Lợi nhuận 2018 thấp nhất 10 năm
Báo cáo tài chính 2018 của CTCP Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (mã VNS) cho biết, kết thúc năm, doanh thu chỉ đạt 2.073 tỷ đồng, giảm 29,4% so với thực hiện 2017. Nguyên nhân chính là do hoạt động vận tải hành khách bằng taxi - mảng kinh doanh cốt lõi, đóng góp lớn nhất trong tổng doanh thu - chỉ đạt 890 tỷ đồng, giảm 57% so với năm 2017. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm 4,8% xuống mức 6,1%, chủ yếu được đánh giá đến từ giá nhiên liệu tăng mạnh.
Cụ thể, trong năm 2018, giá dầu thế giới bình quân đã tăng khoảng 31% so với năm 2017, kéo theo đà tăng của giá xăng dầu trong nước. Qua nhiều lần điều chỉnh, giá các sản phẩm xăng, dầu đến tháng 10/2018 (thời điểm giá dầu thế giới đạt đỉnh 4 năm) đã tăng từ 12-15% so với đầu năm tùy loại.
Giá xăng, dầu tăng khiến chi phí nhiên liệu tăng theo, tức là làm tăng giá vốn của các hãng vận tải, trong đó có Vinasun. Về nguyên tắc, Vinasun có thể chuyển ảnh hưởng giá nhiên liệu vào giá cước, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các hãng taxi công nghệ, việc điều chỉnh giá cước là không dễ dàng.
“Việc điều chỉnh cước phí đối với các hãng taxi truyền thống tốn kém cả về chi phí lẫn thời gian do phải trải qua nhiều công đoạn: Xe phải nghỉ một buổi, đến cơ quan chức năng điều chỉnh đồng hồ, thay bảng thông báo giá dán trên xe…, trong khi các doanh nghiệp taxi công nghệ điều chỉnh cước phí nhanh hơn khiến Công ty dễ bị mất thị phần”, báo cáo của Vinasun trước đó cho biết.
Kết quả là dù doanh thu mảng nhượng quyền và hợp tác thương mại năm 2018 tăng gấp rưỡi năm 2017, nhưng vẫn không đủ bù đắp doanh thu, lợi nhuận gộp hợp nhất tránh khỏi bị suy giảm. Cùng với khoản thu nhập khác giảm hơn 50% - chủ yếu do hoạt động thanh lý xe cũ chỉ bằng 25% năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Vinasun chỉ đạt 115,2 tỷ đồng, giảm 53% so với năm 2017 và là mức thấp nhất kể từ năm 2008, cho dù các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý đã được tiết giảm đáng kể.
Tình hình kinh doanh và nhân sự của vinasun giai đoạn 2014-2018.
Lợi nhuận giảm, các hệ số về khả năng sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt chỉ đạt 3,3% và 5,4%, bằng 25% so với giai đoạn 2015-2016 khi tình hình kinh doanh còn thuận lợi. Mức cổ tức theo đó cũng giảm từ 20-25% xuống 15% chi trả cho năm 2017 và kế hoạch 2018 giảm tiếp xuống 10%. Cùng với đó, số lao động tiếp tục giảm thêm 356 người xuống 6.761 người, bằng 40% thời điểm cuối năm 2015.
Dai dẳng cuộc chiến taxi truyền thống - công nghệ
Vinasun vốn là một thương hiệu taxi lớn tại khu vực miền Trung và Nam, từng giữ thị phần số 1 trong kinh doanh vận tải taxi tại nhiều địa phương như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… nhờ ưu thế về mật độ xe, cũng như uy tín thương hiệu.
Nhu cầu đi lại của người dân gia tăng tạo điều kiện tăng trưởng cho các hãng taxi truyền thống, trong đó có Vinasun, khi số lượng đầu xe taxi được cấp phép phụ thuộc vào điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông và chính sách từng địa phương. Sự quản lý chặt chẽ là rào cản với các đối thủ mới muốn gia nhập.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2015, sự xuất hiện của hình thức đặt xe qua ứng dụng di động (thường gọi là "taxi công nghệ”) đem tới cho khách hàng trải nghiệm mới tốt hơn như có thể biết trước thời gian xe đón, quãng đường, giá cước… đã thay đổi hoàn toàn phương thức cạnh tranh trong ngành này, đẩy các hãng taxi truyền thống, gồm cả Vinasun, vào thế khó.
Taxi công nghệ cho thấy ưu thế cạnh tranh rõ rệt về giá cước, được cho là do giảm được nhiều loại thuế, phí, bến bãi..., có thể chủ động điều chỉnh giá cước theo ngày, giờ cao điểm hay thấp điểm... đã tác động mạnh đến sự chọn lựa của người tiêu dùng, nhất là nhóm khách hàng cá nhân vốn dễ thay đổi thương hiệu sử dụng.
Để chuẩn bị cho xu hướng mới, song song với duy trì kênh tổng đài điện thoại, điểm đón cố định, Vinasun đã xây dựng ứng dụng gọi xe riêng với kỳ vọng cung cấp cho khách hàng trải nghiệm tương tự taxi công nghệ, nhưng đến nay vẫn chưa phổ biến.
Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, dù Vinasun có lợi thế có thể cung cấp hóa đơn đầy đủ - điều các hãng taxi công nghệ hầu như chưa thể đáp ứng và duy trì kết hợp với ngân hàng để phát hành thẻ taxi, nhưng đóng góp từ nhóm khách hàng này chưa bù đắp được sự sụt giảm của khách hàng cá nhân.
Cuối năm 2017, một sự kiện nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng, cũng như cổ đông, nhà đầu tư và tốn không ít giấy mực của các chuyên gia và cơ quan báo chí là việc Vinasun khởi kiện Công ty TNHH Grab để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng 41,2 tỷ đồng, với những cáo buộc Grab có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho Vinasun.
Sau nhiều lần trì hoãn, phiên xét xử đã được diễn ra vào cuối năm 2018 với phán quyết sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, tuyên Grab phải bồi thường 4,8 tỷ đồng. Đây được đánh giá là chiến thắng không chỉ của Vinasun, mà còn là của các hãng taxi truyền thống trước “ông lớn” Grab. Tuy vậy, kết quả này đã gây ra nhiều tranh cãi, đầu tháng 2/2019, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. HCM cũng đề kháng nghị và đề nghị tòa án xét xử phúc thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Đến nay, tuy vụ kiện chưa có hồi kết, nhưng dù kết quả ra sao có lẽ cũng chưa đủ để thay đổi vị thế kinh doanh của Vinasun với các hãng taxi công nghệ. Thị trường hiện không chỉ có Grab, nhiều doanh nghiệp cũng nhận thấy sự dịch chuyển và gia nhập vào mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ này.
Triển vọng phục hồi trong 2019 có khả quan?
Đóng cửa phiên giao dịch 12/3/2019 tại 14.500 đồng/cổ phiếu, thị giá cổ phiếu VNS đã giảm 20% trong 2 tháng qua và chỉ bằng phân nửa hồi cuối năm 2015. Giá giảm, nhưng lợi nhuận giảm mạnh hơn khiến bội số giá trên thu nhập (P/E) của VNS tăng lên hơn 11 lần, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Nhìn một cách tổng thể, lợi nhuận của Vinasun giảm năm thứ 4 liên tiếp, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thanh lý xe cũ cho thấy rõ khó khăn của Vinasun đang phải đối mặt, dù rằng trong 2 năm qua, cùng với ứng dụng công nghệ, Vinasun cũng nỗ lực chuyển dịch mô hình kinh doanh từ chia sẻ doanh thu sang cho thuê xe và nhận khoản phí cố định. Sự chuyển dịch cơ cấu doanh thu trong nửa đầu năm 2018 khi doanh thu vận tải taxi đã giảm bằng ¼ cùng kỳ năm 2017, trong khi hoạt động nhượng quyền thu về doanh thu gấp 4 lần, đã phần nào cho thấy điều này.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song bức tranh kinh doanh của Vinasun không phải không có điểm sáng. Đi sâu vào biến động doanh thu, có thể thấy doanh thu năm 2018 giảm chủ yếu trong nửa đầu năm, nhất là quý I. Bước sang quý III/2018, đà giảm đã được hạn chế đáng kể, chỉ còn 1,8% so với cùng kỳ năm 2017, lợi nhuận gộp giảm 0,9%. Trong quý IV/2018, doanh thu đã tăng trở lại 6,2%, thậm chí lợi nhuận gộp tăng nhanh hơn, đạt 12,7%.
Khi kết quả hoạt động kinh doanh chính đang cải thiện, dần đủ bù đắp các chi phí, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào việc “bán xe ăn dần” như trước, lợi nhuận hoạt động của Vinasun có cơ hội tăng trưởng ngay từ đầu năm 2019 trong bối cảnh giá xăng dù vừa chịu áp lực tăng phí môi trường, nhưng qua các đợt điều chỉnh hiện vẫn thấp hơn 6% cùng kỳ 2018. Bên cạnh đó, doanh thu khác từ quảng cáo cũng đang tăng trưởng tốt.
Mặt khác, Vinasun vốn sở hữu nhiều lợi thế, từ giá trị thương hiệu, cấu trúc tài chính lành mạnh, dòng tiền kinh doanh tốt, ít nợ vay, đến kinh nghiệm vận hành, quản lý và dịch vụ khách hàng sau hơn 20 năm hoạt động - điều mà các hãng mới không dễ gì có được, để có thể xây dựng một mô hình kinh doanh kết hợp được ưu điểm của cả yếu tố truyền thống và hiện đại.
Lợi thế của taxi công nghệ và xu hướng của người tiêu dùng thay đổi là không thể phủ nhận, lời giải cho bài toán kinh doanh của Vinasun để tìm lại thời hoàng kim có lẽ nằm ở việc Hãng sẽ thay đổi như thế nào để bắt kịp xu hướng mới và hoàn thiện được những điểm mà người tiêu dùng chưa hài lòng với taxi công nghệ.