VN-Index trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng 21,6% giúp nhiều công ty chứng khoán ghi nhận lãi lớn từ hoạt động tự doanh.

VN-Index trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng 21,6% giúp nhiều công ty chứng khoán ghi nhận lãi lớn từ hoạt động tự doanh.

Lợi nhuận công ty chứng khoán phân hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quý III/2021, trong khi nhiều công ty chứng khoán lãi lớn thì một số công ty khác ghi nhận lợi nhuận suy giảm, thậm chí thua lỗ.

Lợi nhuận tiếp tục đột biến

Sau giai đoạn thăng hoa nửa đầu năm 2021, thị trường chứng khoán quý III có một số đợt tăng giảm, rồi đi ngang, VN-Index đến cuối quý giảm gần 5% so với cuối quý II, nhưng nhiều công ty chứng khoán vẫn lãi lớn.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, không ít công ty chứng khoán thực hiện vượt xa kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm như Chứng khoán SSI (SSI), Chứng khoán VietinBank, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, Chứng khoán BIDV (BSC), Chứng khoán Thành Công…

Trong quý III/2021, công ty mẹ SSI đạt lợi nhuận trước thuế 830,8 tỷ đồng, tăng 103%; lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 đạt 2.062,6 tỷ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 9 tháng đầu năm nay của SSI đạt 2.100 tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch năm.

Công ty Chứng khoán An Phát (APG) đạt hơn 58 tỷ đồng doanh thu và 45 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2021, lần lượt tăng gần 8 lần và gần 10 lần so với quý III/2020.

Trong cơ cấu doanh thu quý III năm nay, doanh thu từ hoạt động môi giới tăng hơn 40 lần, đạt 21,5 tỷ đồng; doanh thu từ hoạt động tư vấn tài chính đạt 30 tỷ đồng, trong khi mảng này của cùng kỳ năm ngoái không phát sinh doanh thu.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, APG đạt hơn 105 tỷ đồng doanh thu và 91,6 tỷ đồng lợi nhuận, tăng lần lượt 6 và 8 lần so với cùng kỳ năm 2020. So với kế hoạch kinh doanh năm 2021 đã điều chỉnh tăng vào đầu tháng 10, APG đã hoàn thành lần lượt 75% doanh thu và trên 90% kế hoạch lợi nhuận.

Tại Công ty Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS), doanh thu hoạt động quý III/2021 đạt 134 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng tự doanh đóng góp 119 tỷ đồng, nghiệp vụ môi giới chứng khoán đóng góp 4,6 tỷ đồng (gấp đôi cùng kỳ). Sau khi trừ các loại chi phí và thuế, APS ghi nhận lãi sau thuế 96,9 tỷ đồng, gấp gần 7 lần cùng kỳ; luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021 lãi 134 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ.

BSC ghi nhận 104,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2021, tăng 53% so với quý III/2020, nhờ doanh thu hoạt động tăng 61%, đạt 320 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, Công ty đạt doanh thu hoạt động 920,6 tỷ đồng, tăng 27,4%; lãi sau thuế 281 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2020.

Đối với Công ty Chứng khoán Thành Công (TCI), quý III/2021 đạt tổng doanh thu 74,4 tỷ đồng, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, doanh thu hoạt động đại lý phát hành chứng khoán 12,2 tỷ đồng, tăng 453,4%; doanh thu hoạt động môi giới 12,8 tỷ đồng, tăng 239,4%; doanh thu cho vay ký quỹ 15,7 tỷ đồng, tăng 248,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế quý III/2021 đạt 40,5 tỷ đồng, tăng 76,4% so với cùng kỳ.

Theo bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên viên phân tích SSI, sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của nhiều công ty chứng khoán có thể dễ dàng đoán trước được.

Ba yếu tố chính mang lại kết quả kinh doanh tích cực là hoạt động tự doanh hiệu quả, thanh khoản thị trường chứng khoán ở mức cao giúp doanh thu hoạt động môi giới tăng và nhu cầu vay giao dịch ký quỹ (margin) của nhà đầu tư gia tăng dẫn đến doanh thu nghiệp vụ này được cải thiện.

Thống kê cho thấy, trên HOSE, VN-Index trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng 21,6%; giá trị khớp lệnh bình quân trong quý III trên HOSE đạt 19.785 tỷ đồng/phiên, gần bằng mức bình quân cao kỷ lục 19.838 tỷ đồng/phiên trong quý II. Dư nợ margin tính tính đến cuối quý III/2021 của 60 công ty chứng khoán tốp đầu đạt gần 154.000 tỷ đồng, lập kỷ lục mới.

Lợi nhuận giảm chủ yếu ở nhóm công ty nhỏ

VN-Index có một số đợt điều chỉnh trong quý III/2021 khiến hoạt động tự doanh của một số công ty chứng khoán không đạt được như kỳ vọng. Thêm vào đó, thị phần môi giới tập trung vào Top 10 trong tổng số hơn 100 công ty, nên những công ty tốp dưới khó có thể cạnh tranh, dẫn đến kết quả kinh doanh kém khả quan.

Một số công ty chứng khoán thua lỗ trong quý III/2021 là Chứng khoán Bảo Minh, Chứng khoán Đại Việt, Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chứng khoán Globalmind Capital, Chứng khoán EuroCapital…

Cụ thể, trong quý III/2021, Công ty Chứng khoán Bảo Minh (BMS) đạt doanh thu hoạt động 54,5 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính dẫn đến sự đi xuống của doanh thu là phần lãi từ các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chỉ đạt 29 tỷ đồng, trong khi phần lỗ từ FVTPL xấp xỉ 78 tỷ đồng, dẫn đến lỗ gộp mảng tự doanh gần 66 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí hoạt động tăng 11,5%, lên mức 96,6 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế âm 47,8 tỷ đồng (cùng kỳ âm 32,2 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế âm 38,2 tỷ đồng (cùng kỳ âm 25,8 tỷ đồng).

Nhờ kết quả kinh doanh bứt phá trong nửa đầu năm nên tính đến hết tháng 9/2021, BMS vẫn đạt 103 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (cùng kỳ năm ngoái lỗ 62 tỷ đồng).

Công ty Chứng khoán Đại Việt (DVSC) ghi nhận lỗ gần 2,5 tỷ đồng trong quý III/2021, trong khi cùng kỳ năm 2020 lãi 10,2 tỷ đồng, dù doanh thu hoạt động tăng 50% so với cùng kỳ, đạt 28 tỷ đồng. Lý do là các khoản chi phí tăng 2,5 lần, lên hơn 30,5 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, DVSC lỗ sau thuế 28 triệu đồng (cùng kỳ lỗ 15 tỷ đồng).

Công ty Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) lỗ trước thuế hơn 1,4 tỷ đồng trong quý III/2021, dù tổng doanh thu gấp 1,6 cùng kỳ năm ngoái, do tỷ lệ lợi nhuận của các mảng hoạt động ở mức thấp, trong khi chi phí tăng cao. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, VIG đạt doanh thu hoạt động 6,8 tỷ đồng, tăng 34%, nhưng lợi nhuận âm 3,3 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Globalmind Capital (GMC) đạt doanh thu hoạt động 2,2 tỷ đồng trong quý III/2021, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng các khoản chi phí tăng lên 3,1 tỷ đồng, dẫn đến lỗ sau thuế xấp xỉ 1,2 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, GMC lỗ hơn 3,7 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 5,4 tỷ đồng). Tính từ đầu năm 2018 đến nay, công ty này có 11/14 quý thua lỗ; lỗ lũy kế đến cuối quý III/2021 gần 28 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán EuroCapital (ECC) thua lỗ quý thứ 12 liên tiếp, với khoản lỗ trong quý gần nhất là 1,1 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 lỗ 3,3 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế tính đến 30/9/2021 lên gần 65 tỷ đồng. Trong quý III/2021, ECC đạt doanh thu hoạt động vỏn vẹn 23 triệu đồng.

Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) đạt doanh thu hoạt động 76,3 tỷ đồng trong quý III/2021, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu tăng ở các khoản cho vay và phải thu, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán và nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán. Lãi bán các tài sản tài chính là 7,3 tỷ đồng, giảm so với mức 8,9 tỷ đồng của cùng kỳ, trong khi lỗ tự doanh ghi nhận 12,7 tỷ đồng và chi phí quản lý công ty tăng gần gấp đôi.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế giảm từ 47 tỷ đồng của quý III năm ngoái xuống 29,7 tỷ đồng trong quý III năm nay; lãi sau thuế là 22,8 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, AGR ghi nhận lợi nhuận tăng gần 3 lần so với cùng kỳ, đạt 317 tỷ đồng, nhờ tăng trưởng tích cực trong những tháng đầu năm.

Tin bài liên quan