Lợi nhuận công ty bất động sản “bốc hơi” sau soát xét

0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo tài chính sau soát xét của nhiều doanh nghiệp địa ốc phản ánh kết quả kinh doanh đi xuống, kéo lợi nhuận “bốc hơi” theo.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sau soát xét, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2021 của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang (Long Giang Land) giảm 4,3 tỷ đồng so với con số trong báo cáo tài chính tự lập. Nguyên nhân được chỉ ra là chưa sắp xếp, thực hiện được việc soát xét số liệu của công ty con và công ty liên kết.

Cụ thể, Long Giang Land chỉ đạt 1,91 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm, theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ soát xét được lập ngày 30/9. Trong khi đó, con số mà công ty này đưa ra trong báo cáo tự lập là 6,15 tỷ đồng.

Lý giải với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về mức chênh lệch lợi nhuận sau thuế trước và sau soát xét, Tổng giám đốc Long Giang Land, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, nguyên nhân là do ghi nhận bổ sung 1,7 tỷ đồng chi phí tài chính hoạt động kinh doanh bất động sản, cộng với trích lập dự phòng bổ sung khoản đầu tư vào công ty liên kết (Công ty cổ phần Xây dựng Hạ Long - PV) số tiền 500 triệu đồng.

Mặt khác, Long Giang Land ghi giảm khoản thu nhập khác (lãi chậm thanh toán) hợp đồng chuyển nhượng sàn thương mại văn phòng cho Công ty cổ phần Rivera Hà Nội số tiền 2,4 tỷ đồng do hoạt động kinh doanh khai thác sàn này bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Phía kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C cho biết, họ không thể đưa ra ý kiến về tính chính xác, tính đầy đủ của số dư dự phòng đầu tư dài hạn (1,26 tỷ đồng) của Long Giang Land vào công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản May thêu Việt Hưng tại thời điểm ngày 30/6/2021 do không được tiếp cận hồ sơ, chứng từ kế toán của công ty con để thực hiện thủ tục kiểm toán hoặc soát xét số liệu để đánh giá số trích lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư vào công ty con.

Tương tự, phía kiểm toán cũng không thể đưa ra ý kiến về tính chính xác, tính đầy đủ của số dư dự phòng đầu tư dài hạn (1,51 tỷ đồng) vào công ty liên kết là Công ty cổ phần Xây dựng Hạ Long tại ngày 30/6/2021.

Còn Long Giang Land giải trình rằng trong kỳ soát xét, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản May thêu Việt Hưng và Công ty cổ phần Xây dựng Hạ Long.

Long Giang Land không phải trường hợp duy nhất bị điều chỉnh giảm lợi nhuận sau soát xét trong nửa đầu năm 2021. Hiện tượng điều chỉnh mạnh trên báo cáo tài chính không loại trừ xảy ra ở các doanh nghiệp địa ốc quy mô lớn hay nhỏ. Thế nhưng, việc điều chỉnh giảm kết quả doanh thu và lợi nhuận lại ảnh hưởng đến mức độ tin cậy của báo cáo tài chính tự lập, cũng như sự minh bạch của doanh nghiệp địa ốc trong mắt nhà đầu tư.

Sau soát xét, lợi nhuận ròng bán niên hợp nhất năm 2021 của Công ty cổ phần Địa ốc First Real lao dốc đến 75%, xuống còn 2,3 tỷ đồng. Lý giải về vấn đề này, First Real cho rằng, nguyên nhân đến từ khoản lỗ tài chính do Công ty mất quyền kiểm soát công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Protech (Công ty con tăng vốn cho các cổ đông không kiểm soát, dẫn tới thay đổi tỷ lệ sở hữu của các cổ đông).

Mặt khác, doanh thu thuần giảm 33% và chi phí tài chính tăng gấp 12 lần, còn chi phí bán hàng cũng tăng gấp 2,8 lần cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận ròng của First Real “bay nhanh”.

Một trường hợp khác là Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo. Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét nửa đầu năm, lãi ròng của nhà phát triển bất động sản công nghiệp này bay mất 21% so với báo cáo tự lập, còn gần 75 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu thuần của Tân Tạo trong kỳ tăng 21% lên gần 322 tỷ đồng, nhưng chi phí tăng mạnh đã kéo lãi ròng hụt hơi. Tác nhân chủ yếu là do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 60% so với trước soát xét, lên hơn 45 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận gộp không thay đổi đáng kể. Ngoài ra, Tân Tạo còn phát sinh khoản lỗ hơn 5 tỷ đồng trong công ty liên doanh, liên kết không được đề cập ở báo cáo tự lập.

Ngay cả đến “ông lớn” bất động sản FLC cũng chứng kiến lợi nhuận điều chỉnh giảm dù doanh thu thuần có tăng sau soát xét. Mức lợi nhuận sau thuế sau soát xét của FLC trong nửa đầu năm 2021 giảm 1,7% so với báo cáo tự lập, trong khi doanh thu thuần hợp nhất của tập đoàn này tăng gần 11% so với báo cáo tự lập, lên hơn 4.160 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận gộp của FLC lại đảo chiều từ mức lãi 58,4 tỷ đồng trong báo cáo tự lập, sang lỗ 41,2 tỷ đồng sau soát xét.

Theo lý giải của FLC, do một số điều chỉnh giao dịch hợp nhất, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cùng giá vốn bán hàng tăng tương ứng 11% và 14%, dẫn đến lợi nhuận gộp đảo chiều. Đồng thời hoạt động tài chính tăng gần 25%, nên lợi nhuận sau thuế không thay đổi đáng kể.

Tin bài liên quan