Giảm được tối đa chi phí là điều kiện sống còn của doanh nghiệp logistic. Ảnh: Dũng Minh.

Giảm được tối đa chi phí là điều kiện sống còn của doanh nghiệp logistic. Ảnh: Dũng Minh.

Logistics hứng khởi đón đầu cơ hội

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Tăng trưởng kinh tế dự báo phục hồi với hoạt động xuất khẩu khởi sắc cùng sự gia tăng chuyển dịch dòng vốn đầu tư đang là những tiền đề tích cực nâng triển vọng tăng trưởng ngành logistics.

Tăng cường đầu tư hệ thống cảng và ứng dụng công nghệ

Ông Lê Mạnh Cương, Giám đốc Công ty cổ phần Logistics và Khai thác cảng Lokaport, một trong những doanh nghiệp đầu tiên làm liên kết chuỗi cung ứng logistics khép kín tích hợp đường bộ, đường thủy nội địa tại khu vực miền Bắc cho biết, doanh nghiệp đã và đang đầu tư đồng bộ hệ thống cảng để đón đầu cơ hội tăng trưởng mạnh của ngành logistics.

Hiện tại, Công ty đang khai thác cảng tại Hải Dương và Bắc Ninh, dự kiến tới tháng 12/2020 và năm 2021 sẽ triển khai 2 cảng tại Thái Bình và Hà Nam, tạo ra hệ sinh thái đồng bộ kết nối vùng cho toàn bộ chuỗi cung ứng phía Bắc.

Với mô hình liên kết chuỗi đồng bộ khép kín, doanh nghiệp kết hợp với địa phương tận dụng cơ sở hạ tầng của địa phương, doanh nghiệp chỉ cần đầu tư chi phí thiết bị, hoàn thiện hệ sinh thái là sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng.

Với sự kết hợp này, doanh nghiệp gần như giải được bài toán giảm chi phí cơ sở hạ tầng và tăng hiệu suất khai thác.

Trong khi đó, giảm chi phí để hạ giá thành vốn là bài toán hóc búa trong hoạt động logistics tại Việt Nam đã được ông Cương giải quyết thông qua thúc đẩy ứng dụng công nghệ.

Ước tính, tỷ lệ xe thùng rỗng chạy chiều về của các doanh nghiệp logistics lên tới 50 - 70%, việc áp dụng app (ứng dụng) công nghệ gần như giúp triệt tiêu trạng thái chạy rỗng này.

“Chi phí không chính thức trong vận tải rất lớn, cả đường bộ và đường thủy. Bên cạnh các giải pháp mạnh của các cơ quan chức năng để giải quyết tình trạng này, thì việc tính toán giảm được tối đa chi phí là điều kiện sống còn của doanh nghiệp logistic. Hiện tại, Công ty đã áp dụng app công nghệ tạo ra hệ sinh thái điện tử với hai lựa chọn đường bộ và đường thủy cho khách hàng. Đề án chính thức đã được Công ty trình lên Cục Đường thủy nội địa và Cục Đường bộ. Khi được đưa vào ứng dụng chính thức, đây sẽ giải pháp tối ưu hóa hiệu quả khai thác vận chuyển, từ đó góp phần giảm chi phí, hạ giá thành và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp”, ông Cương nói.

Triển vọng sáng của ngành logistics khiến nhiều doanh nghiệp phát triển các ứng dụng công nghệ. Chẳng hạn, Công ty TNHH Công nghệ Logivan gần đây đã huy động được 5,5 triệu USD từ quỹ đầu tư nước ngoài để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thuật toán so khớp xe tải và giá cả nhằm giảm thiểu tình trạng xe tải trống.

Tương tự, Công ty cổ phần Abivin Việt Nam đã phát triển thành công ứng dụng Abivin vRoute do Abivin trên nền tảng AI, giúp tiết kiệm chi phí, tự động hoá các quy trình thủ công và quản lý chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối.

Các doanh nghiệp logistics có thể tiết kiệm khoảng 35% thời gian điều phối và lên kế hoạch vận chuyển, tối ưu chi phí hoạt động, vận hành.

Hoàn thiện hệ sinh thái chuỗi cung ứng

Triển vọng phục hồi kinh tế trong năm 2021 và xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics được nhận định có thể khởi tạo làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ ngành này.

Nhiều nhà đầu tư lớn cùng các doanh nghiệp đã rót vốn đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chuỗi.

Hàng loạt dự án đã được khởi công và đưa vào hoạt động, dần tạo ra hệ sinh thái chuỗi cung ứng ngành đồng bộ.

Trong đó, đáng chú ý là dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần và logistics Khu kinh tế Đông Nam, Quảng Trị với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, diện tích dự kiến gần 72 ha do Công ty cổ phần ICD Đông Nam là chủ đầu tư; Trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng Sơn Dương, Trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng Vũng Áng tại Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh; Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, Vũng Tàu.

Mới đây nhất, Liên danh Tập đoàn T&T Group (Việt Nam) và Tập đoàn YCH Holdings (Singapore) làm chủ đầu tư đã khởi động dự án Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc. Với mô hình trung tâm logistics đa phương thức tích hợp cảng cạn, ứng dụng công nghệ tiên tiến bậc nhất châu Á, dự án được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành logistics Việt Nam.

Trong khi đó, đầu tư vào chuỗi kho lạnh cũng rất sôi động. Emergent Cold Việt Nam và Preferred Freezer vừa có quyết định sáp nhập với Lineage Logistics, tập đoàn lớn nhất thế giới về chuỗi cung ứng lạnh, nâng tổng hạ tầng trung tâm kho lạnh của tập đoàn này tại Việt Nam lên 3 kho.

Tính đến tháng 12/2019, cả nước có 48 kho lạnh với công suất 600.000 pallets. Trong đó, miền Nam có 36 kho lạnh, công suất 526.364 pallets; miền Trung có 1 kho lạnh, công suất 21.000 pallets; miền Bắc có 11 kho lạnh, công suất 54.780 pallets.

Khoảng 80% kho lạnh được lấp đầy. Trong năm 2020, nhiều kho lạnh đang xây mới, chuẩn bị đưa vào hoạt động như Kho Hùng Vương (Thaco) khoảng 60.000 pallet, AJ Total Long Hậu 32.000 pallet, AJ Total Hưng Yên 25.000 pallet.

Theo Prnewswire, thị trường chuỗi lạnh toàn cầu được định giá 4,7 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến sẽ đạt mức 8,2 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng trung bình 12,5%/năm. Trong đó, thị trường hàng đông lạnh đang phát triển nhanh trong khu vực Đông Nam Á, chi phí thuê kho dao động trung bình từ 0,85 - 1 USD/pallet/ngày. Đây sẽ là yếu tố làm tăng sức nóng cho thị trường logistics Việt Nam trong thời gian tới.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách tiêu dùng, phương thức hoạt động, trao đổi thương mại. Thương mại điện tử (e-commerce) tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ đã kéo theo các hoạt động logistics.

Chính phủ nên có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp liên quan đến công nghệ phục vụ logistics.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, hoạt động thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khoảng 30%/năm, với quy mô thị trường năm 2019 đạt 12,5 tỷ USD, dự kiến năm nay đạt 15 tỷ USD.

Nghiên cứu của công ty tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey cho thấy, quá trình chuyển đổi số đáng lẽ cần 5 năm để áp dụng vào doanh nghiệp và người tiêu dùng thì nay chỉ mất 8 tuần.

Đại dịch dẫn tới sự chuyển dich sản xuất và chuyển đổi nguồn cung để đảm bảo việc cung cấp nguyên liệu an toàn và chuẩn bị cho dài hạn. Do đó, đẩy nhanh chuyển đổi số nhằm cải thiện tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng và logistics như tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đang được đặt lên hàng đầu.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhận xét, trong giải pháp chuyển đổi số để cắt giảm chi phí, việc ứng dụng AI nhằm hình thành nền tảng số tích hợp công nghệ hiện có về logistics như hệ thống quản lý vận tải, cảng biển, kho bãi nhằm phục vụ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu để kéo giảm chi phí là yếu tố mang tính sống còn.

Trong khi đó, ông Phùng Tiến Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Interserco cho rằng, số lượng trung tâm logistics tăng nhanh, song hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, ít phương thức vận tải kết nối.

Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành nên có chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí và các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng đối với các trung tâm logistics.

Tin bài liên quan