Lợi nhuận ngân hàng bị “níu” bởi khoản lỗ đầu tư

Lợi nhuận ngân hàng bị “níu” bởi khoản lỗ đầu tư

(ĐTCK) Năm 2011, một năm khó khăn, tưởng như khiến không ít ngân hàng từ lớn đến bé chao đảo. Không quá ngạc nhiên nếu các ngân hàng công bố sụt giảm lợi nhuận so với năm trước. Tuy vậy, thực tế lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn khá ổn định.

Tăng ổn định, bất chấp lỗ từ đầu tư chứng khoán

MBB vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2011 của ngân hàng mẹ. Theo đó, lãi thuần đạt hơn 1.640 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế cả năm đạt gần 5.400 tỷ đồng, tăng 59% so với năm 2010. Tất nhiên, con số này đáng phải cao hơn bởi hoạt động mua bán chứng khoán lỗ hơn 150 tỷ đồng trong quý IV/2011 và lỗ 530 tỷ đồng trong cả năm 2011 (gấp 3,5 lần cùng kỳ 2010). Hoạt động kinh doanh ngoại hối năm 2011 cũng bị lỗ 114 tỷ đồng. Các hoạt động khác, thu nhập từ góp vốn đều giảm mạnh trong quý IV/2011.

Quý IV/2011, lợi nhuận sau thuế của ACB đạt 1.092 tỷ đồng, lũy kế năm 2011 gần 3.194 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 2.622 tỷ đồng của năm 2010. Nhưng mảng mua bán chứng khoán cũng khiến ACB lỗ 214 tỷ đồng trong quý IV và lỗ 117,56 tỷ đồng năm 2011.

Tại Vietinbank, tình hình cũng tương tự hai ngân hàng trên. Quý IV/2011, thu nhập lãi thuần của CTG đạt 5,224 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ 2010, nhưng hoạt động kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán lần lượt lỗ 14,7 tỷ đồng và 71 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động khác mặc dù đạt gần 293 tỷ đồng, nhưng lại giảm 67% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế cả năm 2011 của CTG ước đạt 8.500 tỷ đồng.

Tổng giám đốc của một trong những ngân hàng lỗ trong kinh doanh đầu tư tài chính cho biết, khoản lỗ từ hoạt động mua bán chứng khoán do TTCK giảm sút. Tuy nhiên, ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và hy vọng TTCK sẽ phục hồi trong năm 2012 để sinh lời, trong trường hợp xấu nhất, ngân hàng sẽ cắt lỗ.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngân hàng, con số hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận công bố có vẻ lớn về giá trị tuyệt đối, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên quy mô tài sản và vốn tự có là không cao. Đó là chưa tính đến việc để có báo cáo lợi nhuận “đẹp”, các ngân hàng thậm chí phải “xào nấu” sổ sách. Trong khi đó, rủi ro về an toàn trong hệ thống vẫn hiển hiện.

 

Cơ hội trong năm 2012

Trao đổi với ĐTCK, tổng giám đốc của một ngân hàng chia sẻ, năm 2012, triển vọng kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, do vậy NHNN và Chính phủ vẫn phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để mỗi ngân hàng tự cải cách và làm mới mình, hoạt động với các tiêu chuẩn kinh doanh và quản trị rủi ro ở mức cao hơn, tạo nền tảng để phát triển bền vững trong tương lai. Trong khó khăn bao giờ cũng có cơ hội, người nào “khéo” vẫn tìm được hướng đi cho mình.

“Dự kiến năm 2012, tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng khoảng 30% so với năm 2011. Cụ thể, đạt 3.600 tỷ đồng so với 2.800 tỷ đồng của năm 2011”, vị lãnh đạo trên nói.

Ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ocean Bank nhìn nhận, năm 2012 vẫn là một năm khó khăn đối với hệ thống ngân hàng, nhưng không phải là không có đường ra, bởi nếu ngân hàng quản trị tốt vẫn giữ được tăng trưởng và có lợi nhuận. Bên cạnh đó, lợi nhuận không chỉ nằm trong tín dụng, mà còn từ phát triển mạng lưới, dịch vụ, sản phẩm…

Do vậy, các ngân hàng chắc chắn sẽ có những bước chuyển về chiến lược. Đặc biệt, năm 2012 sẽ là năm bắt đầu của sự phân loại trong hệ thống ngân hàng. Những ngân hàng nhỏ, khó khăn, thậm chí còn phải “ăn đong”, thì vấn đề là làm sao để tồn tại; ngân hàng trung bình vừa củng cố nhưng vẫn phải phát triển một cách chắc chắn, còn ngân hàng lớn không tăng trưởng nhiều, mà tập trung phát triển về chiều sâu.

“Mặc dù Ocean Bank vẫn đang chờ quyết định từ NHNN phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 mới trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh của năm 2012, nhưng dự kiến, Ocean Bank sẽ tăng trưởng trong khoảng 15 - 20%”, ông Thắm nói.

Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB, tình hình hoạt động cũng như sự phát triển của ngành tài chính - ngân hàng trong năm 2012 sẽ thuận lợi hơn năm 2011, bởi tất cả đều đã xác định khó khăn phía trước nên không bị bất ngờ. Điều này khác biệt so với năm ngoái là các ngân hàng hào hứng hoạt động nhưng bất ngờ gặp khó khăn. Ông Tuấn cho biết, OCB dự kiến tăng trưởng 20% trong năm 2012.