Lợi nhuận quý II dần hé lộ

Lợi nhuận quý II dần hé lộ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số doanh nghiệp thuộc nhóm chứng khoán, vận tải, thủy sản, dệt may đã chia sẻ thông tin về kết quả kinh doanh quý II/2021, với những con số lợi nhuận khả quan.

“Sống khỏe”

Trong khối chứng khoán, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) ước đạt 600 tỷ đồng lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm 2021, bằng khoảng 80% kế hoạch cả năm.

Một số công ty chứng khoán khác như Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS), Chứng khoán VNDIRECT (VND) cho biết, Công ty đã hoàn thành cơ bản mục tiêu lợi nhuận năm 2021, một phần do kế hoạch ban đầu khá thận trọng, nhưng quan trọng là thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan trong giai đoạn nửa đầu năm, giá và thanh khoản tăng cao.

Dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) trong quý II/2021 tăng 20 - 30% so với quý I/2021 đã giúp nhiều công ty ghi nhận thêm khoản thu.

Có quy mô nhỏ hơn, lãnh đạo các công ty Chứng khoán Thành Công (TCI), Chứng khoán Hòa Bình (HBS) chia sẻ, kết thúc 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp này có thể hoàn thành cơ bản kế hoạch kinh doanh cả năm 2021.

Trong lĩnh vực vận tải, theo ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT), 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp ước đạt 3.500 tỷ đồng doanh thu, bằng 60% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, bằng 84% kế hoạch năm và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn giai đoạn 2018 - 2019, khi chưa có dịch Covid-19. Hơn nữa, kết hoạch năm 2021 được PVT đặt ra khá khiêm tốn: doanh thu hợp nhất 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 404 tỷ đồng, lần lượt bằng 78% và 48% mức thực hiện năm 2020.

Ở lĩnh vực dệt may, ông Nguyễn Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) cho hay, trong tháng 6/2021, Công ty ước đạt doanh thu 13,85 triệu USD, nâng doanh thu 6 tháng đầu năm lên 81,35 triệu USD; lợi nhuận sau thuế 1,18 triệu USD, nâng lợi nhuận 6 tháng đầu năm lên 5,28 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ.

Mặc dù năm nay không có đơn hàng PPE và vải Anti-virus như cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhìn tổng thể từ đầu năm, đà tăng trưởng của Công ty được giữ vững, đạt kết quả kinh doanh tốt, một phần nhờ giá sợi tăng và biên lợi nhuận của sản phẩm sợi được cải thiện.

Đối với lĩnh vực thủy sản, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) ước tính, lợi nhuận trước thuế trong tháng 6/2021 đạt khoảng 100 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt hơn 300 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Về ngành ngân hàng, báo cáo của nhiều công ty chứng khoán nhận định, nhóm ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nhà nước chi phối như Vietcombank, VietinBank sẽ tiếp tục ghi nhận lợi nhuận khả quan trong quý II/2021 nhờ tăng trưởng tín dụng hồi phục.

Năm tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 4,7%, hơn gấp đôi so với mức tăng 2% của cùng kỳ năm 2020.

Thu nhập lãi ròng quý II/2021 sẽ tăng so với cùng kỳ năm ngoái do mức tăng trưởng tín dụng cao hơn. Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đã đạt hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nới hạn mức, đặc biệt đối với các ngân hàng có nguồn vốn mạnh như MB, HDBank, VPBank, Tecombank…

Kỳ vọng lợi nhuận phản ánh vào giá cổ phiếu

Anh Nguyễn Văn Dũng, nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, bức tranh kết quả kinh doanh quý II năm nay của các doanh nghiệp về cơ bản sẽ có nhiều điểm tương đồng như quý I. Các doanh nghiệp thuộc các ngành “sống khỏe” và miễn nhiễm với dịch Covid-19 sẽ giữ vững được phong độ như quý đầu năm, còn các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh phải có thêm thời gian mới phục hồi.

Anh Dũng dự báo, nhóm ngân hàng, chứng khoán, sắt thép sẽ duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý II/2021. Triển vọng này đã phản ánh một phần vào giá của cổ phiếu nên khi các doanh nghiệp chính thức “ra tin”, nếu kết quả cao hơn kỳ vọng, giá cổ phiếu có thể tiếp tục tăng. Ngược lại, kết quả kinh doanh bằng hoặc thấp hơn kỳ vọng, giá cổ phiếu sẽ chững lại, hoặc đi xuống.

“Nhiều cổ phiếu chứng khoán ghi nhận mức tăng 20 - 30% trong gần 1 tháng qua là do nhiều nhà đầu tư đã dự báo được lợi nhuận quý II/2021 của các công ty tăng trưởng vượt trội. Trong khi đó, cổ phiếu thép, năng lượng dần chững lại khi nhà đầu tư cho rằng, lợi nhuận quý II vẫn tốt, nhưng khó có sự đột biến so với quý I”, anh Dũng nói.

Nhìn lại kết quả kinh doanh quý I/2021, thống kê của FiinPro cho thấy, doanh thu thuần và lãi sau thuế các doanh nghiệp trên sàn tăng lần lượt gần 12% và 118% so với cùng kỳ năm 2020, do mặt bằng so sánh thấp của cùng kỳ; trong đó, lợi nhuận khối doanh nghiệp phi tài chính tăng trưởng 141%.

Tuy nhiên, diễn biến giá của một số cổ phiếu có phần “lệch pha” so với kết quả kinh doanh và xu hướng tăng của VN-Index. Chẳng hạn, giá cổ phiếu ngành bảo hiểm hiện giảm khoảng 3% so với đầu năm nay và chỉ tăng 27,2% so với 1 năm trước, dù đây là ngành có lợi nhuận năm 2020 tăng trưởng tốt (tăng 25%). Định giá P/B của ngành đang ở mức 1,5 lần, tương đương với P/B dự phóng năm 2021, nhưng thấp hơn so với mức trung bình 3 năm qua (2,2 lần).

Nguyên nhân có thể do lãi suất thâp, vì phần lớn danh mục đầu tư của bảo hiểm là tài sản nhạy cảm với lãi suất (70 - 80% là tiền gửi ngân hàng). Bởi vậy, động thái thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đầu ngành bảo hiểm như BVH, BMI, MIG có thể là yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu.

Dịch Covid-19 có thể chưa tác động nhiều đến lợi nhuận quý II/2021, nhưng quý III có khả năng là mùa báo cáo kinh doanh không tích cực.

Với lĩnh vực bất động sản, FiinPro đánh giá, chỉ số giá cổ phiếu hiện tăng 26,6% so với đầu năm, nhưng mức định giá vẫn hấp dẫn. Cụ thể, hệ số định giá P/E của ngành năm 2021 dự báo ở mức 20,4 lần, thấp hơn so với mức định giá hiện tại (22,2 lần) và mức trung bình 3 năm qua (24,8 lần); hệ số P/B đang ở mức 3,2 lần, thấp hơn so với mức trung bình 3 năm qua (5,7 lần).

Trong khi đó, cổ phiếu ngành bán lẻ tăng 22,8% so với đầu năm. Năm 2021, dự kiến doanh thu tăng 16,1% và lợi nhuận sau thuế tăng 32,2%. Trong quý I, doanh số bán hàng chưa bứt phá, nhưng lãi ròng tăng 36,5% so với cùng kỳ, nhờ biên lợi nhuận cải thiện. Cổ phiếu ngành này hiện có mức định giá P/E là 17,9 lần, vẫn hấp dẫn nếu so với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2021.

Công ty Chứng khoán TP.HCM lưu ý, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài từ cuối tháng 4 đến nay, nhưng khả năng chưa tác động nhiều đến kết quả kinh doanh quý II/2021 của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quý III có thể là mùa báo cáo kinh doanh không tích cực, nếu dịch bệnh chưa được khống chế, trong khi nền so sánh của quý III năm ngoái không còn ở mức thấp.

Tin bài liên quan