Lợi thế với công ty chứng khoán nắm “chìa khóa” IB (Kỳ 2): Con đường riêng của những công ty chứng khoán cỡ vừa

Lợi thế với công ty chứng khoán nắm “chìa khóa” IB (Kỳ 2): Con đường riêng của những công ty chứng khoán cỡ vừa

(ĐTCK) Có 3 công ty chứng khoán duy trì phong độ Top 3 vững chắc là Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Chứng khoán TP.HCM (HSC) và Chứng khoán Bản Việt (VCSC), với các mảng hoạt động khá toàn diện, nhất là mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB). Các công ty chứng khoán còn lại trong Top 10 cũng như những công ty khác đang có nhiều nỗ lực và lựa chọn “ngách” riêng để đầu tư, phát triển.

Hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) là một trong những nguồn thu lớn của các công ty chứng khoán và có vai trò lớn trong mục tiêu mở rộng số lượng khách hàng trong nước, yếu tố tác động trực tiếp lên thị phần môi giới, cũng chính là doanh thu môi giới. Không kể những công ty chứng khoán Top đầu, các công ty chứng khoán quy mô nhỏ hơn đang cạnh tranh nhau khá khốc liệt.

4 vũ khí cạnh tranh

“Vũ khí” cạnh tranh của các công ty bao gồm đội ngũ môi giới, chính sách margin, nguồn vốn cho vay margin và công nghệ. Những yếu tố này có sự bổ trợ lẫn nhau. Trong đó, mảng công nghệ được đánh giá cần nguồn vốn đầu tư không quá lớn, nhiều công ty chứng khoán đầu tư được, nhưng cái khó là khâu vận hành. Công ty cần có đội ngũ nhân sự kỹ thuật, công nghệ thông tin giỏi, tức phải dành nguồn lực, cả thời gian lẫn chi phí để đầu tư, nuôi quân cho mảng này.

VNDIRECT là một trong những công ty chứng khoán có sự đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ, phát triển các dịch vụ giao dịch trực tuyến, tiện ích tích hợp như bảng giá, báo cáo, diễn đàn, kỹ thuật… Các dịch vụ này thường xuyên được cải tiến và bổ sung tiện ích cho nhà đầu tư.

Thêm vào đó, đội ngũ môi giới của VNDIRECT khá năng động, có nhiều môi giới “cứng”, giúp Công ty phát triển mảng khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, chính sách cho vay margin khá “thoáng”. Nhờ vậy, thị phần môi giới của công ty chứng khoán này thường đứng ở vị trí thứ 4 - 5 và trong quý III/2017 vươn lên vị trí thứ ba.

Theo báo cáo tài chính quý III/2017, VNDIRECT đạt doanh thu 294,4 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng từ hoạt động môi giới (doanh thu đạt 88,7 tỷ đồng, tăng 63,3%) và lãi từ cho vay ký quỹ (đạt 94 tỷ đồng, tăng 65%). Thời điểm cuối tháng 9/2017, Công ty cho vay ký quỹ gần 2.700 tỷ đồng, tăng 820 tỷ đồng so với đầu năm.

Được xem là có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trực tuyến, nhưng Chứng khoán FPT (FPTS) có thị phần môi giới chưa cao. Tuy nhiên, một thế mạnh và có thể đó cũng là hướng đi riêng của FPTS chính là các sản phẩm báo cáo ngành chuyên sâu, với đội ngũ nhân viên phân tích am hiểu ngành, có sự tiếp cận trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp. Qua đó, Công ty có thêm cơ hội cung cấp các dịch vụ tư vấn doanh nghiệp.

Lợi thế với công ty chứng khoán nắm “chìa khóa” IB (Kỳ 2): Con đường riêng của những công ty chứng khoán cỡ vừa ảnh 1

Với Chứng khoán MB (MBS), công ty này có đội ngũ môi giới khá hùng hậu, hơn 400 nhân sự. Thực tế cho thấy, số lượng môi giới của một công ty chứng khoán có sự tương quan với số lượng khách hàng cá nhân, tức lực lượng nhân sự này đông thì lượng khách hàng cá nhân nhiều.

Ngoài ra, các môi giới của MBS được nhận xét là “máu lửa”, làm việc chuyên nghiệp, tiếp cận và xây dựng mối quan hệ thân thiết với các doanh nghiệp, qua đó đưa không ít tài khoản giao dịch cổ phiếu lớn của chính những doanh nghiệp đó về Công ty. Nguồn lực cho margin của MBS cũng khá dồi dào.

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đang vận động mạnh trên đường đua sau khi một số môi giới có nghề từ các công ty chứng khoán khác đầu quân về SHS. Thêm vào đó, SHS được đánh giá là có chính sách margin khá thoáng, tỷ lệ vay tốt, các gói lãi suất margin cạnh tranh và chế độ đãi ngộ cho môi giới hấp dẫn (thông qua mức chia phí môi giới).

Chưa nằm trong Top 10 về thị phần môi giới, nhưng Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) có dấu hiệu bứt phá cả về quy mô nguồn vốn, chất lượng dịch vụ và đội ngũ môi giới trẻ, năng động. Thời gian qua, VDSC cho ra mắt nhiều dịch vụ, sản phẩm mới, trong đó có dịch vụ giao dịch trực tuyến ETA.

Ông Nguyễn Hiếu, Tổng Giám đốc VDSC chia sẻ, ETA hướng đến những đối tượng nhà đầu tư không cần sử dụng đến môi giới mà có thể tự đầu tư, cái họ cần là thông tin cập nhật kịp thời và hệ thống giao dịch ổn định, thuận tiện.

Tại nhiều công ty chứng khoán lớn trên thế giới, nhất là ở Mỹ, Nhật Bản, Singapore, mảng khách hàng cá nhân áp dụng công nghệ thông tin phát triển rất mạnh và họ có thể quản lý hàng triệu tài khoản, giá trị quản lý lên tới ngàn tỷ USD, với mạng lưới giao dịch rộng khắp.

Thông qua dịch vụ giao dịch trực tuyến mà các công ty chứng khoán cung cấp, khách hàng không chỉ được cập nhật nhanh nhất các báo cáo do chính công ty thực hiện, mà còn được sử dụng các báo cáo từ các công ty khác.

Để làm được việc này, VDSC đã có nhiều năm xây dựng đội ngũ phân tích, ra mắt các báo cáo phân tích, bản tin chất lượng, cập nhật, để hỗ trợ khách hàng trong hoạt động đầu tư.

Một số công ty “đặc thù”

Trong khối các công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng như Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Chứng khoán ACB (ACBS), Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC)… cũng nhiều lần lọt vào Top 10 về thị phần môi giới, nhưng thị phần có khoảng cách không nhỏ so với Top 5 và thiếu ổn định. Tuy nhiên, những công ty này có lợi thế nguồn vốn dồi dào, có mối quan hệ tốt với một số doanh nghiệp đặc thù.

Đối với các công ty chứng khoán có vốn ngoại như Chứng khoán Maybank Kim Eng, Chứng khoán KIS Việt Nam, Chứng khoán Saigonbank Berjaya, Chứng khoán Phú Hưng…, trong năm 2017 thực hiện một số thương vụ tư vấn niêm yết nổi trội.

Các công ty chứng khoán này nhận được sự hỗ trợ của công ty mẹ, từ quản trị, nguồn vốn đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Thương hiệu của một số công ty ghi dấu ấn với một bộ phận nhà đầu tư cá nhân, bởi các sản phẩm báo cáo phân tích, báo cáo khuyến nghị khá kịp thời, chuẩn xác.

Dù thị phần chưa định danh trong Top 10, nhưng nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong thời gian tới, nhất là khi số lượng các doanh nghiệp FDI lên niêm yết đang tăng. Bên cạnh đó, các công ty này hướng tới tham gia thị trường chứng khoán phái sinh và các sản phẩm mới như chứng quyền có bảo đảm, vốn là các nghiệp vụ mà công ty mẹ có thế mạnh.

Tin bài liên quan