuyên theo dõi thị trường có thể đã mất bình tĩnh khi mở bảng giá chứng khoán thấy sắc đỏ bao trùm và chỉ số giảm sâu, có lúc mất 15 điểm.
Tuy nhiên, với nhà đầu tư bình tĩnh hơn thì thấy, dù mã chứng khoán giảm điểm lan rộng, nhưng mức độ giảm của mỗi mã không lớn, mức giá đóng cửa giảm chỉ nằm sát dưới giá tham chiểu.
Các công ty chứng khoán đánh giá mức giảm của các mã chứng khoán không đáng kể. Giá trị khớp lệnh đạt 2.389 tỷ đồng, là phiên có mức thanh khoản thấp nhất trong 6 phiên liền nhau. Sang đến phiên cuối tuần, với áp lực tài khoản bị bào mòn và thị trường chưa thấy có dấu hiệu trở lại xu hướng tăng, nhiều nhà đầu tư không còn đủ kiên nhẫn đã bán hàng thoát ra khỏi thị trường.
Ở chiều ngược lại, lực mua xuất hiện nhiều hơn khi nhiều cổ phiếu có định giá thấp, xét trên tiêu chí P/E hoặc cổ tức trên thị giá, nhất là các cổ phiếu thị giá nhỏ. Chính vì thế thị trường tăng điểm nhẹ phiên cuối tuần, trấn an phần nào tâm lý nhà đầu tư.
Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, dòng tiền vẫn “giậm chân tại chỗ” chứ chưa có sự chuyển động đáng kể nào. Nhà đầu tư chưa đặt cửa cho kịch bản thị trường sáng. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong mấy phiên vừa qua là một chỉ báo có thể có những yếu tố khó lường phía trước nếu diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang.
Vấn đề kiểm soát tỷ giá sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào yếu tố bên ngoài. Chỉ tính trong vòng 4 ngày từ 6/5 đến 9/5/2019, đồng CNY đã mất giá khoảng 1,3%, xấp xỉ mức mất giá đã từng xảy ra vào giữa tháng 6/2018. Trong kịch bản NHTW Trung Quốc can thiệp để giữ đồng CNY như đã làm trong năm 2018, sự mất giá của CNY vẫn sẽ ảnh hưởng đến VND, ít nhất là ở khía cạnh tâm lý.
Tỷ giá biến động sẽ là yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc việc đầu tư. Các bên cùng phải chịu thử thách và chờ đợi những gì cụ thể phía trước. Thanh khoản thị trường vì yếu tố tâm lý giằng co này có thể còn thấp, cho đến khi có thêm thông tin mới đủ mạnh.
Trong lúc này, nhà đầu tư nên ứng xử như thế nào? Lúc thị trường chưa rõ ràng, cách dễ nhất là nên chờ đợi. Thị trường vẫn còn đó, bảo toàn được vốn thì cơ hội luôn có.