Lợi thế của BVSC là kinh nghiệm và hệ thống khách hàng

Lợi thế của BVSC là kinh nghiệm và hệ thống khách hàng

(ĐTCK) Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa được Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam trao tặng danh hiệu Nhà tư vấn M&A tiêu biểu nhất giai đoạn 2009 - 2013. Báo ĐTCK đã trao đổi với ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc BVSC tại Diễn đàn.

Trong thời kỳ đầu làm tư vấn các thương vụ M&A, đâu là khó khăn mà BVSC phải vượt qua, thưa ông?

BVSC dựa vào lợi thế kinh nghiệm và kiến thức đã triển khai khá nhiều hoạt động tư vấn M&A. Trong giai đoạn đầu, M&A là hoạt động khá mới mẻ, nên để một thương vụ thành công phải vượt qua nhiều trở ngại. Chẳng hạn, khung pháp lý còn thiếu, nhận thức của xã hội cũng như cơ quan quản lý về M&A còn chưa thống nhất.. là những trở ngại chính. M&A có nhiều hình thức như phát hành riêng lẻ, hoán đổi cổ phiếu, sáp nhập DN… đó là những khái niệm mà vài năm về trước còn rất ít được biết đến tại Việt Nam . Chúng tôi đã nỗ lực xây dựng quy trình chuẩn về M&A, hướng đến mục tiêu đặt ra, trên cơ sở tuân thủ hệ thống pháp luật và phù hợp với tập quán thị trường nước ngoài.

 

Sau 5 năm, nhận thức về M&A đã trở nên phổ biến và điều này có tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động M&A không, thưa ông?

Các hoạt động M&A đã phổ biến và thuận lợi hơn rất nhiều về môi trường pháp lý so với ngày đầu khi chúng tôi làm hồ sơ thương vụ tư vấn đầu tiên. Tuy nhiên, để có một môi trường thực sự thuận lợi, điều chúng tôi mong đợi là các nhà lập pháp cần tiếp tục xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng, nhất quán. Tôi hiểu rằng, đây là công việc cần nhiều thời gian, nhưng về phía DN, chúng tôi sẵn sàng góp ý chính sách, xuất phát từ các vướng mắc thực tế trong hoạt động của nghiệp vụ này, khi được tham vấn.

 

Thưa ông, sau các hợp đồng tư vấn M&A thì vai trò của nhà tư vấn hậu M&A như thế nào khi mà các bên mua bán thường dễ gặp trục trặc lúc  “về chung một nhà”?

Đúng là để có một thương vụ M&A thành công trọn vẹn là rất khó khăn, bởi M&A có tạo ra giá trị cho các chủ thể hay không, phụ thuộc vào chính nhận thức và cách hành xử của cả bên mua và bên bán. Từ hai chủ thể khác nhau, bên mua và bên bán “về chung một nhà”, cùng nhau làm nên đôi lúc, rất cần sự “hy sinh”, sự chia sẻ, mới có thể đạt được mục đích. Trong trường hợp có sự vướng mắc hậu M&A, vai trò của bên thứ ba (nhà tư vấn) rất quan trọng. Nhà tư vấn có thể giúp các bên hiểu rõ vấn đề và xích lại gần nhau hơn trong việc thực thi các mục tiêu đã đặt ra khi tiến hành M&A.

 

Không riêng BVSC, nhiều định chế tài chính cũng cung ứng dịch vụ tư vấn M&A ra thị trường. Vậy đâu là thách thức và lợi thế của BVSC, thưa ông?

Lợi thế của BVSC là kinh nghiệm thương thảo, giúp các bên hoàn thành thỏa thuận mua - bán, hoặc hợp tác thành công. Một lợi thế khác là chúng tôi có hệ thống khách hàng rộng lớn, mỗi khi BVSC tư vấn thành công cho một thương vụ, chúng tôi lại có thêm nhiều khách hàng đặt niềm tin vào Công ty.

Thực tế, BVSC nhận được khá nhiều lời mời tư vấn M&A, tìm kiếm đối tác để M&A từ các DN trong thời gian gần đây, tuy nhiên, như tôi đã nói, để có một thương vụ M&A thành công là không dễ dàng. Nhiều trường hợp đã đàm phán đến giai đoạn cuối rồi, mà vẫn không thành công vì nhiều lý do khác nhau. Đây là một đặc thù riêng có của mảng công việc này.

Điều đáng mừng là các DN ngày càng hiểu rõ hơn vai trò của M&A và mối quan tâm của họ dường như đang tăng dần, vì M&A hiệu quả có thể giúp DN bước nhanh hơn rất nhiều so với cách bước tự thân của mỗi DN. Tôi cho rằng, tiềm năng của thị trường M&A tại Việt Nam còn rất lớn, sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại cũng rất lớn với thị trường này.

 

Một trong những lý do M&A không thành công là bên bán thường kỳ vọng mức giá cao, trong khi bên mua chỉ muốn mua giá thấp. Vậy ông có tư vấn gì trong tình huống này?

Bên bán muốn bán giá cao, bên mua muốn mua giá thấp là lẽ đương nhiên trên thị trường. Tuy nhiên, có một đặc điểm mà các DN nên suy nghĩ lại. Các DN Việt Nam hay nhìn về giá, mà ít quan tâm đến giá trị khác của M&A như khả năng đối tác hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, thị trường… cho DN, nên hai bên không dễ gặp nhau. Tôi cho rằng, nhà tư vấn phải phát hiện ra những giá trị tiềm ẩn của cả 2 phía và thúc đẩy họ “nhìn thấy nhau”, hợp tác cùng nhau mới có thể đi đến một thương vụ M&A thành công.