Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 ở mức cao. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 ở mức cao. Ảnh: Dũng Minh

Lợi nhuận ngân hàng 2021 đều tăng 2 con số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vượt qua năm khó khăn 2020 với kết quả khá tích cực là bước đệm để các ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 ở mức 2 con số.

Nhiều ngân hàng lên kế hoạch lợi nhuận tăng 25-30%

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 25.200 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2019, một số chỉ tiêu khác như tổng tài sản tăng 6%, huy động vốn thị trường 1 tăng 8%, tín dụng tăng 12% và tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.

Năm 2021, MB đưa ra kế hoạch kinh doanh khá thách thức với lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 25-30% so với thực hiện năm 2019, tương đương đạt hơn 14.600 tỷ đồng; tổng tài sản tăng khoảng 15% lên 545.000 tỷ đồng; tín dụng tăng trưởng theo chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước giao, nhưng phấn đấu ở mức cao nhất; tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hợp nhất dưới 1,3%. MB cũng đặt mục tiêu tăng năng lực bán chéo của Tập đoàn ở mức 40-50%.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, năm 2021, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận từ 10-20%; tổng tài sản tăng khoảng 3-6%; tín dụng tăng 8-11% và huy động tăng 10-12%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. SSI Research đưa ra dự báo rằng, VietinBank có thể thu 350 triệu USD từ thỏa thuận bancassurance độc quyền với Manulife Việt Nam được ký kết vào cuối năm 2020.

Với MSB, ngân hàng này không đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng năm mà cho cả giai đoạn 2021 - 2024. Theo đó, trong giai đoạn này, MSB lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 30%/năm; tổng tài sản tính đến năm 2024 đạt 340.400 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng kép khoảng 17%/năm thông qua đầu tư công nghệ, tái cấu trúc nhóm khách ưu tiên...

Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, lợi nhuận trước thuế mục tiêu 2021 của OCB tăng khoảng 15%, đạt 5.560 tỷ đồng. Theo ông Tùng, trong bối cảnh khó khăn của năm 2020 khi dịch Covid-19 xảy ra và kéo dài, nhưng ngành ngân hàng vẫn đạt được kết quả tích cực, riêng OCB đạt lợi nhuận trước thuế 4.414 tỷ đồng, hoàn tất mục tiêu đề ra.

Ông Tùng cho rằng, lợi nhuận ngân hàng một phần đến từ sự biến động lãi suất trên thị trường vốn và mức thanh khoản dồi dào trong hệ thống. Thanh khoản tốt dẫn đến lãi suất giảm sâu, trong đó có 2 mức lãi suất giảm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu. Tuy nhiên, để xác định ngân hàng lãi nhiều, lãi ít thì cần nhìn vào các chỉ tiêu tài chính cơ bản như tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROA), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROE)…

“Ngân hàng là một ngành kinh doanh rủi ro và gắn chặt với biến động của nền kinh tế. Về cơ bản, khi việc kinh doanh tốt cũng là lúc ngân hàng cần có phương án dự phòng cho những giai đoạn nhiều rủi ro hơn. Nguồn dự trữ này không thể lúc nào cũng huy động từ các cổ đông, mà phải lấy từ lợi nhuận hoạt động kinh doanh. Ví dụ, kiểm soát rủi ro theo chuẩn của Basel II, ngân hàng luôn cần có phương án cho những kịch bản kinh tế xấu nhất để đảm bảo các chỉ số an toàn vốn”, ông Tùng nói.

Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo, lợi nhuận năm 2021 của các ngân hàng sẽ tăng tích cực hơn năm 2020. Theo VNDirect, hệ thống ngân hàng là kênh chính, nơi Chính phủ sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, kỳ vọng tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục được duy trì mức cao và Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy nền kinh tế cũng như tín dụng tăng trưởng cao trong năm nay.

Từ bước đệm của năm 2020

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, sở dĩ ngân hàng đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận 2 con số năm 2021 là dựa trên kết quả tích cực trong năm 2020.

Đơn cử, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 22.529 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất 23.068 tỷ đồng trong năm 2020, tương đương kết quả của năm 2019, các chỉ tiêu ROA và ROE lần lượt là 1,42% và 20,48%. Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, năm 2020 là lần đầu tiên trong 5 năm qua Ngân hàng không tăng lợi nhuận.

“Trong năm 2020, Vietcombank đã giảm lãi suất vay khoảng 3.700 tỷ đồng mà lợi nhuận vẫn tương đương với năm 2019 là một kết quả tốt”, ông Thành nhấn mạnh và chia sẻ thêm, kế hoạch lợi nhuận năm 2021 được xây dựng trên kết quả tích cực này.

Tương tự, lợi nhuận hợp nhất năm 2020 của MB đạt 10.688 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2019, trong đó riêng Ngân hàng mẹ đạt 9.698 tỷ đồng, tăng 4,4% và cao hơn so với mục tiêu đề ra ban đầu. Các chỉ tiêu ROE và ROA của MB đều nằm trong Top 5 ngân hàng cao nhất thị trường, trong đó ROE đạt 18,66%.

Thực tế, không ít ngân hàng báo lãi lớn trong năm 2020. Đáng chú ý, việc dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt đã giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp dần hồi phục, từ đó tác động tích cực lên tín dụng, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Chia sẻ tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng vào cuối tháng 12/2020, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng năm 2020 tăng khoảng 11% và mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 là 12%. Theo ông Tú, đây là con số định hướng và Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh khi cần thiết.

SSI Research ước tính, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng năm 2021 sẽ tăng khoảng 15% so với năm 2020 trên cơ sở tín dụng toàn ngành tăng khoảng 12 - 13%. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tại nhiều ngân hàng sẽ cải thiện và NIM trung bình năm 2021 sẽ tăng 10 điểm cơ bản, lên mức 3,56%. Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi năm nay sẽ tăng khoảng 8,7% so với năm trước do thu nhập thuần từ phí phục hồi, bù đắp cho sụt giảm thu nhập từ kinh doanh ngoại hối và trái phiếu chính phủ.

Liên quan tới nợ xấu, với kỳ vọng nền kinh tế tăng trưởng cao năm 2021, sự hình thành nợ xấu được cho là sẽ giảm so với năm 2020. Theo đó, các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ xu hướng này do đã tích cực xử lý nợ xấu (bao gồm trái phiếu VAMC) trong năm qua. SSI Research ước tính, chi phí tín dụng cho các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối và các ngân hàng cổ phần tư nhân trong năm 2021 lần lượt là 1,36% và 1,57%, giảm so với mức 1,67% và 1,63% của năm 2020.

VNDirect cũng nhìn nhận, nền kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi, tương quan với xu hướng phục hồi nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. Nhờ đó, các hoạt động thương mại, sản xuất, dịch vụ, bao gồm cả du lịch, sẽ tích cực trở lại, thúc đẩy tín dụng tăng cao trong năm 2021. Theo đó, VNDirect dự báo tín dụng năm 2021 sẽ tăng khoảng 13-14%.

Tuy nhiên, giới phân tích kinh tế - tài chính cũng đưa ra cảnh báo, nợ xấu khả năng sẽ tăng cao khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do Ngân hàng Nhà nước ban hành hết hạn. Khi đó, áp lực trích lập dự phòng nợ tái cơ cấu có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà, đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 335.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5%/năm so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 400.000 khách hàng.

Đưa ra đánh giá lạc quan, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư tại Dragon Capital cho rằng, nợ xấu của ngân hàng hiện không phải là điều quá lo ngại bởi các ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng rủi ro trong năm 2020. Khi nợ xấu được xử lý thì còn được hoàn nhập dự phòng, cải thiện lợi nhuận.

Tin bài liên quan