Nhu cầu vay tiêu dùng đang gia tăng cùng với sự ra đời và phát triển của các công ty tài chính tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, giai đoạn 2012 - 2015, dư nợ cho vay tiêu dùng tăng trưởng mạnh, bình quân đạt 20%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn này.
10 tháng đầu năm nay, cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM tăng tới 32%. Giai đoạn 2014 – 2015, cho vay tiêu dùng chiếm 6 - 8% tổng dư nợ trên địa bàn thì 10 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ này là 14,7% (tương đương 201.000 tỷ đồng). Thị phần cho vay tiêu dùng đã tăng gấp đôi so với 2 năm trước đó. Nợ xấu trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng là 2,58% trên tổng dư nợ tín dụng.
Quy chế cho vay tiêu dùng được ban hành từ năm 2000 và đã qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi, tuy nhiên, vấn đề gây nhiều tranh cãi hiện nay chính là lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng, nhất là tại các công ty tài chính vẫn ở mức cao.
Theo thống kê Ngân hàng Nhà nước thì chi phí vốn của công ty tài chính (tức chi phí vốn đầu vào) hiện nay thấp nhất là 11 - 12%/năm do các công ty tài chính không được huy động vốn từ khu vực dân cư, chưa kể đến các chi phí thẩm định, quản lý khoản vay nhỏ lẻ khiến chi phí đầu vào của công ty tài chính có thể cao hơn mức trên, nên lãi suất cho vay ra của công ty tài chính cao hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại.
"Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước rất khó xử khi nhận được nhiều phản ánh về việc công ty tài chính vi phạm quy định về lãi suất"
- Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM.
Nhìn nhận về câu chuyện lãi suất cho vay tiêu dùng, TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, chi phí vốn của công ty tài chính khác xa so với ngân hàng thương mại và đối tượng cho vay cũng rất khác.
Khách hàng của công ty tài chính là người có thu nhập trung bình thấp, không ổn định, không có tài sản thế chấp, kiến thức tài chính thấp, khó tiếp cận vốn của ngân hàng, khoản vay nhỏ lẻ… nên lãi suất cho vay phải cao hơn so với ngân hàng thương mại, nhằm bù đắp rủi ro và chi phí quản lý hợp đồng.
Cũng theo TS. Tín, chưa hẳn các ngân hàng cho vay tiêu dùng lãi suất thấp, vì thực tế có những giai đoạn ngân hàng cấp tín dụng tín chấp có lãi suất đến 31%/năm.
Ông Tín đưa ra ví dụ, lãi suất cho vay trung bình ở Đức, Pháp, Mỹ từ 4 - 7%/năm; Singapore, Malaysia từ 10 - 15%/năm, còn ở các ngân hàng thương mại Việt Nam cao hơn nhiều vì lạm phát của Việt Nam khác với họ.
Lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính ở các nước cũng cao gấp 3 - 10 lần lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại. Tại Mỹ, ngân hàng cho vay 4%/năm, trong khi cho vay tiêu dùng công ty tài chính cung cấp có lúc đến 40%/năm. Do vậy, không thể nói lãi suất của công ty tài chính Việt Nam hiện nay là cao so với ngân hàng thương mại.
Ngân hàng Nhà nước... khó xử!
Dự thảo lần hai Quy chế cho vay tiêu dùng đối với công ty tài chính sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước đang được đưa ra lấy ý kiến các thành viên thị trường đã đưa ra quy định ràng buộc lãi suất của công ty tài chính.
Theo đó, các công ty tài chính phải công bố lãi suất thấp nhất và cao nhất, đây là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước đánh giá công ty tài chính, với rủi ro đó thì lãi suất nào là phù hợp. Đồng thời, Dự thảo cũng yêu cầu công ty tài chính phải niêm yết lãi suất theo năm, thay vì theo tháng...
Điều này được ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, sẽ giảm bớt bức xúc của người dân, giúp họ dễ dàng so sánh với lãi suất ngân hàng, hạn chế công ty tài chính đưa mức lãi suất quá cao.
“Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước rất khó xử khi nhận được nhiều phản ánh về việc công ty tài chính vi phạm quy định về lãi suất. Theo quy định thì không vi phạm, nếu có chúng tôi đã xử lý rồi. Điểm mới trong dự thảo sẽ giúp chúng tôi có cơ sở pháp lý để quản lý, kiểm tra, giám sát, công ty tài chính thúc đẩy chiến lược thu hút người vay”, ông Minh nói.
Trong khi đó, bà Phạm Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Pháp chế và tuân thủ FE Credit cho biết, thực tế triển khai cho vay tiêu dùng cho thấy, khách hàng khi vay không quan tâm lãi suất theo năm hay tháng, mà họ quan tâm là một tháng phải trả bao nhiêu tiền lãi. Trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều công ty tài chính, nên lãi vay sẽ phải cạnh tranh.
Lãnh đạo một công ty tài chính khác cho rằng, mong muốn của Ngân hàng Nhà nước khi ra quy định này là để người tiêu dùng có thể so sánh với lãi suất công ty tài chính với ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, sự so sánh này là khập khiễng, vì thực chất khoản vay của công ty tài chính và ngân hàng thương mại hoàn toàn khác nhau về cả giá trị, điều kiện cho vay, đối tượng khách hàng vay và thời hạn vay.
Một bất cập khác trong Dự thảo cũng được lãnh đạo công ty tài chính nêu ra, đó là quy định khi đến hạn thanh toán, khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận tại hợp đồng thì sẽ áp dụng lãi phạt đối với dư nợ gốc quá hạn do công ty tài chính thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng cho vay tiêu dùng, nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn.
Trường hợp khách hàng không trả lãi tiền vay đúng hạn, khách hàng còn phải trả cho công ty tài chính tiền lãi đối với số lãi tiền vay chậm trả theo mức lãi suất do công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận, nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số lãi tiền vay chậm trả trong thời gian chậm trả.
Quy định này, theo bà Vương Thủy Tiên, Thành viên Hội đồng thành viên Home Credit Việt Nam, không thể áp dụng trên sản phẩm lãi suất 0%, vì lãi phạt trên dư nợ gốc quá hạn dựa trên lãi trong hạn, mà lãi trong hạn với sản phẩm này là 0%/năm. Việc này sẽ làm mất đi ý nghĩa của chế tài xử phạt cho những khách hàng vi phạm các cam kết tại hợp đồng vay, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc kiểm soát nợ xấu của công ty tài chính. Vì vậy, quy định này có thể khiến các công ty tài chính không thể tiếp tục cung cấp những sản phẩm cho vay trả góp lãi suất 0%/năm, người dân mất đi khả năng tiếp cận với các sản phẩm có lãi suất ưu đãi.
“Chúng tôi hiểu rằng điều khoản này nhằm bảo vệ người tiêu dùng tránh khỏi việc bị áp dụng nhiều chế tài cho cùng một hành vi vi phạm hoặc mức phạt quá cao đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép công ty tài chính đưa ra một mức phạt vi phạm hợp đồng áp dụng cho bất kỳ hành vi vi phạm cam kết hợp đồng nào, cả hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán, theo phần trăm hoặc một số tiền cụ thể, nhưng hợp lý, đảm bảo tính minh bạch và dễ hiểu cho khách hàng”, bà Tiên nói.