Giảm mạnh về giá
Bộ Nông nghiệp và Môi trường thông tin, xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2025 đạt 4,5 triệu tấn với 2,34 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng, song giảm 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2025 đạt 516,4 USD/tấn, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 41,4%; tiếp theo là Bờ Biển Ngà với thị phần 11,9%.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty cổ phần TCO Holdings tổ chức mới đây, ông Bùi Lê Quốc Bảo, Tổng giám đốc Công ty đã chia sẻ thẳng thắn về tình hình giá gạo xuất khẩu giảm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh ra sao.
Ông Bảo cho biết, xuất khẩu gạo năm 2025 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ giảm cả lượng và giá so với năm 2024. Do dư địa cho xuất khẩu gạo năm 2025 còn rất ít trong bối cảnh mức nền của năm 2024 vốn đã ở mức cao, trong khi có quá nhiều yếu tố bất lợi liên quan đến thị trường, đặc biệt là khi Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo.
Trong năm 2025, giá gạo có thể thấp hơn năm 2023-2024. Từ cuối năm 2024 đến nay, nhiều quốc gia trồng lúa lớn bước vào mùa thu hoạch, chẳng hạn Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân khiến giá gạo sụt nhanh. Các nhà nhập khẩu cũng đang thận trọng để đảm bảo tuân thủ các vấn đề pháp lý khi các đoàn thanh tra đến, dẫn đến việc họ hạn chế nhập các đơn hàng mới.
Trên sàn chứng khoán, Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán TAR) đã có hai năm kinh doanh thua lỗ (năm 2023 lỗ 15,5 tỷ đồng, năm 2024 lỗ 58,1 tỷ đồng). Bước sang năm 2025, tình hình kinh doanh tiếp tục khó khăn khi quý I/2025 Công ty lỗ thêm 16,1 tỷ đồng. Công ty cho biết, nguyên nhân chủ yếu do chi phí sản xuất của công ty mẹ tăng cao.
Chi phí đầu vào cao trong khi giá bán đầu ra giảm là một thách thức lớn mà doanh nghiệp ngành gạo phải đối mặt. Áp lực chi phí và biên lợi nhuận thấp, thậm chí lên kế hoạch thua lỗ trong năm 2025 là câu chuyện của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán LTG). Trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông vừa công bố, Lộc Trời dự kiến tổ chức họp vào ngày 14/7 tại An Giang với kế hoạch kinh doanh mục tiêu đạt 4.200 tỷ đồng (mức thấp nhất trong doanh thu 10 năm trở lại đây) và dự kiến lỗ kế toán trước thuế, lãi vay và khấu hao 524 tỷ đồng.
Đa dạng thị trường, nâng cao chất lượng
Trước sự sụt giảm giá trị xuất khẩu gạo tại các thị trường truyền thống và biến động nhu cầu nhập khẩu ở một số quốc gia, doanh nghiệp gạo Việt đã ứng biến linh hoạt, tìm cách đa dạng hoá thị trường, mở rộng thị trường mới, tiềm năng, đồng thời tập trung vào phân khúc gạo chất lượng cao, đây là mặt hàng giữ được giá ổn định với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao.
Mới đây, Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã có lô “Gạo Việt xanh phát thải thấp” với 500 tấn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đây là thành phẩm từ Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Sản phẩm được sản xuất với quy trình sản xuất đạt chuẩn quốc tế từ tiếp nhận nguyên liệu đến đóng gói xuất khẩu.
Không chỉ đảm bảo về chất lượng gạo mà còn bảo vệ môi trường, đánh dấu sự chuyển mình trong tư duy sản xuất, mở ra cánh cửa mới cho gạo Việt. Theo Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA), có 7 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu "Gạo Việt xanh, phát thải thấp" với tổng lượng gạo 19.200 tấn.
Hướng đi vào gạo chất lượng cao, nhiều công ty đã chú trọng đến vấn đề sản xuất và liên kết với nông dân trồng các giống lúa chất lượng cao mà thị trường ưa chuộng để xuất khẩu, tập huấn mô hình nông nghiệp sạch, xanh… Đồng thời nghiên cứu, tìm hiểu mở rộng thị trường như châu Phi, Trung Đông và một số thị trường chất lượng cao.
Hướng đi khả quan này giúp các doanh nghiệp như TAR tự tin hơn trong cải thiện bức tranh kinh doanh. TAR cũng vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên với kế hoạch kinh doanh năm 2025 mục tiêu đạt 4.200 tỷ đồng doanh thu và 8,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (cải thiện mạnh so với khoản lỗ hơn 58 tỷ đồng năm 2024).
Về định hướng kinh doanh, năm 2025, TAR mở rộng ngành nghề và phát triển chuỗi giá trị, Trung An định hướng mở rộng chuỗi giá trị trong lĩnh vực lương thực thông qua việc đầu tư vào du lịch nông nghiệp và mở rộng hoạt động sản xuất. Công ty sở hữu vùng nguyên liệu rộng lớn, bao gồm 800 ha đất canh tác hữu cơ và rừng tràm tự nhiên với hệ sinh thái đa dạng.
TAR xác định tiếp tục phát huy thế mạnh cốt lõi của Công ty trong lĩnh vực kinh doanh lương thực và xuất khẩu gạo. Công ty đã nghiên cứu và tổ chức lại cơ chế điều hành giá mua, giá bao tiêu và giá bán. Đồng thời chú trọng chăm sóc khách hàng hiện tại và tìm kiếm khách hàng tiềm năng để mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong những năm tiếp theo. Công ty cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để cắt giảm chi phí hoạt động…
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng TCO Holdings tin tưởng ngành gạo vẫn là lĩnh vực thiết yếu, liên quan đến an ninh lương thực quốc gia, nên tiếp tục được Chính phủ ưu tiên ổn định, liên tục sửa đổi, bổ sung các chính sách tạo điều kiện phát triển. Các chính sách mới được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó có việc hỗ trợ thâm nhập các thị trường mới như Ghana, Bờ Biển Ngà và Trung Quốc. Đồng thời Chính phủ cũng đang đề xuất phương án mở room tín dụng nhằm đảm bảo nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất lúa gạo theo mùa vụ.
Năm 2025, TCO Holdings đặt kế hoạch doanh thu 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 44 tỷ đồng. Chia sẻ về tính khả thi của kế hoạch, đại diện Công ty cho biết, trong quý I, TCO Holdings đã đạt 488 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 33 tỷ đồng. Công ty đặt mục tiêu này dựa trên các kỳ vọng công ty sẽ M&A thêm được một nhà máy xay xát, đánh bóng gạo. Vụ Hè Thu diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9 được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả tích cực, chỉ tiêu lợi nhuận được đặt ra theo hướng thận trọng, nhằm đáp ứng kỳ vọng của cổ đông vừa đảm bảo sự an toàn và ổn định hoạt động của Công ty.
Hiện tại, TCO Holdings đang tham gia vào chuỗi giá trị ngành gạo ở các khâu như sấy, xay xát và đánh bóng. Ông Nguyễn Hoàng Nam, Chủ tịch HĐQT TCO Holdings cho biết, Công ty đang tích cực hoàn tất thủ tục để được cấp giấy phép xuất khẩu gạo và rất kỳ vọng vào việc sớm nhận được giấy phép này. Khi có giấy phép, TCO Holdings có thể xuất khẩu trực tiếp cho các đối tác lớn đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ.
“Việc xuất khẩu trực tiếp sẽ giúp loại bỏ khâu trung gian, từ đó cải thiện đáng kể biên lợi nhuận. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ đóng góp khoảng 30% tổng doanh thu trong thời gian tới”, Chủ tịch HĐQT TCO Holdings đánh giá.
TCO kỳ vọng trong cuối tháng 6, đầu tháng 7 sẽ nhận được giấy phép xuất khẩu gạo trực tiếp. Tập đoàn Lộc Trời vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc với kỳ vọng sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Dù đối mặt với thách thức về biến động giá và nhu cầu sử dụng gạo trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn được kỳ vọng duy trì sản lượng xuất khẩu ổn định, chất lượng và thương hiệu là yếu tố then chốt giúp duy trì vị thế của gạo Việt. Biên lợi nhuận ngành gạo cũng được kỳ vọng sẽ được cải thiện, không còn “mỏng như lá lúa” nhờ hướng đi tập trung vào phân khúc chất lượng cao.