1. Phải trải qua cái cảm giác trở thành nhân vật nhận được sự quan tâm một cách "đặc biệt" và "thái quá" bởi những người hàng xóm xung quanh mới thấy những cảm xúc trái chiều và đa phần là "ê chề" khi nằm trong diện "nghi ngờ" có thể lây nhiễm virus Covid-19.
Dù chỉ thuộc diện được y tế phường đến hỏi han về dịch tễ, nhưng từ bà hàng thịt quen ngoài chợ đầu ngõ, mọi khi đon đả, hồ hởi bỗng chốc bất giác kéo khẩu trang rồi ngập ngừng nửa muốn bán, nửa không. Từ người hàng xóm vẫn xởi lởi, đon đả cũng bất giác giật mình khi bước vào thang máy và không cả dám ngước lên nhìn dù đeo khẩu trang, kính, quần áo chống nắng như... phi hành gia.
Chẳng cần quan tâm thực hư nghi nhiễm ở đâu, có thực sự tiếp xúc với những người nhiễm bệnh hay không, chỉ cần là biết thông tin đang làm việc gần đó hoặc có người thân ở gần đó cũng đủ trở thành những nhân vật được quan tâm "đặc biệt" rồi.
Chẳng ngại ngần, chẳng ý tứ, đôi khi nhiều người thẳng băng nói vào mặt: "Sao không ở nhà tự cách ly, đi ra ngoài làm gì?" mà không cần nghe lời giải thích. Dù có phòng vệ “kín cổng cao tường” đến đâu, chỉ cần vừa bước chân ra khỏi thang máy hay hành lang là những người đi cùng vội vàng tìm chỗ đặt nước rửa tay, sát khuẩn, giống như mình đang là một bệnh nhân trốn trại vậy.
Hôm nọ, đang dọn dẹp nhà cửa, bỗng cô con gái nhỏ chỉ mới 5 tuổi khóc tu tu chạy vào nhà. Hỏi ra mới vỡ lẽ, một bà chị cùng tòa nhà thấy con mình chơi cùng mấy đứa nhỏ dưới khu vui chơi bất chợt ra nghiêm nghị đuổi về nhà, đồng thời cấm con bé không được bén mảng tới khu vui chơi nữa.
Phải dỗ dành và giải thích mãi, cô con gái nhỏ mới chịu ngừng khóc, thế nhưng phảng phất nét buồn rầu trên khuôn mặt ngây ngô của nó khiến mình chẳng ăn nổi bữa cơm vừa nấu xong. Ngẫm lại chẳng biết có nên đưa con về quê chơi với ông bà nội ngoại hay không nữa?
Cũng có nhiều người ý tứ hơn, không nói thẳng băng trước mặt, thế nhưng, cũng chẳng khó nhận ra những lời "nói bóng, nói gió" đằng sau những câu bình luận, chia sẻ trong những diễn đàn cả kín, cả công khai trên mạng xã hội.
Giữa những nỗi sợ hãi bao trùm, sự cẩn thận cũng là hợp lý bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Thế nhưng, ít ai hiểu rằng đằng sau những thái độ sỗ sàng dành cho những nhân vật đặc biệt như vậy là một cảm giác "buồn thì một mà bất an thì mười" của khổ chủ.
Đi đâu cũng phải nhìn người này, người kia, thậm chí nói cũng chẳng dám chứ đừng nghĩ đến chuyện hắt hơi, sổ mũi hay ho một tiếng vì chỉ sợ mọi người gọi ngay cho công an phường vào đưa đi cách ly.
2. Là phụ nữ, tôi có một nỗi sợ hãi giống bao người mẹ khác, đó là nỗi lo cơm áo gạo tiền. Tôi luôn sợ có biến cố gì đó xảy ra, nhất là những lúc dịch bệnh. Vì thế, đằng sau mỗi quyết định chi tiêu là hàng chuỗi phép tính phức tạp về ngân sách tiết kiệm, về dòng tiền tương lai…, đến nỗi ông chồng suốt ngày ca cẩm sao có vài đồng mà cứ phải lăn tăn suốt.
Thế nhưng, bây giờ, cùng với nỗi sợ nghèo đói, khi con bắt đầu nhận thức nhiều hơn, tôi lại thêm một nỗi lo nữa, đó là lo về nhận thức của con cái mình. Một ngôi nhà tiện nghi, sạch đẹp đảm bảo con cái có một nơi ăn chốn ở tử tế. Thế nhưng, những đứa trẻ không thể cứ thế lớn mãi ở đằng sau cánh cửa, mà phải bước ra ngoài và va chạm cuộc sống... Và khi đó, câu chuyện về nhận thức về cộng đồng là một bài toán lớn mà tôi thực sự vẫn loay hoay chưa thể có lời giải đáp.
Sự phát triển của internet, mạng xã hội khiến cho con người ta nghe được nhiều hơn, biết được nhiều hơn, và đặc biệt cũng nhanh nhạy hơn. Dẫu vậy, thay vì cách ứng xử văn minh hơn thì trái ngược lại, dường như nhiều người sỗ sàng hơn rất nhiều. Họ chẳng ngại văng tục chửi rủa, lăng mạ, chẳng ngại kỳ thị trước mặt nhau và cũng chẳng buồn xin lỗi dù biết mình đã ứng xử sai. Quan trọng với họ là được nói, được thể hiện.
Tôi đã từng chứng kiến một cán bộ có chức vụ cao về hưu và luôn tỏ ra đạo mạo, đứng đắn, dang tay ra tát một đứa trẻ nhỏ hàng xóm chỉ vì đứa bé nhỡ sút quả bóng vào chậu cây cảnh ông vừa mới trồng. Chưa hả giận, người đàn ông đó còn đứng đó chửi mắng thậm tệ. Phải đến khi bố mẹ đứa bé chạy sang làm ầm lên và mọi người khuyên can thì chuyện mới chấm dứt. Nhưng sau vụ đó, cả hai nhà cũng cạch mặt nhau luôn.
Cú tát dẫu không gây tổn thương bên ngoài gì với đứa bé, nhưng chắc chắn rằng nó sẽ là vết hằn in sâu vào trong trí nhớ của đứa trẻ và dù chưa chắc khiến nó thay đổi tâm tính, phần nào khiến nó có sự nhìn nhận lệch lạc hơn về cuộc sống, về cách ứng xử giữa con người với con người.
3. Từ ngàn đời nay, giao tiếp ứng xử có văn hoá, có đạo đức là cơ sở để có những mối quan hệ thân thiện trong cộng đồng, quan hệ tình nghĩa trong gia đình, quan hệ hợp tác trong kinh doanh là cơ sở để tạo ra mội trường xã hội có lợi cho sức khoẻ của con người.
Trong cuộc sống hàng ngày, người Việt Nam thiên về tình hơn về lý nên khi giao tiếp luôn đề cao vai trò của việc sử dụng ngôn ngữ đảm bảo cho sự đoàn kết nhất trí, cho cuộc sống vui vẻ, hài hoà. Ca dao Việt Nam có câu: “Lời nói chăng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’’ chính là nói đến văn hóa này. Thế nhưng ngẫm lại, chợt nhận ra những giá trị tốt đẹp ấy dường như đang phai mờ dần trong cuộc sống hiện đại…
Giai đoạn dịch bệnh này, ai ai cũng đều căng thẳng, thậm chí lo sợ, nhưng nếu giữa người với người ở trong xã hội hay những cộng đồng nhỏ hơn như những người hàng xóm trong khu chung cư đối xử với nhau nhẹ nhàng, chân tình hơn thì có lẽ ta cũng bớt đi cảm giác stress vì những âu lo dịch bệnh.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com